Ông Đàm Xuân Đêu và cô giáo Ma Hiêng được xem là niềm tự hào của 2 thế hệ người đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng.
Ông Đàm Xuân Đêu - 33 Quang Trung, phường 9, TP. Đà Lạt: Trưởng thành từ trong kháng chiến, từng là chiến sĩ giao liên nhỏ, bộ đội, rồi tham gia công tác trên nhiều cương vị (nguyên Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai, Trưởng Ban Dân tộc - Miền núi, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh), ông Đàm Xuân Đêu đều phát huy tốt năng lực, tận tâm với công việc và đặc biệt luôn hướng về đồng bào các DTTS Lâm Đồng còn nhiều gian khó. Ông cố gắng làm rất nhiều việc giúp đỡ đồng bào, nhất là thời kỳ còn tham gia công tác ở Ban Dân tộc - Miền núi tỉnh (nay là Ban Dân tộc tỉnh). Ngày ấy, ông cùng tập thể cơ quan, ban ngành, địa phương luôn bám sát chủ trương của Đảng, thực hiện tốt chính sách dân tộc về định canh định cư, chương trình 132, 134, 135, chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất... để giúp đồng bào từng bước vươn lên, góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Ông luôn ghi nhớ lời dạy của Bác về tình đoàn kết giữa đồng bào Kinh với đồng bào Thượng. Ông Đàm Xuân Đêu chia sẻ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu và Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những năm kháng chiến, đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng được cán bộ người Kinh dìu dắt giúp đỡ, giáo dục đã đoàn kết lại cùng đồng bào cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Hàng vạn người con ưu tú của đồng bào các DTTS nhập ngũ, tham gia du kích, đi dân công tải đạn phục vụ chiến đấu... Nhiều cán bộ người Kinh lên vùng rừng núi Lâm Đồng xây dựng cơ sở cách mạng, cùng ăn lá bép, măng rừng, môn thục, sà bu, đốt cỏ tranh lọc nước thay muối nấu canh để xây dựng căn cứ cách mạng, dìu dắt giúp đỡ cán bộ DTTS trưởng thành. Tình đoàn kết gắn bó keo sơn ấy chúng tôi không bao giờ quên được. Đó chính là thực hiện theo lời dặn của Bác: “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” như trong thư Bác Hồ viết gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku năm 1946. Điều mà ông Đêu trăn trở nhất hiện nay, đó là mong bà con các DTTS phải lấy “đất, rừng làm gốc”. Đất ở đây là đất sản xuất được Nhà nước cấp, rừng là rừng được cơ quan có thẩm quyền giao khoán quản lý bảo vệ chứ không phải đi phá rừng để lấy đất, chặt phá rừng làm nương, làm rẫy để sản xuất. Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết đất sản xuất cho đồng bào, đồng bào phải có ý thức giữ đất, giữ rừng cho Nhà nước. Phải làm cho đất sinh sôi, nảy nở, nuôi sống đồng bào.