Gặp người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, ít người nghĩ chị là một người tiêu biểu trong cộng đồng người dân tộc K'Ho bản địa tại vùng đất vùng ven Đà Lạt. Việc nào cũng làm, như lời chị tự nhận, chị đã tham gia vào công việc từ giáo dục, phụ nữ, cộng tác viên dân số, hòa giải… và vai trò nào chị cũng làm việc hết sức mình. Đó chính là chị Liêng Hót Ri, Phó Chủ tịch MTTQ xã Tà Nung, Đà Lạt.
Gặp người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, ít người nghĩ chị là một người tiêu biểu trong cộng đồng người dân tộc K’Ho bản địa tại vùng đất vùng ven Đà Lạt. Việc nào cũng làm, như lời chị tự nhận, chị đã tham gia vào công việc từ giáo dục, phụ nữ, cộng tác viên dân số, hòa giải… và vai trò nào chị cũng làm việc hết sức mình. Đó chính là chị Liêng Hót Ri, Phó Chủ tịch MTTQ xã Tà Nung, Đà Lạt.
|
Chị Ri (bên trái) trao đổi vấn đề sử dụng vốn với hội viên phụ nữ |
Chị Liêng Hót Ri kể, chị vốn học sư phạm, là cô giáo đứng lớp rồi trở thành Hiệu phó Trường Tiểu học Tà Nung gần mười năm. Do hoàn cảnh gia đình, chị rời bục giảng trong tiếc nuối. Về cộng đồng, chị trở thành cộng tác viên dân số, rồi chuyên trách dân số của xã. Hơn chục năm, chị đi mòn chân khắp từng buôn, ghé nhà chị em tuyên truyền, vận động sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, khám thai, sinh nở tại trạm xá. Với tính cách năng nổ, lại thêm ưu thế cùng dân tộc, cùng tiếng nói, chị Ri được chị em luôn tin tưởng, chia sẻ những tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình. Chị bảo, trong thời gian làm công tác dân số, chị đã xây dựng ba mô hình không sinh con thứ ba trong chị em và đạt được kết quả rất khả quan, được tặng bằng khen của ngành, của Trung ương.
Ngưng làm công tác dân số, chị Ri trở thành Trưởng ban Mặt trận thôn rồi Phó Chủ tịch MTTQ xã Tà Nung, kiêm thêm “chức” chi hội phụ nữ và tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm. Những công việc như thu tiền làm đường, vận động bà con đóng góp xây dựng nông thôn mới, vận động nam giới bớt uống rượu, giữ vệ sinh trong gia đình cũng như vệ sinh chung thôn, buôn... đều có mặt chị. Đặc biệt, với tư cách phụ nữ, gần gũi với tâm tư của chị em, lại là người dân tộc bản địa, những vụ xung đột gia đình cần hòa giải đều không thiếu sự tham gia của chị. Chị Ri bảo, những cảnh ngộ trong gia đình khó chia sẻ dẫn đến bạo lực, chị đều phân tích cho cả hai bên thấy lỗi phải của mình, như kiểu “người ngoài cuộc thì sáng, người trong cuộc thì tối”. Nhiều cặp vợ chồng đã hòa hảo trở lại từ lời hòa giải ấy. Chị Ri tâm sự: “Tính tôi thẳng, có gì là tôi nói đấy, không nhẹ nhàng nên mới đầu nhiều bà con cũng khó chịu. Nhưng hiểu ra tấm lòng của mình nên bà con giờ đã tin, nể mình. Nói dối bà con là bà con ghét lắm, người dân tộc đã ghét thì khó mà lấy lại lòng tin”. Rất nhiều việc cụ thể như sửa lại tên của bà con trong các tấm thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ nghèo, chỉ một dấu phẩy đã khiến bà con khó khăn trong việc hưởng quyền lợi. Chị Ri lại hướng dẫn cụ thể cần gặp ai, ở đâu cho bà con, những nhà khó khăn quá chị trực tiếp đi làm giúp. Chị bảo, bà con không biết thủ tục, lại chưa rành tiếng Kinh nên ngại, mình rành rọt hơn thì phải hướng dẫn giúp. Bởi vậy, giờ có việc gì cần thắc mắc, bà con đều bảo “lên hỏi cô Ri”. Ông Nguyễn Thành Lý, Bí thư Đảng ủy xã đánh giá, cô Liêng Hót Ri là người rất năng nổ, công tác tốt, nhiệt tình, được bà con tin yêu.
Chị Ri vừa được cùng đoàn người tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số Lâm Đồng đi thăm lăng Bác, thăm các tỉnh phía Bắc. Chị tâm sự, cả đời quanh quẩn bên cây cà phê, bên buôn nhỏ, được đi chị mới thấy đất nước mình rộng lớn, nhiều dân tộc anh em. Chị nhận ra thêm một điều là nông thôn mình rất đẹp nhưng vấn đề môi trường còn kém. Chị bảo: “Tôi quyết tâm từ nay sẽ càng nhắc nhở bà con gìn giữ vệ sinh để quê mình ngày thêm sạch, thêm đẹp”.
D.QUỲNH