Em Hồ Phạm Quỳnh Mai, 18 tuổi, học sinh lớp 12 Pháp - Trường THPT chuyên Thăng Long, thành phố Đà Lạt đã giành giải Nhất - Giải viết văn bằng tiếng Pháp tuổi 23 tại Việt Nam lần thứ 4 năm 2016.
Em Hồ Phạm Quỳnh Mai, 18 tuổi, học sinh lớp 12 Pháp - Trường THPT chuyên Thăng Long, thành phố Đà Lạt đã giành giải Nhất - Giải viết văn bằng tiếng Pháp tuổi 23 tại Việt Nam lần thứ 4 năm 2016.
|
Em Quỳnh Mai nhận Giải viết văn bằng tiếng Pháp tuổi 23 tại Việt Nam |
Đây là giải mang tên Bác sỹ từng gắn bó gần trọn cuộc đời nghiên cứu y học của mình tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) và là người tìm ra vùng đất để xây dựng nên thành phố Đà Lạt ngày nay - Alexandre Yersin. Giải do Le Liseron (Hội Rau Muống - Hội những người Pháp luôn hướng về Việt Nam) tổ chức, chuyên dành cho những cây bút trẻ học tiếng Pháp, yêu thích văn học Pháp. Tại lần tổ chức thứ 4 này, giải đã trao thưởng cho 4 cây bút xuất sắc. Hồ Phạm Quỳnh Mai đã đoạt giải Nhất ngay trong lần đầu tiên tham dự.
Bằng vốn tiếng Pháp vững vàng cùng với trí tưởng tượng khá siêu việt, Quỳnh Mai đã kể một câu chuyện rất ý nghĩa và mang tính nhân văn cao về những giọt nhựa sống bên trong một cây xanh. Câu chuyện có tên “Những giọt nhựa”.
Chuyện kể đại ý, từ ngày xưa, khi trái đất chưa có cây, vì Thượng đế quá yêu quý con người nên đã tạo ra các loại cây để giúp đỡ con người trong cuộc sống. Trong một lần vận chuyển, người hầu của Thượng đế đã đánh rơi một túi hạt xuống lòng sông trôi mất. Nhưng có một hạt cây bị rớt lại trên bờ sông. Hạt cây cảm thấy buồn tủi, nhưng nhờ sự động viên, đùm bọc trong bàn tay của đất nên hạt đã thành cây.
Khi đã trưởng thành và vươn cao, cây muốn đến với con người. Phải nhờ đến gió, bão... qua nhiều giai đoạn và nhiều phần nội dung khác nhau của câu chuyện, cuối cùng lá của cây cô đơn đó cũng đã đến được với thế giới con người. Con người sau khi phát hiện ra khả năng chữa bệnh của lá cây này mà tìm đến với cây.
Khi cây chết, con người định mang thân cây làm gỗ nhưng bị bão ngăn lại: “Cây phải ở lại đây để nhìn thấy sự phát triển của loài nó!”. Rồi đột nhiên cây cháy thành tro, một phần ngấm xuống đất, một phần bay đi khắp khu rừng. Vạn vật bất ngờ. Sau đó, bão không bao giờ trở lại nữa; gió thì thích kể câu chuyện của cây cho con cháu nghe để nhắc nhở rằng: Tương lai không phải là quá khứ được sắp xếp theo một trật tự. Nó phụ thuộc vào niềm tin, cố gắng và quyết tâm của mỗi chúng ta.
Điều độc đáo của câu chuyện là xuyên suốt nó, giọt nhựa sống của cây là hồn cốt câu chuyện, là chất kết dính của cây với lá, với cành... Và, cũng chính những giọt nhựa cây thể hiện sự buồn vui, đau khổ, tức giận của cây. Để cuối cùng, ý nghĩa nhân văn của câu chuyện là con người, mượn hình tượng của cây, là hãy sống kiêu hãnh và hy vọng. Cho dù phải trải qua bao đau khổ, buồn vui, nhưng chính bản thân mình quyết định lấy sự tồn tại và phát triển của mình; mục tiêu mà mình hướng đến cùng với hành động sẽ dẫn đến kết quả...
Câu chuyện của Quỳnh Mai cũng là câu chuyện về văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên, vạn vật xung quanh mình.
PHẠM KHA