Cần cơ chế đặc biệt để bảo vệ lực lượng giữ rừng

08:06, 01/06/2016

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm, công an, dân phòng, bảo vệ rừng... Các vụ việc chống lực lượng bảo vệ rừng ngày càng gia tăng, tính chất manh động, hung hăng, côn đồ hơn, chứng tỏ lâm tặc ngày càng coi thường pháp luật. 

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm, công an, dân phòng, bảo vệ rừng... Các vụ việc chống lực lượng bảo vệ rừng ngày càng gia tăng, tính chất manh động, hung hăng, côn đồ hơn, chứng tỏ lâm tặc ngày càng coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, còn có sự bảo kê, tiếp tay của những người có thẩm quyền, nhóm lợi ích trong việc phá rừng vì nguồn lợi thu được từ việc phá rừng rất lớn. 
 
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với người dân tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Báu
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với người dân tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Báu
Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp như ban hành nhiều quy định, chế tài nghiêm khắc hơn, tăng cường biên chế, nguồn lực, trang thiết bị cho lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng... Tuy nhiên, các vụ tấn công lực lượng bảo vệ rừng không giảm mà ngược lại có dấu hiệu gia tăng, nguy hiểm hơn. Vì vậy, có thể nói bảo vệ rừng ở nước là nghề nguy hiểm, trong khi điều kiện công tác thường ở vùng sâu, vùng hẻo lánh, điều kiện đi lại rất khó khăn, vất vả. 
 
Tôi có anh bạn làm kiểm lâm từng thừa nhận rằng lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bất lực trong việc bảo vệ rừng, nhất là những khu rừng nguyên sinh, rừng có giá trị kinh tế cao. Nhiều người không chỉ bị lâm tặc đe dọa tính mạng, sức khỏe của bản thân mà còn cả gia đình, vợ con hoặc bị các đối tượng ra sức mua chuộc, gài bẫy. Mặc dù, không muốn nhưng có người buộc phải nhận tiền bảo kê, hối lộ vì nếu không nhận sẽ bị gây khó khăn trong công tác, đe dọa sớm muộn gì cũng phải bỏ nghề. 
 
Ngoài ra, lâm tặc hiện nay đa số đều có sự cấu kết rất chặt chẽ với một thế lực nào đó có chức vụ, quyền hạn hoặc băng nhóm côn đồ, bảo kê có tổ chức. Có nhiều trường hợp cán bộ, công chức công tác ở những đơn vị, địa phương có tiêu cực buộc phải làm theo số đông tiêu cực và đành chấp nhận bảo kê, tiếp tay cho lâm tặc hoặc làm lơ để được yên thân. Do đó, mặc nhiên lâm tặc càng có cơ hội, điều kiện hoành hành, tàn phá rừng một cách công khai hơn.
 
Nói là vậy nhưng tiêu cực, tham nhũng tiếp tay cho lâm tặc chỉ là số ít, còn phần đông lực lượng bảo vệ rừng vẫn giữ vững được phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh đối với hành vi phá rừng. Những người này không bị mua chuộc; dũng cảm, cương quyết đấu tranh bảo vệ rừng; không bao che, tiếp tay cho lâm tặc và đã có trường hợp cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh tính mạng vì truy quét, ngăn chặn lâm tặc. 
 
Tuy vậy, cơ chế bảo vệ, miễn trách nhiệm cho những người dũng cảm đấu tranh chống lại lâm tặc để bảo vệ rừng hiện chưa đầy đủ, cụ thể và không hiệu quả. Thực tế nhiều vụ việc lực lượng bảo vệ rừng khi làm nhiệm vụ, truy bắt lâm tặc đã vô tình hoặc lỡ tay gây thương tích hoặc làm chết người thì bị truy tố, xử lý khá nặng như các vụ việc ở Đăk Lắk, Quảng Bình, Khánh Hòa, Nghệ An... Chính điều này làm cho lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng không dám mạnh tay trong việc ngăn chặn lâm tặc vì sợ trách nhiệm, trong khi bọn chúng lại thừa cơ ngang nhiên lộng hành, coi thường pháp luật tàn phá tài nguyên rừng. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho rừng bị tàn phá nghiêm trọng trong thời gian qua. 
 
Theo chúng tôi, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, các cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế thỏa đáng, hữu hiệu nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho lực lượng bảo vệ rừng. Theo đó, cho phép lực lượng bảo vệ rừng có quyền nổ súng tấn công, trấn áp đối với các hành vi manh động chống trả có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của họ do bọn lâm tặc gây ra. Đồng thời, xem xét miễn truy tố, miễn trách nhiệm hình sự, hành chính đối với các trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vô ý gây thương tích, làm chết người khi thi hành công vụ đối với lực lượng này. 
 
Có như vậy, mới mong bảo vệ được tài nguyên rừng quý giá của quốc gia đang bị tàn phá từng ngày, từng giờ và có nguy cơ bị xóa sổ trong tương lại gần vì sự tàn phá của lâm tặc. Đây cũng là biện pháp phòng ngừa, răn đe hiệu quả đối với hành vi phá rừng của lâm tặc, góp phần tạo niềm tin, tâm lý vững vàng cho lực lượng bảo vệ rừng trong thực thi nhiệm vụ.
 
VĨNH LINH