Xây dựng con người là vấn đề trung tâm của xây dựng văn hóa

08:05, 12/05/2016

Hiện nay, văn hóa và con người đang được các nước trên thế giới coi là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững.

Hiện nay, văn hóa và con người đang được các nước trên thế giới coi là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Ở Việt Nam, văn hóa và con người được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng XHCN, trong đó xây dựng con người Việt Nam XHCN là vấn đề trung tâm.
 
Lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử của dân tộc Việt Nam nói riêng đã chứng minh rằng, văn hóa luôn gắn liền với cuộc sống của con người và sự phát triển của xã hội; con người tồn tại, trưởng thành và phát triển nhờ văn hóa của mình. Có thể nói, văn hóa và con người Việt Nam là nhân tố quan trọng, góp phần hình thành nên truyền thống lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta đã phát huy cao độ nhân tố văn hóa và con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thực hiện thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, những nhân tố đó tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH, đưa nước ta phát triển theo định hướng XHCN với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Để khai thác, phát huy hiệu quả yếu tố con người, nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển, trước hết cần có sự phân tích đánh giá đúng thực trạng con người Việt Nam. Từ các văn kiện của Đảng, cũng như kết quả nghiên cứu, đánh giá của các công trình khoa học, công trình văn hóa, chúng ta có thể rút ra một số điểm mạnh của con người Việt Nam, đó là: Tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự lực, tự cường, đoàn kết dân tộc; đức tính cần cù, sáng tạo, lòng nhân ái, vị tha và khoan dung; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; những giá trị tinh thần, đạo lý của gia đình truyền thống vẫn được giữ vững, là nhân tố quan trọng đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội… Đó được xem là những đức tính có giá trị đặc trưng về nhân cách của con người Việt Nam; là nền tảng cốt lõi làm cơ sở để phát triển tính nhân văn và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện nay và mai sau.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, con người Việt Nam hiện nay cũng còn những mặt hạn chế như: Những thói quen, tập quán, lối sống và cách ứng xử, nếp suy nghĩ, lề thói làm ăn thể hiện phong cách sản xuất nhỏ; mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động tiêu cực làm suy giảm, thoái hóa về mặt đạo đức, lối sống của không ít người, nhất là lớp trẻ, thậm chí của cả một số cán bộ, đảng viên; chủ nghĩa cục bộ, địa phương, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, đề cao quá mức tiện nghi vật chất, xa hoa, lãng phí, sự phát triển chủ nghĩa cá nhân vị kỷ... đang là những cản trở không nhỏ đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Sự hạn chế của con người Việt Nam ngoài yếu tố có tính lịch sử còn do nguyên nhân chủ quan là công tác bồi dưỡng, giáo dục và phát huy khả năng con người Việt Nam nhất là tuổi trẻ chưa được coi trọng đúng mức và hiệu quả chưa cao.
 
Để phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam cần nỗ lực thực hiện ba mục tiêu lớn:
 
Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các giá trị mới của con người Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là các phẩm chất về: tinh thần yêu nước, ý chí phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH; tinh thần đoàn kết dân tộc - ý thức cố kết cộng đồng; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương phép nước, cần cù lao động và ý thức học hỏi vươn lên... Đây là một đòi hỏi rất cao và mới, bởi trong những năm qua, cuộc vận động xây dựng con người mới tuy có bề rộng, nhưng chưa sâu, chưa bền vững, ít hiệu quả và chưa hình thành được dư luận xã hội định hướng các chuẩn mực giá trị mới. Từ những điểm mạnh của con người Việt Nam đã được Đảng xác định, cần cụ thể hóa thành những tiêu chí, chuẩn mực phù hợp với từng giới, từng ngành, từng địa phương, đơn vị.
 
Hai là, phê phán, đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; chống lại bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội... nhằm làm lành mạnh hóa xã hội. Đây là đòi hỏi bức xúc của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng con người theo hệ giá trị chân - thiện - mỹ.
 
Ba là, bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên là một yêu cầu, nội dung được đặc biệt nhấn mạnh. Yêu cầu xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam về nhân cách là một việc cực kỳ cần thiết, vừa rất cấp bách vừa có tính cơ bản, chiến lược. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Tại Đại hội X, Đảng ta đã nhấn mạnh các giá trị lớn mà văn hóa phải chăm lo nuôi dưỡng cho thanh niên, sinh viên, học sinh là lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, vẻ đẹp đạo đức và bản lĩnh văn hóa. Các giá trị đó mang ý nghĩa rất quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập giao lưu quốc tế.
 
Văn hóa là của con người, chỉ có ở con người. Văn hóa, đối với một con người, đó là tài và đức; đối với một quốc gia, đó là nền tảng dân trí, là trí tuệ, nhân cách và bản lĩnh của dân tộc. Vai trò động lực của văn hóa được thực hiện thông qua con người. Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa cũng như mối quan hệ hữu cơ giữa văn hóa và con người, các văn kiện của Đảng đều khẳng định sứ mệnh cao quý nhất của văn hóa là góp phần trực tiếp xây dựng con người và nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhiệm vụ quan trọng hiện nay của chúng ta là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng XHCN, trong đó xây đựng con người Việt Nam XHCN là vấn đề trung tâm.
 
Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bản sắc văn hóa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ và thách thức của nền kinh tế thị trường. Thực tế đó đang đặt ra vấn đề xây dựng con người Việt Nam như thế nào? Trả lời câu hỏi đó, NQ Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã chỉ rõ cốt lõi của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng con người với nhân cách và lối sống tốt đẹp. Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.
 
VĂN NHÂN