Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi tại huyện Đạ Tẻh đầu tháng 6, Trưởng phòng Khoa học Vườn quốc gia Cát Tiên TS Phạm Hữu Khánh cho biết: Đây là kiểu rừng ẩm nhiệt đới thường xanh mùa mưa còn sót lại hiếm hoi của Việt Nam, nhờ đó rất giàu về tài nguyên đa dạng sinh học.
Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi tại huyện Đạ Tẻh đầu tháng 6, Trưởng phòng Khoa học Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên TS Phạm Hữu Khánh cho biết: Đây là kiểu rừng ẩm nhiệt đới thường xanh mùa mưa còn sót lại hiếm hoi của Việt Nam, nhờ đó rất giàu về tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH). Tuy nhiên, tính đa dạng đã và đang ngày càng bị đe dọa bởi tác động rất mạnh mẽ của con người.
|
Các loài trà mi (Camellia) mới đã được phát hiện tại VQG Cát Tiên rất cần được bảo tồn |
Khu sinh quyển hiếm hoi
Tiền thân là khu rừng cấm với diện tích 31.000 ha (năm 1978), ngày 13/1/1992, VQG Cát Tiên được thành lập với tổng diện tích 71.350 ha. Trong đó, tỉnh Đồng Nai (khu vực Nam Cát Tiên) 39.627 ha, tỉnh Lâm Đồng (khu vực Cát Lộc) 27.530 ha và tỉnh Bình Phước (khu vực Tây Cát Tiên) 4.193 ha. Ngày 10/11/2001, VQG Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQTG) thứ 411 và là KDTSQ thứ 2 của Việt Nam. KDTSQ có tổng diện tích 966.563 ha; trong đó, vũng lõi 169.072 ha (Đồng Nai 136.779 ha, chiếm 80,9%; Lâm Đồng 27.850 ha, 16,4% và Bình Phước 4.443 ha, 2,63%). Bên cạnh đó, vùng đệm của KDTSQ 349.995 ha (Đồng Nai 6 huyện, Lâm Đồng 3 huyện, Bình Phước 3 huyện, Bình Dương 1 huyện); vùng chuyển tiếp 447.496 ha (Đồng Nai 9 huyện, Lâm Đồng 3 huyện, Bình Phước 3 huyện, Bình Dương 2 huyện và Đắc Nông 2 huyện). Ngày 4/8/2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận vùng đất ngập nước quan trọng thứ 1.499 của quốc tế và hiện là 1 trong 8 khu Ramsar ở Việt Nam.
Với điều kiện địa hình, khí hậu và khả năng dung chứa đến 5 kiểu rừng (lá rộng thường xanh; thường xanh nửa lá rụng; hỗn giao gỗ tre; tre nứa thuần loại và thảm thực vật đất ngập nước) là những yếu tố tạo nên VQG Cát Tiên trở thành nơi hội tụ các loài thực vật, động vật và rất giàu về tài nguyên ĐDSH có hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng, hệ động vật rừng đặc trưng cho hệ sinh thái Đông Nam Bộ. Số liệu mới nhất do TS Khánh cung cấp: Tại Vườn, hệ thực vật có hơn 1.610 loài bậc cao có mạch; bao gồm 23 loài đặc hữu, 39 loài Sách đỏ Việt Nam (2007) và 25 loài Danh lục đỏ IUCN (2012). Một số loài quý hiếm như Gõ đỏ, Cẩm lai, Giáng hương, Gõ mật, Cẩm thị... Rừng ở đây còn có ưu thế về các họ Dầu, họ Đậu và họ Tử vi. Thảm thực vật đất ngập nước của Vườn là hệ bàu, đầm lầy hình thành cách nay từ 3.000-5.000 năm. Hệ thú có quan hệ chặt chẽ với vùng Tây Nguyên. Hiện, Vườn có 105 loài thú, trong đó 32 loài Sách đỏ Việt Nam (2007), 26 loài Danh lục IUCN (2012); một số loài quý hiếm là Bò tót, Voi, Chà vá chân đen, Vượn má vàng, Cu li nhỏ…
Tính ĐDSH của VQG Cát Tiên còn là, có các sinh cảnh của quần thể Voi châu Á (Elephas Maximus) từ 9-11 cá thể; của quần thể Bò tót (Bos gaurus) với 110 cá thể; của Bò rừng (Bos banten) với khoảng 8 -10 cá thể và của các loài linh trưởng quý hiếm, phong phú về thành phần loài và số lượng cá thể. Ở VQG Cát Tiên hiện có 357 loài chim (31 loài Sách đỏ VN, 22 loài Danh lục IUCN); 83 loài bò sát (20 loài Sách đỏ VN, 13 loài Danh lục IUCN); 41 loài lưỡng cư (3 loài Sách đỏ VN, 3 loài Danh lục IUCN); 156 loài cá nước ngọt (4 loài Sách đỏ VN, 13 loài Danh lục IUCN). TS Khánh còn cho biết, tại Vườn có thể có trên 1.000 loài nấm, đã ghi nhận được 400 loài; trong đó, họ Linh chi Ganodermataceae chiếm tỷ lệ cao nhất với 30 loài và các nhà khoa học đã phát hiện nơi đây có 12 loài đầu tiên tại Việt Nam. Tính đến thời điểm này, có đến 45 loài thực vật mới được phát hiện...
Công tác bảo tồn và những thách thức
Với chức năng, mục tiêu và nhiệm vụ, những năm gần đây, VQG Cát Tiên đã được quan tâm nhiều đến công tác bảo tồn các hệ sinh thái rừng, bảo tồn nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm… Hiện nay, Vườn có 175 cán bộ công nhân viên, trong đó có 109 kiểm lâm, gồm 19 trạm kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động, pháp chế và Ban lãnh đạo. Nói về thành quả công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), TS Phạm Hữu Khánh cho biết: Lực lượng kiểm lâm luôn được tăng cường về năng lực; điều kiện cơ sở vật chất làm việc được cải thiện; mối quan hệ giữa Vườn với chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ; công tác QLBVR được kiểm soát tốt hơn.
|
Loài tê giác Java ở Vườn được phát hiện tháng 5/1999, đến tháng 10/2010 chính thức bị tuyệt chủng là lời cảnh báo sâu sắc về bảo tồn ĐDSH |
Về thuận lợi, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức và nhà khoa học còn có sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp và nhận thức của người dân ngày càng rõ hơn. Đặc biệt là sau khi triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng của VQG Cát Tiên cho các hộ dân. Trong đó tại Lâm Đồng, hiệu quả nhất là ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên với tổng diện tích rừng được giao QLBV 6.100 ha gồm 362 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và ở xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh hơn 3.700 ha với 156 hộ đồng bào Châu Mạ. Trong 5 năm qua, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số 2 địa phương này được giao khoán đã nhận hơn 10 tỉ đồng từ chương trình, góp phần đáng kể để nâng cao sinh kế.
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, thử thách đối với công tác bảo tồn ĐDSH tại VQG Cát Tiên. Đó là còn nhiều hộ dân canh tác nông nghiệp trong VQG, điển hình là khu vực Đạ Nha, Đạ Tẻh có 6,3 ha đất xâm canh trong ranh giới Vườn. Cùng đó, tình trạng các công ty lâm nghiệp giáp ranh giới Vườn khai thác gỗ chuyển mục đích sử dụng đất đã gây nên xâm lấn đất rừng, phá rừng làm giảm vùng cư trú của các loài động vật hoang dã. Tình trạng xâm hại tài nguyên rừng thông qua các hành vi săn bắt động vật và khai thác thu hái lâm sản ngoài gỗ làm nguy cơ suy thoái sinh cảnh đang “báo động đỏ”. Việc chăn thả gia súc trong VQG gây nên mầm bệnh và cạnh tranh thức ăn đối với các loài thú móng guốc hoang dã cũng cần phải chấm dứt. Hệ quả của việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai và khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai đã và đang làm thay đổi chế độ thủy văn của hệ đất ngập nước trong VQG Cát Tiên là thấy rõ. Ngoài ra, tác động xấu đến tính ĐDSH của VQG Cát Tiên còn ở chỗ: Sự phát triển mạnh mẽ của các loài ngoại lai, nhất là cây mai dương; ô nhiễm nguồn nước do sử dụng phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và cháy rừng vào mùa khô…
Vì vậy, chỉ có khắc phục những tồn tại và hạn chế những trở lực nêu trên thì công tác bảo tồn ĐDSH của VQG Cát Tiên mới có hiệu quả. Muốn thế, các địa phương trong VQG Cát Tiên cần hơn một lần nhận thức sâu sắc về giá trị đặc biệt và to lớn của ĐDSH đối với đời sống con người. Cấp ủy, chính quyền các cấp, từ tỉnh đến xã, thôn; cả hệ thống chính trị cơ sở; cộng đồng dân cư; các doanh nghiệp được giao rừng cùng lực lượng chức năng và đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học… tham gia bảo tồn thì ĐDSH của VQG Cát Tiên mới ngày càng đạt được khả thi.
MINH ĐẠO