Gặp người 19 lần hiến máu

09:06, 21/06/2016

Tìm trong danh sách 40 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu năm 2016 của tỉnh Lâm Đồng, tôi khá ấn tượng với trường hợp anh Lê Văn Hiếu (thôn 3, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), người từng 19 lần hiến máu tình nguyện. 

Anh Lê Văn Hiếu, người đã có 19 lần hiến máu tình nguyện
Anh Lê Văn Hiếu, người đã có 19 lần hiến máu tình nguyện
Tìm trong danh sách 40 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu năm 2016 của tỉnh Lâm Đồng, tôi khá ấn tượng với trường hợp anh Lê Văn Hiếu (thôn 3, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), người từng 19 lần hiến máu tình nguyện. 
 
Thế là, ngay khi Lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện và phát động Chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè năm 2016 kết thúc, tôi đã tìm gặp anh.
 
“Vì đâu mà anh lại có niềm “đam mê” hiến máu cứu người đến vậy?”, tôi mở đầu câu chuyện. Anh Lê Văn Hiếu chân thành: “Sự việc trên cũng hết sức tình cờ”, rồi kể tiếp: “Ấy là năm 2007, khi tôi đến thăm người thân đang điều trị tại bệnh viện thì gặp một ca bệnh bắt buộc phải được truyền máu. Bệnh viện có phát loa vận động người tình nguyện hiến máu. Gặp ánh mắt bất lực của người nhà bệnh nhân, tôi không thể làm ngơ nên gật đầu đồng ý. Sau đó, người bệnh đã được cứu sống”. 
 
Theo anh Hiếu, sau lần hiến máu đó, anh cảm thấy rất vui vì đã cứu sống được một người bệnh. Tuy nhiên, khi hay tin anh hiến máu, người thân trong gia đình tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của anh. “Tôi có nói rằng, sức khỏe của tôi ổn, không việc gì phải lo lắng, nhưng mọi người vẫn không tin”, anh Lê Văn Hiếu cho biết. 
 
Thế rồi, để chứng minh cho mọi người thấy việc hiến máu chẳng ảnh hưởng gì xấu đến sức khỏe, hễ có đợt hiến máu tình nguyện nào là anh đều đăng ký tham gia. Từ năm 2007 đến nay, anh Hiếu đã hiến tới 19 lần. Chính việc làm trên của anh Lê Văn Hiếu là một lời chứng thuyết phục nhất để đưa mọi người đến với phong trào hiến máu tình nguyện. Bà Trịnh Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Ngãi, nhận xét: “Ngoài giàu lòng nhân ái, anh Lê Văn Hiếu còn rất trách nhiệm, nhiệt tình và luôn là một “địa chỉ đỏ” tin cậy trong phong trào hiến máu tình nguyện của địa phương Lộc Ngãi. Bây giờ, ở Lộc Ngãi, nếu lâu lâu không thấy có đợt hiến máu, người dân lại hỏi anh Hiếu: “Bao giờ có đợt hiến máu vậy? Bởi, tên anh đã gắn chặt với sự kiện này rồi”.
 
Bằng chính kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, anh Lê Văn Hiếu cho rằng, cái được đầu tiên của hiến máu tình nguyện, đó là được điều tra sức khỏe, thông qua việc khám tầm soát trước khi tiến hành cho máu. Cái được nữa, là được xét nghiệm (khi hiến máu) để biết mình không bị viêm gan siêu vi (A,B,C), hoặc ký sinh trùng sốt rét, hay kể cả virus HIV. Quan trọng nhất, việc hiến máu giúp sàng lọc máu cũ, kích thích sản sinh máu mới. Nếu chẳng may bản thân vì một lý do nào đấy mà bị đột ngột mất một lượng máu lớn, cơ thể sẽ tạo máu nhanh hơn người chưa từng một lần hiến máu. 
 
Cũng theo anh Hiếu, gần đây, tại địa phương anh, nhìn chung hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào tự giác, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình yêu thương con người. Song, phong trào vẫn chưa thật sự rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân. Do vậy, hiến máu tình nguyện cần được đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa để nó thật sự là phong trào của toàn dân. “Cùng với những người hiến máu tiêu biểu của huyện Bảo Lâm, thời gian tới, tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện để đẩy phong trào hiến máu tình nguyện thành phong trào toàn dân”, anh Lê Văn Hiếu cho biết. 
 
“Bản thân đã 19 lần tham gia hiến máu, giờ là lúc để anh dừng lại?”, tôi hỏi. Anh Lê Văn Hiếu bảo, anh vẫn chưa có ý định dừng lại. “Tôi sẽ hiến đến bao giờ không còn sức khỏe nữa thì thôi!”, anh Lê Văn Hiếu khẳng định.
 
TRỊNH CHU