Thôn K'Ming (xã Gung Ré) nay là Tổ dân phố K'Ming (thị trấn Di Linh) hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Trước đây, K'Ming được báo giới đặt cho một cái tên rất đỗi thân thương và tự hào là "Làng đại học", "Làng cử nhân".
Thôn K’Ming (xã Gung Ré) nay là Tổ dân phố K’Ming (thị trấn Di Linh) hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Trước đây, K’Ming được báo giới đặt cho một cái tên rất đỗi thân thương và tự hào là “Làng đại học”, “Làng cử nhân”. Tên gọi như thế là rất xứng đáng, bởi hàng năm, số học sinh thi đậu và tốt nghiệp các trường đại học từ trước tới nay đều nhiều nhất so với các thôn DTTS khác trong toàn huyện.
|
Đường vào Tổ dân phố K’Ming |
Trở lại K’Ming lúc này, trời vẫn còn nắng hạn oi bức, chưa vào mùa làm nương rẫy, nên số đông bà con còn ở nhà “túc tắc” công việc gia đình. Khi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp không khí mừng vui, bà con í ới hẹn nhau cùng đi bầu cử. Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử (22/5), Tổ dân phố K’Ming chuẩn bị họp dân để phổ biến, hướng dẫn và nhắc thêm lần nữa để bà con biết rõ cách thức, nắm chắc thể lệ bỏ phiếu và số lượng đại biểu bầu ở mỗi cấp. Trong mỗi bà con lúc này, có lẽ người rõ người chưa, nên bà con thường trò chuyện, trao đổi cho nhau về cách thức thế nào, về số lượng đại biểu bầu vào Quốc hội và HĐND tỉnh, huyện, thị trấn ra sao...
Điều mà bà con vui mừng, phấn khởi và tự hào là trong Làng đại học có 1 người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội lần này. Đó là nữ bác sĩ Ka Hor (hiện đang công tác tại Khoa Nội - Nhi - Nhiễm - Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Di Linh). Trong số các chị mà chúng tôi cùng trò chuyện, một chị đã ngoài tuổi 50 nhắc đến Ka Hor: “Ka Hor được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội cũng xứng đáng, vì nó (nó là cách thường gọi của bà con DTTS - PV) sinh ra trong một gia đình hiếu học, cả nhà đều học giỏi và có tới 5 - 6 anh chị em (kể cả dâu, rẻ) tốt nghiệp đại học. Nó làm bác sĩ cũng tốt và đã được 15 năm rồi đó. Nếu nó được trúng cử thì sẽ làm vinh danh thêm Làng đại học mình và cũng là tấm gương để thế hệ đàn em, đàn cháu của nó học tập”.
Khi tìm đến nhà Tổ trưởng Tổ dân phố K’Ming, chúng tôi xin số điện thoại từ con ông để liên lạc và phải đợi khoảng 30 phút, ông K’Gôl mới về. Kẹp trên xe máy một tập giấy khá dày danh sách cử tri và xấp thẻ cử tri, tôi biết chắc là anh đang lo công việc bầu cử. “Mấy bữa nay, tôi hơi bận bịu một chút. Sáng nay, tôi phải chạy ra thị trấn xin thêm một ít thẻ cử tri vì còn thiếu. Tôi đã rà soát rất kỹ, thế mà vẫn còn sót, vì cử tri trong thôn khá đông anh ạ! - Ông K’Gôl vui vẻ chào hỏi, rồi pha nước trò chuyện với chúng tôi. Khi nhắc đến Làng đại học thì chúng tôi có cảm giác hình như đôi mắt K’Gôl sáng ngời hơn. Ông tâm sự: “Đã khá lâu rồi, K’Ming được báo chí tôn vinh là Làng đại học. Được thế thì cũng mừng, nhưng cả làng cũng phải có trách nhiệm và cùng phải lo để làm sao giữ và phát huy được tiếng tốt đó”.
Theo lời Tổ trưởng Tổ dân phố K’Ming K’Gôl, điểm nổi bật của K’Ming là phong trào khuyến học, khuyến tài. Những phong trào này đã trở thành việc làm thường xuyên và được bà con hưởng ứng sôi nổi. K’Ming đã xuất hiện nhiều dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học tiêu biểu, như gia đình các ông bà Tam Bou Brọi, K’Brèo, K’Brôi… Hiện nay, K’Ming có 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, không có trẻ em nào bỏ học. Hàng năm, K’Ming đều có khá đông học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Tính đến nay, K’Ming đã có khoảng 80 em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Trong đó, 2 em có trình độ thạc sĩ; nhiều em là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên; nhiều em đã trở thành cán bộ quản lý, giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của một số ngành, cơ quan, đơn vị tại địa phương…
Đã ngót 14 năm làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn (tổ dân phố) K’Ming, ông Tou Plui Bràng rất tâm huyết với phong trào khuyến học, khuyến tài. Theo ông Tou Plui Bràng, phong trào khuyến học, khuyến tài ở K’Ming đã có tác động rất lớn trong việc nâng cao dân trí; từ đó, góp phần tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Với vai trò của mình là Trưởng Ban công tác Mặt trận, ông luôn quan tâm đến việc triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhờ vậy, K’Ming đã trở thành một “điểm sáng” trong Cuộc vận động này.
Ông Tou Plui Bràng cho biết: “K’Ming bảo tồn được các hoạt động và sinh hoạt văn hóa văn nghệ truyền thống, như đánh cồng chiêng, các điệu múa xoan, hát dân gian, lễ hội đình làng “Nô Wèr”, lễ hội đâm trâu… Đến nay, K’Ming đã khắc phục được các phong tục, tập quán lạc hậu; không còn việc thách cưới cao; đám tang không tổ chức ăn uống dài ngày; cưới, hỏi đúng độ tuổi theo quy định của luật pháp; kết hôn hoàn toàn tự nguyện và đăng ký kết hôn theo quy định, không còn tình trạng tảo hôn…”. Nhờ vậy, năm 2015, Tổ dân phố K’Ming có 91% gia đình được công nhận “gia đình văn hóa” và mới đây được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” lần thứ 3.
K’Ming có được phong trào khuyến học, khuyến tài và trở thành một “điểm sáng” trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, điều quan trọng là nhờ vai trò của người cán bộ, của già làng, người có uy tín và khi người dân đã có nhận thức, biết tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm. “Có được 457ha đất trồng cà phê và 158ha đất trồng lúa nước là cái thuận lợi để K’Ming lo “của ăn, của để”. Nhưng để có một “Làng đại học” là cái rất khó, không phải nơi nào cũng làm được. Đây chính là niềm tự hào mà người dân K’Ming chúng tôi phải biết trân trọng gìn giữ” - già làng K’Sel trải lòng khi tiếp chuyện với chúng tôi.
Ghi chép XUÂN LONG