Chủ động ứng phó với thiên tai mùa mưa bão

09:06, 08/06/2016

Chịu nhiều ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là sét, mưa lũ và lốc xoáy, nên Đạ Huoai và Đạ Tẻh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh luôn phải hứng chịu những trận thiên tai bất ngờ, khó lường như mưa đá, lốc xoáy, lũ quét… Xác định là những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là sét, mưa lũ và lốc xoáy, nên các huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
 
Đạ Tẻh huy động lực lượng giúp người dân khắc phục lốc xoáy
Đạ Tẻh huy động lực lượng giúp người dân khắc phục lốc xoáy
 
Tổng kiểm tra hệ thống hồ, đập; gia cố, chằng néo nhà cửa
 
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, đến nay, nhiều địa phương tại 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh đã và đang tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông cống thoát nước tại các khu dân cư. Đặc biệt, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giúp đỡ người dân gia cố, chằng néo nhà cửa, chuồng trại… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa bão đang đến gần.
 
Nhớ lại những trận lốc xoáy kinh hoàng diễn ra vào mùa mưa năm 2015, người dân 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh vẫn còn bị ám ảnh và không khỏi bất an và lo lắng. “Hôm đó, trời đang nắng thì bỗng nhiên tôi thấy mây ùn ùn kéo đến rồi sấm, sét liên tục. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đây là hiện tượng mưa giông bình thường, ai ngờ chỉ một lát sau gió quật ầm ầm và bốc mái nhà của gia đình cùng hơn 150 hộ dân khác ở thị trấn Mađaguôi và xã Mađaguôi bay xa hàng chục mét. Lốc xoáy vừa dứt thì mưa lớn trút xuống ào ào và nhấn chìm toàn bộ vật dụng sinh hoạt khiến chúng tôi không kịp trở tay…” - bà Lâm Thị Tâm - ngụ tại tổ 10, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai, nhớ lại trận lốc xoáy kinh hoàng xảy ra vào chiều 21/4/2015.
 
Thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ
 
Huyện Đạ Huoai cũng đã huy động các lực lượng xung kích gồm quân đội, công an, dân quân và đoàn viên, thanh niên luôn trong tư thế sẵn sàng về vật lực và nhân lực với trên 1.500 người để huy động giúp dân khi có thiên tai xảy ra. Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Còn anh Đỗ Văn Tuyến - ngụ tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh cho hay: “Tôi từ Bắc vào Đạ Tẻh lập nghiệp đến nay đã hơn 30 năm, nhưng trận lốc xoáy và mưa lớn kinh hoàng xảy ra vào chiều ngày 7/9/2015 làm tốc mái, đổ sập gần 300 căn nhà trên địa bàn huyện Đạ Tẻh thì lần đầu tiên tôi mới thấy. Khi đó, tôi đang ngồi trước sân nhà thì thấy gió lớn nổi lên. Vừa chạy vào nhà, cũng là lúc căn nhà của gia đình tôi rung chuyển và trong tích tắc bị đổ sập hoàn toàn. Tôi chỉ biết ôm vợ và 2 con chịu trận để cho gạch đè lên người. Nhưng, thật may mắn cả gia đình tôi đều bình an. Rút kinh nghiệm lần đó, năm nay, tôi đã chủ động chằng néo và gia cố lại nhà cửa để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi có lốc xoáy”.

Trong năm 2016, tính đến thời điểm hiện nay, đối với huyện Đạ Huoai, mặc dù các hiện tượng lốc xoáy, mưa lớn vẫn chưa xảy ra. Song, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều phương án để ứng phó nhằm đảm bảo giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản khi xảy ra thiên tai. Theo đó, ngay từ đầu năm, huyện Đạ Huoai đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và gia cố các công trình phòng, chống ngập lụt, sạt lở đất và các công trình giao thông nông thôn, tiêu thoát nước. Tổ chức nạo vét, khai thông hệ thống kênh, mương, cống tiêu thoát nước trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ đập tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình để kịp thời phát hiện các vị trí xung yếu, chủ động tiến hành xử lý, gia cố nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão. Chủ động kiểm tra rà soát, xác định bổ sung các khu vực xung yếu cần phải sơ tán, di dời dân, các địa điểm tạm cư an toàn để tiếp nhận số dân được dự kiến sẽ sơ tán, di dời trong thời gian xảy ra sự cố thiên tai.
 
Nhà của người dân ở xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) bị lốc xoáy đánh sập
Nhà của người dân ở xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) bị lốc xoáy đánh sập
Chủ động xây dựng các phương án cứu hộ, cứu nạn
 
Anh Trần Duy Thọ - Phó Bí thư Huyện Đoàn Đạ Huoai, khẳng định: “Xác định ĐVTN là lực lượng xung kính tham gia ứng cứu trong mọi tình huống thiên tai, chúng tôi đã thành lập Đội Thanh niên xung kích cấp huyện với 38 người và Đội Thanh niên cấp xã, thị trấn từ 15 - 20 người để điều động khi cần. Khi xảy ra lốc xoáy, mưa lũ, ĐVTN có nhiệm vụ giúp người dân vận chuyển vật dụng sinh hoạt đến nơi an toàn; đồng thời, dọn dẹp và sửa chữa lại nhà cửa để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”. Trong khi đó, ông Đào Ngọc Quang, Phó Giám đốc Điện lực Đạ Huoai, cho biết: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, khắc phục và thay thế các đường dây điện xuống cấp trên địa bàn; đồng thời, chuẩn bị vật tư và nhân lực sẵn sàng đối phó với sự cố trong mùa mưa bão để khắc phục và cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.
 
Diễn biến thiệt hại do lốc xoáy năm 2014 và 2015
 
Tại huyện Đạ Huoai: Năm 2014 xảy ra 8 trận lốc xoáy trên địa bàn các xã, thị trấn: xã Đạ Oai, Phước Lộc, xã Mađaguôi và thị trấn Mađaguôi làm hư hỏng 281 căn nhà, tổng thiệt hại hơn 8,7 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại về nhà ở gần 2,8 tỷ đồng.
 
Năm 2015, trên địa bàn huyện Đạ Huoai xảy ra 10 trận lốc xoáy tại các xã, thị trấn: Hà Lâm, Đạ Oai, Mađaguôi và thị trấn Mađaguôi làm hư hỏng gần hơn 400 căn nhà, ước tính tổng thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.
 
Tại huyện Đạ Tẻh: Năm 2014, toàn huyện bị thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng do mưa lũ, lốc xoáy; trong đó, 2 trận lốc xoáy xảy ra trong năm làm hư hỏng gần 50 căn nhà tại thị trấn Đạ Tẻh và các xã Hà Đông, Quốc Oai gây thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
 
Năm 2015, huyện Đạ Tẻh xảy ra 3 trận lốc xoáy, làm hư hỏng khoảng 300 căn nhà trên địa bàn các xã, thị trấn gồm: Quốc Oai, Quảng Trị, Mỹ Đức, Hà Đông và thị trấn Đạ Tẻh. 

Đối với huyện Đạ Tẻh, ngay từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 trận lốc xoáy. Theo ông Lê Mậu Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh: Hai trận lốc xoáy xảy ra vào ngày 28/4 và 27/5 vừa qua, đã làm 1 người dân bị thương và hơn 25 hộ dân tại các xã Mỹ Đức, Triệu Hải và thị trấn Đạ Tẻh bị hư hỏng về nhà cửa; trong đó, có 16 hộ dân có nhà bị tốc mái hoàn toàn. Sau khi lốc xoáy xảy ra, địa phương đã triển khai ngay phương châm “4 tại chỗ” để giúp người dân khắc phục hậu quả; đồng thời, trích từ nguồn kinh phí dự phòng và các nguồn kinh phí khác với hơn 75 triệu đồng để hỗ trợ giúp người dân khắc phục sự cố. Đáng nói, mặc dù lốc xoáy đầu mùa với cường độ mạnh, nhưng nhờ rút kinh nghiệm từ những năm trước nên công tác khắc phục được tiến hành nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Minh Tánh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Tẻh, cho biết: “Thời gian qua, vào mùa mưa bão, thị trấn Đạ Tẻh luôn là địa phương luôn bị lốc xoáy tàn phá. Vì vậy, để đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn trong mùa mưa bão, chúng tôi đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng cơ quan, đơn vị chức năng. Đồng thời, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tốt nơi ở và có kế hoạch cụ thể để sơ tán người và tài sản của người dân đến nơi an toàn khi có tình huống cấp bách. Bên cạnh đó, thành lập các đội xung kích có dụng cụ ứng cứu (cuốc, xẻng và xe ô tô...) đầy đủ, khi có lệnh huy động làm nhiệm vụ ngay...”.
 
Như vậy, có thể nói, đến thời điểm hiện tại, khi mùa mưa bão đang đến thì chính quyền và người dân 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh đã có sự chuẩn bị tốt và chu đáo để đối phó với các tình huống cấp bách nhất. Tin rằng, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây, công tác PCLB - TKCN tại các địa phương này sẽ đảm bảo mức thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của người dân trong mùa mưa bão này.
 
Làm gì để phòng, tránh bị sét đánh
 
Ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, Trưởng Ban Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện, khuyến cáo: “Trong mùa mưa bão, sét là hiện tượng ngẫu nhiên cho nên ở vùng nông thôn không thể có vị trí an toàn tuyệt đối để né tránh. Tuy nhiên, việc chủ động phòng, tránh tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Theo đó, để đề phòng bị sét đánh, tất cả người dân cần chủ động nắm rõ thông tin thời tiết khi có ý định đi ra ngoài vào mùa mưa bão. Trong trường hợp khi chúng ta đang ở ngoài trời, khu vực không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của giông như mây đen, không khí lạnh, gió để nhanh chóng đi ra khỏi khu vực đó. Cách tốt nhất là trước khi nhận thấy trời sắp mưa lớn cần tắt hết các thiết bị điện để đảm bảo sự an toàn. 
Riêng đối với cách phòng chống lốc xoáy, trong mùa mưa lũ, người dân nên theo dõi sát sao chương trình dự báo trên phương tiện truyền thông để nắm bắt thông tin. Để giảm thiểu thiệt hại, người dân nên chằng chống nhà cửa vững chắc. Khi mưa lớn kèm theo lốc xoáy, cần nhanh chóng sơ tán người già và trẻ em đến các nhà kiên cố gần nhất để trú ẩn; đồng thời, không được tránh núp dưới tán cây và nhà tạm bợ dễ bị ngã đỗ gây tai nạn”.  
 
KHÁNH PHÚC