Thành phố Đà Lạt có hơn 26.100ha đất lâm nghiệp, trong đó gần 21.000ha rừng phòng hộ. Thành ủy Đà Lạt đã ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Thành phố (TP.) Đà Lạt có hơn 26.100ha đất lâm nghiệp, trong đó gần 21.000ha rừng phòng hộ. Để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý này, cả 2 nhiệm kỳ (2011 - 2020) Thành ủy Đà Lạt đều ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR).
|
Trong 5 năm (2011-2015) với 536,5ha - địa bàn Đà Lạt luôn đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng |
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện công tác QLBV&PTR của TP. Đà Lạt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đảng bộ TP, khóa X, tháng 3/2011, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 02/NQ/TH.U về công tác này. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về BV&PTR đã được các cấp ủy Đảng & chính quyền, các phòng, ban, đơn vị và các cơ quan chức năng quan tâm, duy trì thường xuyên thông qua nhiều hình thức phù hợp. Trong 5 năm, TP. Đà Lạt đã vận động nhân dân thực hiện tốt 43 quy ước BVR; phối hợp tổ chức 118 lượt tuyên truyền trực tiếp với 6.156 lượt người tham gia, thực hiện 49 đợt tuyên truyền lưu động, vận động ký 2.279 cam kết không vi phạm Luật BV&PTR. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu giao khoán BVR và chi trả dịch vụ môi trường rừng, Đà Lạt vận động trên 500 hộ nhận khoán và trên 100 nhà đầu tư được giao, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp thực hiện tốt các quy định của nhà nước trong công tác BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Những kết quả của 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác như: PCCCR; kiểm tra, truy quét, ngăn chặn chống chặt phá rừng; kiểm tra, xử lý các trọng điểm phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép… Trong 5 năm, trên địa bàn TP. đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 922 vụ vi phạm trong lĩnh vực QL BVR và quản lý lâm sản, thu phương tiện qua xử lý vi phạm 4 ô tô, 45 xe máy…; tịch thu hơn 393m
3 gỗ tròn, hơn 143m
3 gỗ xẻ, 113 cá thể động vật; thu nộp ngân sách 5,355 tỷ đồng… Việc phá rừng trong 5 năm gây thiệt hại gần 30ha, giảm hơn 4ha so với giai đoạn 2006 - 2010. Đặc biệt, trong 2 năm 2014 và 2015 trên địa bàn TP. Đà Lạt đã không còn điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Song song với những kết quả khích lệ này, giai đoạn 2011-2015, TP. Đà Lạt cũng đạt được thành tích về công tác lâm sinh, trồng rừng, trồng cây phân tán; hiệu quả của hoạt động kiểm lâm địa bàn và Ban lâm nghiệp phường, xã; công tác giao khoán BVR, giải quyết đất cho đồng bào dân tộc tại chỗ…
Tuy nhiên, Thành ủy Đà Lạt cũng nghiêm túc nhận thấy một số tồn tại, hạn chế trong công tác BV&PTR trên địa bàn phải khắc phục. Đó là hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa cao; công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm tại một số đơn vị chủ rừng, địa phương chưa thực hiện tốt. Đó còn là khi xảy ra việc người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp tại một số nơi thì chính quyền địa phương, lực lượng chức năng còn chậm phát hiện, ngăn chặn và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm. Theo ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, công tác thu hồi đất bị lấn chiếm và trồng rừng thay thế chưa được triển khai quyết liệt. Cũng như nhiều địa bàn khác trong tỉnh, thời gian qua, tại Đà Lạt, tình trạng một số doanh nghiệp thuê rừng và đất lâm nghiệp vẫn chưa có trách nhiệm cao trong đầu tư dự án, không triển khai dự án hoặc dự án không đúng tiến độ…
Giữ vững diện tích rừng và tăng 3,4% độ che phủ
Từ những đánh giá về kết quả và hạn chế, tồn tại nêu trên, Thành ủy Đà Lạt tiếp tục triển khai Nghị quyết 02/-NQ/TH.U về công tác QL BV&PTR giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu đặt ra là giữ vững diện tích rừng hiện có; đồng thời trong giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu trồng mới, khoanh nuôi tái sinh khoảng 600ha; trồng 200.000 cây phân tán và đến năm 2020 độ che phủ rừng đạt 51%. Nghị quyết cũng đặt ra hàng năm giảm ít nhất 10% mức độ thiệt hại về: diện tích rừng bị xâm hại, bị cháy; khối lượng lâm sản và diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm so với năm trước.
Để đạt được những mục tiêu này, Đà Lạt quán triệt nhiều nhiệm vụ và giải pháp trong toàn Đảng bộ và chính quyền các cấp cũng như toàn dân trên địa bàn. Đó là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và giáo dục; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật BV&PTR, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP; Thành ủy Đà Lạt đã chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể cũng như giao trách nhiệm đối với từng đơn vị như chủ rừng, Phòng TN&MT, Hạt Kiểm lâm, UBND phường xã; công an, quân đội, kiểm sát, tòa án… Những kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ QLBV&PTR trên địa bàn TP phải được HĐND giám sát; UBND TP cụ thể hóa chương trình, kế hoạch hàng năm thực hiện; Đảng ủy cấp phường và phòng, ban, đơn vị liên quan báo cáo định kỳ 6 tháng; Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động…
MINH ĐẠO