Năm 2016 là năm thứ 2 Bộ GD-ĐT áp dụng hình thức xét tuyển đại học tập trung thông qua việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1- Kỳ thi THPT Quốc gia. Mặc dù Bộ đã có những biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập của kỳ xét tuyển năm 2015, nhưng thực tế nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên vẫn lo lắng có thể xảy ra tình trạng "thắc thỏm" như năm ngoái.
Năm 2016 là năm thứ 2 Bộ GD-ĐT áp dụng hình thức xét tuyển đại học tập trung thông qua việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1- Kỳ thi THPT Quốc gia. Mặc dù Bộ đã có những biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập của kỳ xét tuyển năm 2015, nhưng thực tế nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên vẫn lo lắng có thể xảy ra tình trạng “thắc thỏm” như năm ngoái.
|
Học sinh Trường THCS&THPT Chi Lăng trong buổi tư vấn tuyển sinh năm 2016 |
Xét tuyển bằng phần mềm tập trung
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung làm tốt những công việc trọng tâm để Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 được tổ chức an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết liên quan đến kỳ thi, kết quả kỳ thi, kết quả tuyển sinh; giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến kỳ thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại. |
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT), với phương án xét tuyển chung, phần mềm và hạ tầng CNTT đảm bảo cho sự hoạt động thông suốt, ổn định của hệ thống là do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm.
Các thông tin về kỳ thi THPT năm 2016 đã được công bố, theo đó về cơ bản, kỳ thi THPT năm 2016 vẫn sẽ giữ ổn định như năm 2015 về môn thi, lịch thi, cách ra đề thi... Tuy nhiên, có vài thay đổi được điều chỉnh để kỳ thi hoàn thiện hơn và tăng quyền lợi cho thí sinh, đặc biệt là trong thủ tục đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường ĐH, CĐ mà thay đổi lớn nhất là việc ĐKXT trực tuyến. Theo đó, thay vì được cấp 4 giấy chứng nhận mỗi nguyện vọng như trước đây thì nay mỗi thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi có mã số gọi là OTT. Thí sinh sẽ dùng mã số này để ĐKXT vào các trường thông qua 2 kênh là chuyển phát nhanh qua đường bưu điện hoặc sử dụng hệ thống phần mềm thay vì phải đến tận từng trường nộp hồ sơ như năm trước. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định, các đơn vị chủ trì cụm thi được quyền công bố kết quả thi sau khi nộp dữ liệu về Bộ. Quy định này giúp thí sinh và người nhà tra cứu kết quả thi một cách nhanh chóng, không phải chờ đợi trong cảm giác thắc thỏm do có quá nhiều người truy cập tập trung vào một số máy chủ của Bộ GD& ĐT và xảy ra tình trạng nghẽn mạng như năm 2015.
Như vậy, năm 2016, cả nước sẽ thống nhất dùng chung một phần mềm để xét tuyển Đại học. Phần mềm này vừa phải lọc được thí sinh “ảo”, vừa phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh (mỗi thí sinh được đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng). Phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu (CSDL) ĐKXT duy nhất đối với tất cả các thí sinh đã ĐKXT.
Sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, giống như việc tải dữ liệu ĐKXT về để xét tuyển như cách xét tuyển riêng rẽ trước đây. Với phương thức này, các trường không phải lo lắng về phần mềm xét tuyển của trường mình, cũng như giảm tối đa tình trạng nghẽn mạng.
Và những nỗi lo
Từ thực tế kỳ tuyển sinh năm 2015, không ít thí sinh và phụ huynh hiện tại vẫn không khỏi lo ngại có thể xảy ra những tình huống bất ngờ, khó xử lý gây ảnh hưởng tới tâm lý và kết quả của thí sinh như tình trạng năm ngoái. Em Nguyễn Thị Kim Hoàng, học sinh trường THPT chuyên Thăng Long, chia sẻ: “Kỳ thi 2 trong 1 như năm 2015 giúp chúng em giảm bớt áp lực thi cử, tiết kiệm thời gian và tập trung ôn tập kỹ hơn. Tuy nhiên, mặc dù các thầy cô đã khẳng định sẽ không còn tình trạng nghẽn mạng như năm ngoái nhưng đây vẫn là điều khiến chúng em lo lắng nhất. Mong sao Bộ GD-ĐT giải quyết được tình trạng bất công, bất cập của kỳ thi năm ngoái”. Tương tự, em Nguyễn Quang Đạt, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng tỏ thái độ lo lắng: “Mặc dù kỳ thi năm nay, việc xét tuyển bớt phức tạp hơn năm trước vì không có tình trạng nộp rồi rút hồ sơ liên tục, thế nhưng em vẫn lo việc truy cập xem điểm có thể bị nghẽn, dẫn đến đăng ký xét tuyển chậm trễ”.
Có thể thấy rằng, nguy cơ “nghẽn mạng” không chỉ khiến học sinh đứng ngồi không yên mà điều này cũng khiến giáo viên không thể hoàn toàn yên tâm. Cô Trần Đoàn Uyên Linh, giáo viên Trường THCS&THPT Chi Lăng, cho biết: “Do đặc thù của trường Chi Lăng là đầu vào của học sinh khá thấp, tâm lý học sinh rất e dè trước các kỳ thi, nên cách thi mới giúp các em bớt áp lực thi cử. Cách xét tuyển năm nay cũng đã khắc phục những rắc rối của năm ngoái. Không còn tình trạng nộp vào rút ra nên giảm tính may rủi, hên xui. Có thể thấy cách xét tuyển năm nay đã có những điểm khắc phục những hạn chế của năm ngoái, đặc biệt là việc xét tuyển trực tuyến bằng mã OTT. Tuy nhiên, điều khiến các thầy cô lo lắng là tình trạng quá tải vẫn có thể diễn ra trong ngày cấp mã OTT cho toàn bộ học sinh đăng ký mã”.
Từ phía phụ huynhh, cô Hồ Thị Kim Liên - phụ huynh em Nguyễn Nho Chí Thoại (học sinh Trường THCS & THPT Chi Lăng) tỏ ra thoải mái hơn với kỳ thi năm nay: “Việc không cho phép rút ra nộp vào hồ sơ như năm ngoái giúp tránh được tình trạng cả cha mẹ, con cái phải ngồi chực chờ trên máy tính suốt ngày để theo dõi điểm. Đồng thời, cách xét trực tuyến cũng giúp giảm bớt công di chuyển để nộp hồ sơ. Đây là điều mà tôi thấy thuận tiện hơn rất nhiều so với kỳ thi năm trước”.
Trước những lo lắng của thí sinh, phụ huynh và giáo viên về điểm mấu chốt là hệ thống cung cấp thông tin ĐKXT, Bộ GD-ĐT đã cam kết cùng với các nhà cung cấp dịch vụ tính toán các giải pháp để đảm bảo công tác xét tuyển được thực hiện ổn thỏa nhất.
VIỆT QUỲNH