Trung tâm Y tế Đà Lạt: Nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh nội trú

08:05, 18/05/2016

Kể từ đầu năm 2016, TTYT Đà Lạt triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng điều trị nội trú phục vụ bệnh nhân với số lượng lớn người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu BHYT tại TTYT Đà Lạt nhằm giảm tải cho tuyến tỉnh, từng bước chuyên sâu trong công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng y tế cơ sở. 

Do đặc thù ở thành phố Đà Lạt có nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của công lập và tư nhân hoạt động nên Trung tâm Y tế (TTYT) Đà Lạt không có bệnh viện. Vì vậy, việc phát triển các dịch vụ y tế của TTYT còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào công tác y tế dự phòng. Kể từ đầu năm 2016, TTYT Đà Lạt triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng điều trị nội trú phục vụ bệnh nhân với số lượng lớn người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu BHYT tại TTYT Đà Lạt nhằm giảm tải cho tuyến tỉnh, từng bước chuyên sâu trong công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng y tế cơ sở. 
 
Nhiều năm qua, ngành Y tế Đà Lạt đã tổ chức chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại PKĐK Trung tâm
Nhiều năm qua, ngành Y tế Đà Lạt đã tổ chức chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại PKĐK Trung tâm

BSCKII Chu Thế Vinh - Giám đốc TTYT Đà Lạt cho biết: Công tác khám chữa bệnh và điều trị nội trú của ngành Y tế Đà Lạt theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật được thực hiện tại: Phòng khám đa khoa (PKĐK) Trung tâm, Phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) Trại Mát, PKĐKKV Xuân Trường, Nhà hộ sinh khu vực (NHSKV) Đà Lạt và 14 trạm y tế (TYT) phường, xã. Được giao 80 giường bệnh nhưng cơ sở vật chất còn hạn hẹp, thường xuyên quá tải bệnh nhân, hiện PKĐKKV Xuân Trường chưa được đầu tư xây mới, PKĐK Trung tâm chỉ có khả năng thực kê được 25/40 giường bệnh. Các đơn vị làm việc trong điều kiện thiếu nhân lực chuyên môn tham gia công tác điều trị vì từ trước đến nay nhiệm vụ y tế tuyến cơ sở chủ yếu khám chữa những bệnh thông thường, không phát triển chuyên sâu (nhất là tại những địa phương như Đà Lạt, Bảo Lộc có các cơ sở điều trị tuyến tỉnh đóng trên địa bàn hỗ trợ cho công tác điều trị). Đồng thời, cùng với việc lâu nay ngành YT Đà Lạt hạn chế điều trị nội trú, khuyến khích điều trị ngoại trú và nội trú trong ngày để giảm áp lực cho cơ sở y tế là yếu tố tâm lý bệnh nhân muốn được điều trị ngoại trú tại nhà để bớt khó khăn về sinh hoạt nếu chưa phải là bệnh cấp cứu. 
 
Đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố triển khai phòng khám bác sĩ gia đình
 
BS Đồng Sĩ Quang - Trưởng phòng nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế cho biết, hiện Sở đang xây dựng kế hoạch triển khai phòng khám bác sĩ gia đình (PKBSGĐ) giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo người hành nghề y học gia đình (YHGĐ), cụ thể là đào tạo bồi dưỡng các bác sĩ đa khoa đang công tác ở TYT về chuyên ngành YHGĐ tối thiểu 3 tháng để xét cấp chứng chỉ hành nghề hoặc bổ sung phạm vi chuyên môn về YHGĐ làm cơ sở để triển khai PKBSGĐ lồng ghép với tất cả các TYT xã có bác sĩ làm việc theo mục tiêu của Bộ Y tế (BYT). 
 
Trong mục tiêu của BYT về thành lập PKBSGĐ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước: đảm bảo đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành triển khai PKBSGĐ. Trong đó, tại mỗi tỉnh, thành phố triển khai lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của PKBSGĐ ở tất cả các TYT xã có bác sĩ làm việc. 
 
Mô hình BSGĐ đã được BYT công nhận từ năm 2000. Đến nay, cả nước có hơn 500 BSCKI, 70 bác sĩ định hướng YHGĐ. Thực hiện đề án thí điểm BSGĐ năm 2013 - 2015, cả nước đã thành lập được 240 PKBSGĐ tại 5 địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Huế, Tiền Giang.
DH
Với dân số Đà Lạt hơn 223.000 người và trên 74.000 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế thuộc TTYT Đà Lạt, cho thấy thực trạng quá tải bệnh nhân và đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh, thực hiện đạt chỉ tiêu nội trú và công suất sử dụng giường bệnh đang là áp lực đối với các cơ sở khám chữa bệnh của ngành Y tế Đà Lạt. BSCKII Chu Thế Vinh cho biết thêm: Từ khi thực hiện liên thông trong khám chữa bệnh BHYT, trung bình tại PKĐK Trung tâm khám cho 640 bệnh nhân/ngày, các PKĐKKV 120 bệnh nhân/ngày, NHSKV 150 bệnh nhân/ngày. Từ đầu năm 2016 đến nay, thực hiện chủ trương kê đơn thuốc điện tử trong khám chữa bệnh BHYT theo mẫu chung toàn quốc, đồng hạng giá thu viện phí BHYT mới trong khi nội dung phần mềm và các văn bản hướng dẫn chưa thống nhất kịp thời và hoàn chỉnh, nhân lực và kinh phí đầu tư không có bổ sung đã tăng thêm áp lực công việc của các cơ sở khám chữa bệnh vốn đã quá tải. 
 
Theo Giám đốc TTYT Đà Lạt, đơn vị đang nỗ lực để từng bước chuyên sâu trong công tác khám chữa bệnh, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, giảm áp lực cho đội ngũ CBYT trong công tác khám chữa bệnh và tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, điều trị nội trú ngay tại tuyến y tế cơ sở. TTYT Đà Lạt đã triển khai các giải pháp như cải tạo, nâng cấp các phòng làm việc để bố trí thêm các phòng khám chữa bệnh, phòng lưu bệnh và mở thêm dịch vụ các chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị nội trú và tăng công suất sử dụng giường bệnh. Đầu tư trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính, giảm chờ đợi phiền hà cho người bệnh, đảm bảo quy trình khám chữa bệnh và thanh quyết toán đúng quy định. Phân bổ kế hoạch giường bệnh từ thành phố đến phường, xã phù hợp với đặc thù cơ sở và năng lực chuyên môn của từng đơn vị để nâng cao hiệu quả chỉ đạo chuyên môn khám chữa bệnh giữa thành phố với các TYT.
 
PKĐK Trung tâm thành lập 1 tổ chuyên khám chữa bệnh nội trú để đẩy mạnh việc thu dung điều trị tại đơn vị, đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức thu dung điều trị nội trú tại 10 TYT. PKĐKKV Trại Mát phân công bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp thu dung bệnh nhân điều trị nội trú tại đơn vị và chịu trách nhiệm tổ chức thu dung điều trị nội trú tại 3 TYT xã, phường. PKĐKKV Xuân Trường cũng phân công cán bộ y tế trực tiếp thu dung điều trị nội trú tại đơn vị và chịu trách nhiệm tổ chức thu dung điều trị nội trú tại 1 TYT. NHSKV Đà Lạt thành lập 1 tổ chuyên khám chữa bệnh nội trú để đẩy mạnh việc thu dung bệnh nhân tại đơn vị và chịu trách nhiệm tổ chức thu dung điều trị nội trú sản tại các TYT phường, xã có sản phụ đến sinh. 
 
Chị Phan Thị Thu H. (49 tuổi) đang chạy thận nhân tạo tại PKĐK Trung tâm cho biết: Tôi bị bệnh suy thận mạn tính phải chấp nhận chạy thận nhân tạo suốt đời. Đã hơn 2 năm qua, tôi đi chạy thận nhân tạo tại đây, có các y, bác sĩ phục vụ rất tận tình, chu đáo; cơ sở khang trang, sạch sẽ, có các thiết bị máy móc hiện đại, nên tôi rất yên tâm tin tưởng đến đây điều trị bệnh. 
 
BSCKII Chu Thế Vinh cho biết, qua 4 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp trên, bước đầu công tác khám chữa bệnh đã có những chuyển biến tích cực. Ngành Y tế Đà Lạt thực hiện đạt tiến độ chỉ tiêu, kế hoạch khám chữa bệnh và điều trị nội trú hiệu quả, phân tán được áp lực quá tải cho các đơn vị, giải quyết kịp thời lượng bệnh nhân trong từng buổi, hàng ngày; đảm bảo thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh nội, ngoại trú, từng bước chuyên nghiệp việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tại tuyến y tế cơ sở. Việc tổ chức thu dung bệnh nhân điều trị nội trú hiệu quả mở ra cho ngành Y tế Đà Lạt có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình Bác sĩ gia đình trong thời gian tới.
 
AN NHIÊN