Lãng phí một nguồn nhân lực quý

08:05, 24/05/2016

Ngày 23/5, thông tin từ Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lâm Đồng cung cấp, gần 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức được 125 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có tới 70% thuộc thị trường Nhật Bản.

Ngày 23/5, thông tin từ Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lâm Đồng cung cấp, gần 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức được 125 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có tới 70% thuộc thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, số người hoàn thành hợp đồng lao động trong tỉnh đã về nước đến nay là bao nhiêu thì Sở LĐTB&XH chưa thể nắm được và họ đã được phát huy sử dụng tay nghề như thế nào càng không thể có con số cụ thể. 
 
Người lao động Lâm Đồng học tập trước khi đi lao động tại Nhật Bản
Người lao động Lâm Đồng học tập trước khi đi lao động tại Nhật Bản
XKLĐ của Lâm Đồng cao từ lượng đến chất 
 
Theo tinh thần Chỉ thị 41/CT-TW ngày 22/9/1988 của Bộ Chính trị, để phát triển kinh tế - xã hội đất nước cần tăng cường lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ), đồng thời khi người lao động (NLĐ) hết thời hạn hợp đồng về nước cần tiếp tục phát huy đội ngũ nhân lực này. Ở tỉnh Lâm Đồng, mấy năm gần đây, số lượng người XKLĐ hàng năm đạt trên 600 người, đặc biệt 4 năm (từ 2013-2016) trong tổng số này có hơn 60% làm việc tại thị trường Nhật Bản.
 
Tại một chương trình giới thiệu việc làm ở Lâm Đồng, Giám đốc Chi nhánh Nhật Bản thuộc Công ty TNHH MTV XKLĐ và Thương mại du lịch SOVILACO (Bộ LĐTB&XH) Vũ Quang Luân đánh giá: Đến được thị trường lao động Nhật Bản, NLĐ vừa có thu nhập cao, vừa học được tác phong lao động công nghiệp với những kỹ thuật nghề nghiệp cao. Mức thu nhập bình quân từ 28-30 triệu đồng/tháng/người. Điều kiện tuyển trạch rất khắt khe vậy mà đa số NLĐ của Lâm Đồng vượt qua là thành công rất đáng khích lệ. Vấn đề cho thấy khi địa phương đặc biệt chú trọng mời được những doanh nghiệp XKLĐ có kinh nghiệm, uy tín trực tiếp đến tỉnh tư vấn, phối hợp tổ chức sơ tuyển, trang bị những kiến thức ban đầu về môi trường lao động ở Nhật Bản như văn hóa ứng xử, tác phong lao động, ý thức cộng đồng… là yếu tố tác động tích cực. 
 
Trao đổi với PV Báo Lâm Đồng, ông Luân nhận xét: “Năm 2015, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đạt mùa bội thu về lĩnh vực đưa lao động xuất khẩu. Trong 4 tỉnh (Hải Dương, Quảng Nam, Lâm Đồng và Bến Tre) Chi nhánh chúng tôi triển khai thực hiện Chỉ thị 41 của Bộ Chính trị, tỉnh Lâm Đồng có số lao động đi thị trường Nhật Bản nhiều nhất và NLĐ của tỉnh được giáo dục tốt nhất, ít vi phạm hợp đồng nhất”.
 
Về thu nhập, theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTB&XH Lâm Đồng), trung bình mỗi tháng NLĐ ở nước ngoài gửi về cho gia đình có tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Quả là một con số ấn tượng, góp phần đắc lực cho sự phát triển kinh tế của các hộ gia đình. 
 
Một trong những thành tựu trong công tác XKLĐ của Lâm Đồng là đưa người đi thực tập sinh (TTS) 3 năm tại Nhật Bản. Năm 2015, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên tổ chức được cuộc gặp gỡ giữa những TTS về nước do Sở LĐTB&XH phối hợp với Trường Nhật ngữ JVPF MuRaYaHa (Bộ LĐTB&XH) tổ chức. Họ là những lao động nữ và trẻ, đến từ các địa phương trong tỉnh như thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, các huyện: Đạ Tẻh, Lâm Hà, Di Linh. Ông Vũ Quang Luân - Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ JVPF MuRaYaHa, kiêm Giám đốc Chi nhánh Nhật Bản thực sự cảm kích về cuộc gặp gỡ chưa từng có ở 4 tỉnh triển khai chương trình khép kín XKLĐ do Công ty ông thực hiện. Vị Giám đốc này cũng mong muốn Sở LĐTB&XH Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ TTS bằng hình thức phát huy và tận dụng nguồn tài chính, vốn tri thức khi họ đã trở về với địa phương. Ông Luân cho rằng, để phát huy được lực lượng lao động tại chỗ hiệu quả nhất trước và sau khi hoàn thành lao động tại nước ngoài rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành LĐTB&XH và Giáo dục - Đào tạo. 
 
Nhiều lợi ích và ý nghĩa từ nguồn nhân lực tại chỗ 
 
Một thực tế đáng tiếc là trong những TTS về nước chúng tôi tiếp xúc gặp gỡ, 100% đều không được phát huy những kỹ năng, kinh nghiệm đúng nghề đã làm tại Nhật Bản. Khi về nước, một số đi tìm việc làm mới ở các khu công nghiệp lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai; số khác ở nhà hoặc sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi hoặc mở quán nhỏ bán hàng... Hầu hết họ đều tỏ rõ được những bản lĩnh sống tự lập khi đã được trui rèn tại một môi trường làm việc tiên tiến và khoa học là Nhật Bản.
 
Đến từ xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, thay mặt những TTS, Nguyễn Thị Tuyết Hạnh phát biểu: “Chúng cháu trở về quê hương với một diện mạo mới cùng với một niềm tin mới. Chúng cháu hiện nay đã có thể làm được nhiều việc mà trước đây chỉ mơ ước thôi chúng cháu cũng chẳng dám nghĩ tới. Các bạn TTS hôm nay có mặt rất đỗi tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc hợp đồng lao động, xứng đáng với lòng tin mà các bác, các chú, các thầy cô dành cho”. 
 
Hiện rất cần phát huy đội ngũ lao động này, cũng như tiếp sức để họ được cống hiến trên quê hương Lâm Đồng. Trao đổi vấn đề này với Giám đốc Sở LĐTB&XH Lâm Đồng Đỗ Quý Uy, ông thừa nhận tỉnh chưa triển khai thực hiện được chủ trương này. “Đây cũng là một trong những vấn đề mà tôi rất mong muốn thực hiện. Sắp tới đây, ngành sẽ tham mưu với tỉnh để triển khai”, ông Uy nói. Trả lời lí do ngành chỉ nắm được “đầu đi” không nắm được “đầu về”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động cho rằng do không có kinh phí nên không thể triển khai công tác thống kê. 
 
Vấn đề sử dụng, phát huy đội ngũ XKLĐ khi họ hoàn thành hợp đồng về nước, đặc biệt là những nghề phù hợp với địa phương Lâm Đồng là hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn. Đây là nguồn nhân lực vừa có tay nghề cao, có tác phong lao động công nghiệp, có kỹ năng và kỹ luật lao động tốt và đồng thời không ít trong số họ có một nguồn vốn rất đáng kể. Phát huy, sử dụng họ, Lâm Đồng sẽ có một nguồn nhân lực lao động quý mà không phải tốn nhiều kinh phí đào tạo.
 
Mặt khác, khi họ được sử dụng cũng đồng nghĩa chủ trương an sinh xã hội đối với người dân đã được nâng lên ở một cấp độ có chất lượng cao hơn, đó là tính bền vững của công cuộc giảm nghèo. Và khi có chủ trương khai thác và chính sách thu hút thì nguồn nhân lực này không rơi vào tình trạng lãng phí hoặc “chảy” ra ngoài tỉnh.
 
Muốn vậy, cần có định hướng ngành nghề ngay từ đầu đi, ví dụ các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu tuyển trạch của Lâm Đồng như sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm, du lịch và dịch vụ... Các ngành liên quan, các địa phương phải cùng vào cuộc, trong đó ngành LĐTB&XH chủ trì phối hợp với các ngành như du lịch, công nghiệp, NN&PTNT, Nội vụ...; đồng thời làm đầu mối kết nối giữa các doanh nghiệp - người XKLĐ đã về nước và các địa phương. Hiệu quả của chủ trương sử dụng nguồn nhân lực lao động từ nước ngoài hết hợp đồng về lại tỉnh sẽ đem lại nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó địa phương và người dân đều được hưởng lợi.
 
MINH ĐẠO