91 năm trôi qua, cùng song hành với nhiệm vụ chính trị của Đảng, của đất nước trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, dìu dắt luôn vượt qua nhiều thử thách, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.
[links()]
Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Báo Thanh Niên và phát hành số đầu tiên. Báo Thanh Niên là sự khởi đầu của nền Báo chí Cách mạng nước nhà. 91 năm trôi qua, cùng song hành với nhiệm vụ chính trị của Đảng, của đất nước trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, dìu dắt luôn vượt qua nhiều thử thách, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.
|
Thanh niên - tờ báo khởi đầu của nền báo chí cách mạng. Ảnh: Tư liệu |
Mục đích của báo chí là kháng chiến và kiến quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới không chỉ sáng lập Báo Thanh Niên mà 15 năm sau, khi vừa về Việt Bắc, Người tiếp tục cho ra đời báo Việt Nam độc lập với mục đích, tôn chỉ như một chính cương: “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa/ Kêu gọi nhân dân trẻ với già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Bác cũng là người trực tiếp tổ chức Đại hội những người viết báo Việt Nam (ngày 21/4/1950), đây là sự kiện sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo lớn - bậc thầy, với tấm gương sáng mẫu mực về một nhà báo cách mạng. Trong cuộc đời, Người đã viết hơn 2.000 bài báo và luôn coi báo chí là một kênh thông tin quan trọng, có sứ mệnh giáo dục cán bộ, hướng dẫn nhân dân, tổ chức phong trào, bày tỏ chính kiến đối với một vấn đề thời cuộc. Người dạy trong Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, 1948: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc”. Trong Thư gửi anh em trí thức Nam bộ vào năm 1947, Người căn dặn: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Năm 1965, Bác khẳng định trong Điện mừng Hội Nhà báo Á Phi: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”.
Với nhiệm vụ, trọng trách cao cả, lớn lao đặt ra như vậy thì những người làm báo cách mạng phải có những phẩm chất gì? Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần II (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Những người viết báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng. Cho nên các nhà báo của chúng ta phải có đường lối chính trị đúng”. Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (9-1962), Người tiếp tục căn dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Như vậy, làm báo là làm chính trị - tính Đảng, tính nhân dân là yêu cầu đầu tiên, không thể thiếu đối với những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng”.
Vì lợi ích đất nước, vì lợi ích nhân dân
Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi báo chí là phương tiện tích cực để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Bế mạc Hội nghị lần thứ mười BCH Trung ương Đảng khóa XI (12/1/2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Là một tỉnh Nam Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhưng 41 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo và tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để các cơ quan báo chí địa phương phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở Lâm Đồng đã từng bước có sự chuyển biến tích cực về lượng cũng như về chất, trên cả bề rộng lẫn chiều sâu của đội ngũ các cơ quan báo chí, người làm báo. Điều này được minh chứng: Nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, Báo Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực đổi mới về nội dung và hình thức. Báo phát hành 5 số/tuần (số thứ hai, ba, tư, sáu và số cuối tuần), số lượng phát hành hiện 7.390 tờ/số (số cuối tuần 5.400 tờ); Báo Lâm Đồng Điện tử thu hút trên 10.000 lượt người truy cập/ngày. Bản tin ảnh Dân tộc - Miền núi Lâm Đồng phát hành trên 4.950 tờ/số đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đài PTTH Lâm Đồng phát hàng ngày với thời lượng dài và phủ sóng trên diện rộng qua vệ tinh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 10 bản tin của các sở, ngành và sự “đứng chân” của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các báo thuộc Trung ương, bộ, ngành, tỉnh bạn. Hội Nhà báo Lâm Đồng là “mái nhà chung” của trên 220 hội viên với chất lượng nguồn nhân lực khá tốt.
(CÒN NỮA)
LAN HỒ