Đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến huyện nghèo Đam Rông

09:06, 10/06/2016

Hiện đang là mùa cao điểm của Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình tại các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh năm 2016. Đam Rông chiếm tới 7/31 xã thuộc 9 huyện của Lâm Đồng triển khai chiến dịch. 

Hiện đang là mùa cao điểm của Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) tại các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh năm 2016. Đam Rông chiếm tới 7/31 xã thuộc 9 huyện của Lâm Đồng triển khai chiến dịch. 
 
Nhờ chiến dịch, có nhiều phụ nữ trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn sớm tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. (Trong ảnh: Chị Rơ Ông Ka Tuyên đăng ký đặt vòng tại TYT xã Đạ Tông)
Nhờ chiến dịch, có nhiều phụ nữ trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn sớm tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. (Trong ảnh: Chị Rơ Ông Ka Tuyên đăng ký đặt vòng tại TYT xã Đạ Tông)

Cấp xã là đơn vị trực tiếp tổ chức chiến dịch, cụ thể là 31 xã đặc biệt khó khăn của 9 huyện trong tỉnh. Cấp huyện điều hành chiến dịch trực tiếp và hỗ trợ cung cấp kỹ thuật dịch vụ trong thời gian triển khai chiến dịch tại xã. Y sĩ Nguyễn Trọng Hiếu -Trưởng Trạm Y tế (TYT) xã Đạ Tông (Đam Rông) cho biết: Hiện nay, TYT tập trung cho chiến dịch SKSS-KHHGĐ, huy động nhân lực toàn trạm với 8 cán bộ y tế - dân số (1 bác sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 chuyên trách DS) và có sự hỗ trợ thêm 3 nữ hộ sinh của Đội Chăm sóc SKSS của Trung tâm Y tế huyện Đam Rông. Điều kiện trang thiết bị, dụng cụ, thuốc men chuẩn bị đầy đủ, bố trí ghế ngồi, bàn tư vấn, lối đi tại TYT theo một chiều, thông thoáng để phục vụ cho phần lớn là chị em phụ nữ. Đang ngày cao điểm, trong buổi sáng có khoảng 50 người đến để thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại TYT xã Đạ Tông, phần đông là các bà mẹ trẻ. 
 
Người dân các xã đặc biệt khó khăn mong chờ gì ở chiến dịch SKSS-KHHGĐ? Từ 8 giờ, chị Rơ Ông Ka Tuyên (26 tuổi) đang địu con trên lưng đã có mặt ở TYT xã Đạ Tông chờ đặt vòng. Cô gái trẻ cho biết: “Em đã có 2 con (1 bé gái 6 tuổi và 1 bé trai 10 tháng tuổi này), nhà ở thôn Đa Kao II, em đến TYT đăng ký đặt vòng vì không muốn sinh con nữa”. Một gia đình 3 thế hệ cùng đến TYT xã Đạ Tông để làm dịch vụ KHHGĐ, chị Bon JRang K’Sen (52 tuổi) cho biết: “Tôi từng làm cộng tác viên dân số ở thôn Liêng Trang I, hôm nay, tôi đưa con gái Sa Ra (27 tuổi) đi ra TYT thực hiện biện pháp KHHGĐ. Sa Ra là con gái thứ 2 của tôi, nó đã có 1 cháu 6 tháng tuổi. Trước đây, tôi cũng đặt vòng khi đã có 3 con và bây giờ tôi khuyên con gái của mình nên áp dụng biện pháp này khi mới có 1 cháu  vì muốn nó sinh ít con và nếu 2 con thì phải sinh cách nhau 3-5 năm để có cuộc sống gia đình tốt hơn thế hệ chúng tôi”. 
 
Do kinh phí đầu tư cho chương trình Dân số - KHHGĐ cắt giảm mạnh, nên khác với trước đây mỗi năm tổ chức 2 đợt chiến dịch này, thì nay hàng năm chỉ còn 1 đợt chiến dịch SKSS-KHHGĐ và sử dụng nguồn lực đầu tư từ ngân sách của chương trình DS-KHHGĐ đã phân bổ cho các huyện để triển khai.  Vì vậy, chiến dịch SKSS-KHHGĐ đặc biệt có ý nghĩa thiết thực đối với người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Mục tiêu kỳ vọng qua 2 tháng (từ tháng 5 - 7/2016) triển khai chiến dịch SKSS-KHHGĐ, mỗi xã tham gia đảm bảo thực hiện đạt 50% chỉ tiêu triệt sản, 60% chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung, 60% chỉ tiêu thuốc tiêm và thuốc cấy của tổng chỉ tiêu kế hoạch Dân số - KHHGĐ năm 2016 được giao cho xã đó. 
 
Chị Lương Quỳnh Anh - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Đam Rông cho biết: Toàn huyện có 7/8 xã đặc biệt khó khăn triển khai chiến dịch SKSS-KHHGĐ (xã Đạ K’Nàng đã thoát nghèo nên không tham gia trong chiến dịch). Chỉ tiêu thực hiện trong 2 tháng chiến dịch là: 2 ca đình sản/4 ca kế hoạch năm; 446 ca đặt vòng, thuốc tiêm, thuốc cấp (riêng đặt vòng là 326 ca), bao cao su được cấp phát miễn phí, đồng thời với các hoạt động tư vấn, khám phụ khoa, cấp thuốc điều trị các bệnh phụ khoa. Toàn huyện mức sinh hàng năm có giảm dần, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,85% năm 2014 xuống còn 1,7% năm 2015. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh con thứ ba còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh (từ 17,5%  năm 2014 giảm còn 16% năm 2015), tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện tốt các mục tiêu dân số, huyện Đam Rông huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành vào cuộc, tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động người dân chuyển đổi nhận thức một cách tích cực, tự nguyện áp dụng KHHGĐ. Việc tỉnh chọn xã Đạ Tông của Đam Rông tổ chức phát động lễ ra quân chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ SKSS-KHHGĐ đã tạo sức lan tỏa sâu rộng đến người dân các xã đặc biệt khó khăn ở huyện nghèo. Trong chiến dịch, chúng tôi triển khai các hoạt động can thiệp giảm mức sinh, đặc biệt là tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên, mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ cho mọi đối tượng, đặc biệt là đối tượng ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
AN NHIÊN