Mang Đà Lạt theo

09:05, 05/05/2016

Trong một hẻm nhỏ gần vòng xoay Phù Đổng, quận 1, Sài Gòn, xuất hiện một quán ăn bán món ngon Đà Lạt. Khanh, cô chủ quán xinh đẹp là tiếp viên hàng không của hãng Eva Airlines, người gốc Đà Lạt. 

1. Trong một hẻm nhỏ gần vòng xoay Phù Đổng, quận 1, Sài Gòn, xuất hiện một quán ăn bán món ngon Đà Lạt. Khanh, cô chủ quán xinh đẹp là tiếp viên hàng không của hãng Eva Airlines, người gốc Đà Lạt. 
 
Ngày nhỏ, ba mẹ Khanh có quán phở ở đường Phan Đình Phùng. Gánh phở nuôi chị em Khanh ăn học, trưởng thành rồi xa nhà, lập nghiệp ở Sài Gòn. Gánh phở khiêm tốn của gia đình cũng nuôi trong lòng cô gái Đà Lạt mê ẩm thực một mơ ước giản dị: một ngày nào đó, khi đủ điều kiện kinh tế, sẽ mở một quán đặc sản quê nhà, như một cách mang Đà Lạt theo.
 
Phan Nguyễn Thục Khanh với quán giới thiệu món ngon Đà Lạt giữa Sài Gòn
Phan Nguyễn Thục Khanh với quán giới thiệu món ngon Đà Lạt giữa Sài Gòn

Bún riêu với rau bào “đúng điệu”, bún bò nấu kiểu xứ lạnh với nước lèo trong, mùi sả thơm nồng, tô mì Quảng ăn đặc thù với củ đậu xay, lạc rang điểm xuyết, nước dùng không quá sắc đậm như tô mì Quảng Nam và cũng không quá “dạt dào” như tô mì Quảng kiểu “hợp chúng quốc” Sài Gòn mà vừa phải, nhỏ nhẹ tinh tế đúng tâm tính con người, hàng quán nơi quê xứ. Có thể gặp những điều đó ở quán của Khanh. Người từng gắn bó với Đà Lạt cho đến dân Đà Lạt lưu lạc tha phương giữa Sài Gòn, hễ gặp nhau trong ngôi quán nhỏ của Khanh, là hít hà bởi món ngon, bởi thỏa mãn nỗi nhớ Đà Lạt qua cái ăn (cũng không chối cãi, đôi khi là qua giọng nói nhỏ nhẹ, vẻ đẹp cuốn hút của cô chủ quán!)
 
Nhưng rồi dạo đầu năm tới nay, tôi ghé lại thấy quán đã đóng cửa. Đầu dây, cô chủ 8X vẫn giọng Đà Lạt nhỏ nhẹ: “Em gặp trục trặc mặt bằng. Em đang kiếm một chỗ ổn định hơn để tiếp tục mở quán”. “Vẫn đặc sản Đà Lạt chứ?”. “Dạ, anh yên tâm đi, vẫn đặc sản Đà Lạt”. 
 
Chuyện làm ăn cũng thật khó nói trước điều gì. Nhưng với lòng thành của cô gái đẹp muốn mang một chút Đà Lạt lãng mạn mà đậm đà qua bún riêu, mì quảng,  bún bò giữa chốn phồn hoa Sài Gòn, tôi tin rồi Khanh sẽ thành công.
 
Đâu chỉ có Khanh, Sài Gòn còn nhiều quán ăn Đà Lạt kiểu như thế, như bánh mì Hoa Lê ở đường Hoàng Diệu, Đà Lạt quán ở đường Vĩnh Hội (quận 4) hay cà phê phin ở Đà Lạt quán nằm trong khu phố tài chính trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1)… Đến một quán Đà Lạt giữa Sài Gòn, là tự nguyện bị chinh phục bởi món ngon, thỏa mãn nỗi nhớ núi đồi sương khói đã rồi, mà có khi còn được tận hưởng thành quả của một lối “ẩm thực chậm”, một kiểu slow cooking, để quên đi cái thế giới mọi thứ đều trôi nhanh, qua vội, được trở về với sự từ tốn nhã nhặn trong cung cách ăn nói với nhau.
 
2. Ai sống ở Đà Lạt, cho dù là thời gian ngắn hay dài, khi rời đi, cũng muốn đem theo một chút căn tính Đà Lạt. Cụ thể ra làm sao, thì cũng khó liệt kê, song, đó là một thứ sắc thái chung mà những người yêu Đà Lạt có thể cảm nhận được.
 
Căn tính Đà Lạt ấy có thể là những thói quen trong hành xử nhỏ nhẹ, bình thản, một chút bay bổng giúp họ có một kháng thể để tự cân bằng trong đời sống tinh thần giữa cuộc sống huyên náo, vội vã. 
 
Một lần nọ, khi tôi có ý định sẽ xây một căn nhà riêng trên khổ đất nhỏ hẹp giữa Sài Gòn, thì ý tưởng đầu tiên đó là đi kiếm một kiến trúc sư người Đà Lạt. Đặng Phan Lạc Việt (con trai của lão họa sĩ Đặng Ngọc Trân) nhận sơ đồ đất, rồi đóng cửa hai tuần để cuối cùng đưa ra một thách đố với gia chủ: “Chúng ta sẽ có một khu vườn đứng, một mảng xanh kiểu Đà Lạt với tường chạy những ống nước sơn trắng, những góc lồi mô phỏng hình thái biệt thự Đà Lạt. Nhưng phải chịu chơi, yêu Đà Lạt mới… ở được”
 
Tôi tin là mình yêu Đà Lạt, bằng chứng là đã tìm thấy sự yên ổn suốt 5 năm sống trong căn nhà hẹp 38 mét vuông nằm trong một con hẻm nhỏ Sài Gòn, nơi có mảnh vườn chiều thẳng đứng (tiết kiệm diện tích hết mức để được “xanh”) và một vài đường nét gợi nhớ những góc Đà Lạt trong tâm tưởng. Đặng Phan Lạc Việt đã mang Đà Lạt xuống Sài Gòn qua từng góc xanh như thế trong các công trình mà anh thiết kế.
 
Nghĩ cũng thật may cho tôi, sự mong muốn “có một Đà Lạt mang theo” lại trùng ngộ, giao cảm với một tâm hồn người Đà Lạt thực thụ ở ông kiến trúc sư trẻ cũng đang lang bạt giữa phố xá Sài Gòn.
 
Tôi nghĩ chỉ mình có ý nghĩ kỳ quặc là mang Đà Lạt vào không gian sống Sài Gòn, nhưng rồi một ngày, khi trò chuyện với ca sĩ Lê Uyên, tôi cũng nghe một câu chuyện tương tự. Lê Uyên còn mang Đà Lạt đi xa hơn, đến nửa vòng trái đất. 
 
Chuyện là sau khi nhạc sĩ Lê Uyên Phương qua đời tại Mỹ, Lê Uyên đã chìm đắm trong nỗi buồn và nhớ thành phố Đà Lạt, nơi khai sinh của cuộc tình đẹp, nơi ươm tạo một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Trong một lần đi lang thang tại vùng Garden Grove, Lê Uyên tìm thấy một ngôi nhà có cây thông cổ thụ. Chị mạnh dạn vào dò hỏi mua thì cũng may mắn đúng lúc gia chủ đang có ý định chuyển đi nơi khác. “Tôi quyết định mua ngay ngôi nhà đó bằng mọi giá. Tôi dọn về ở ngay vì nhìn thấy ngôi nhà mang một hình ảnh Đà Lạt trên đất Mỹ”, Lê Uyên kể.
 
3. Khi tôi đến những phòng trà Đà Lạt giữa Sài Gòn, vẫn thường bắt gặp ở đó những bạn bè cũ. Đó có thể là cô ca sĩ năm xưa đã gặp đâu đó ở một đêm văn nghệ trong trường đại học. Cũng có thể là một anh chàng học trò trong lớp thực tập mà tôi không còn nhớ tên. Người Đà Lạt nhanh chóng tìm thấy, nhận ra nhau, vồn vã làm quen và dễ trở nên thân thiết ngay trong những lần đầu hạnh ngộ. Những chuyện xưa, chuyện nay về thành phố cao nguyên cứ thế ùa về. Những đôi mắt được dịp mơ màng thoát ly khỏi cái cõi sống chằng chịt hỗn mang của phố xá, đời sống Sài Gòn. Họ tìm thấy ở nhau sự thân thương nhẹ nhàng, khiêm cung và lịch thiệp.
 
Những tính cách đó có được ở một thành phố có nếp sống hiền hòa, vị tha, một thành phố nhỏ ít bon chen, nơi mỗi người ra đường đều nhìn thấy ở tha nhân sự thân quen, một nhu cầu gần gũi, giao kết tình thân. 
 
Mỗi người khi xa Đà Lạt, hẳn sẽ có một cách mang theo Đà Lạt của riêng mình. Có khi hữu hình, có thể thấy được, như là tô bún, tô mì, trong cách kiến tạo không gian sống nhưng có khi cũng là một tính cách, một phong thái hay nếp văn hóa, mà cứ hễ nhìn vào đó, ta không ngần ngại bắt quen bằng câu hỏi: “Xin lỗi, anh, chị có phải người Đà Lạt hay từng ở Đà Lạt không?”. 
 
Khi đó, Đà Lạt đồng nghĩa với một hình dung về tính cách, hệ giá trị tốt lành mà ta hướng đến, kiếm tìm, ngưỡng vọng.
 
Tùy bút: Nguyễn Vĩnh Nguyên