Cuối buổi làm việc về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của huyện Lạc Dương ngày 13/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên chia sẻ niềm vui và sự tin tưởng với chúng tôi: "Tôi được UBND tỉnh phân công phụ trách địa bàn huyện này 6 năm rồi...
Cuối buổi làm việc về kinh tế - xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm 2016 của huyện Lạc Dương ngày 13/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên chia sẻ niềm vui và sự tin tưởng với chúng tôi: “Tôi được UBND tỉnh phân công phụ trách địa bàn huyện này 6 năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên có những kết quả về KTXH 6 tháng vui mừng nhất”.
|
Một góc đô thị mở và đầy tiềm năng của huyện Lạc Dương |
Những thành tựu vượt lên bằng nội lực
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá về KTXH 6 tháng đầu năm 2016 của huyện, trong đó lĩnh vực nông nghiệp như sau: “Nhìn chung, các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ, từng bước phát triển ổn định và tăng năng suất, sản lượng; đã thành lập được các tổ hợp tác liên kết sản xuất rau công nghệ cao đang triển khai thực hiện bước đầu hiệu quả, tạo niềm tin người dân trong định hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao thu nhập người dân…”. Tôi đề nghị anh cung cấp cho một số số liệu, quả là đáng trân quý và vui lây. Tổng diện tích gieo trồng ước thực hiện hơn 7.233 ha, đạt 74,94% kế hoạch và bằng 104,06% so với cùng kỳ; tổng đàn trâu và bò gần 5.300 con, trong đó so cùng kỳ, trâu tăng 5,7% và bò tăng 9,5%; heo 2.780 con, tăng 13,6%; ngựa 440 con, tăng 11,6%; gia cầm 14.950 con, tăng 16,6%... Diện tích nuôi thủy sản 27,98 ha, đạt 90,26% kế hoạch, tăng 3,6%. Trong đó, sản phẩm đặc trưng của huyện này là cá nước lạnh có 15,9 ha, đạt 98,76% kế hoạch, tăng 32,5% và sản lượng 180 tấn, đạt 48,47% kế hoạch, bằng 120% so với cùng kỳ. Sáu tháng qua, huyện Lạc Dương giao khoán quản lý, bảo vệ rừng 88.773,6 ha, tăng 1.417,4 ha so cùng kỳ. Toàn huyện xảy ra 56 vụ vi phạm, giảm được 30 vụ và giảm 10.022 m
2 bị tác động là thành tích vô cùng quý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cho rằng, đây là sự tiến bộ rất lớn của Lạc Dương trong công tác quản lý bảo vệ rừng. “Rừng Lâm Đồng là đầu nguồn của khu vực Đông Nam Bộ, rừng ở huyện Lạc Dương lại là đầu nguồn của Lâm Đồng, vì vậy cần tiếp tục phát huy thành công trong sự phối hợp, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị” - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Là cửa ngõ phía bắc vào thành phố Đà Lạt, có giao thông kết nối Nha Trang và Nam Tây Nguyên và nhiều điểm du lịch sinh thái, Lạc Dương đã và đang chứng minh một vùng đất nhiều đặc điểm lợi thế về địa kinh tế để phát triển du lịch dịch vụ. Trong 6 tháng năm 2016, nơi đây các ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó, lượng khách du lịch ước đạt trên 557.000 lượt người, tăng 34,3%; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 38,347 tỷ đồng…
Trong tiến trình “cất cánh”, huyện Lạc Dương đồng thời xác định công tác thu ngân sách là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, không chỉ của riêng ngành thuế mà là của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, đến ngày 9/6, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện thực hiện 34,239 tỷ đồng, đạt 50,22% dự toán, tăng 24% so với cùng kỳ, và phần huyện thu thực hiện 22,299 tỷ đồng, đạt 44,3% dự toán. Ước đến hết ngày 30/6 sẽ phấn đấu thu đạt và vượt 50% so với kế hoạch, đặc biệt là các khoản thu từ thuế phí, nhà đất. Với số thu này, huyện Lạc Dương đã vươn lên đứng thứ 2 trong tỉnh sau huyện Đạ Huoai; được Cục trưởng Cục thuế Lâm Đồng Nguyễn Trọng Thoan khẳng định một đơn vị đã làm rất tốt.
Cũng trong lộ trình “đánh thức” một vùng địa kinh tế và hòa nhịp đi trong trục quan hệ phát triển mở theo quy hoạch liên vùng Đà Lạt - Lạc Dương, địa bàn Lạc Dương đã và đang tiếp tục thu hút mạnh đầu tư từ bên ngoài. Hiện, huyện có 71 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thuộc các lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông lâm và công nghiệp - xây dựng. Tổng số vốn đăng ký đang thực hiện 4.359,79 tỷ đồng; diện tích đất sử dụng hơn 5.759 ha; tổng vốn đã thực hiện đầu tư là 1.971,62 tỷ đồng, đạt 45,22% so với vốn đăng ký. Song hành với phát triển kinh tế, các lĩnh vực về văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm ở Lạc Dương cũng đều có những bước tiến mới…
Bền vững những chương trình mục tiêu
Về chương trình giảm nghèo, tuy chưa có các chính sách hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nhưng Lạc Dương đang tập trung hỗ trợ ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sáu tháng năm 2016, toàn huyện đã thực hiện cho vay vốn hộ nghèo là 3.275 triệu đồng với 83 lượt vay; vay vốn hộ cận nghèo là 3.170 triệu đồng với 71 lượt vay; vay vốn hộ mới thoát nghèo là 735 triệu đồng với 17 hộ. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ về nhà ở, chi trả tiền điện cho hộ nghèo.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2016, tổng nguồn vốn được cấp 7.272 triệu đồng, huyện đã phân bổ tiếp tục tập trung ưu tiên cho xã điểm, xã ưu tiên. Điều cần tiếp tục phát huy ở Lạc Dương là thời gian qua, nguồn vốn sự nghiệp đã được huyện tích cực hướng dẫn, định hướng cho các xã tập trung thực hiện theo hướng đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhờ đó, đến nay, các nguồn vốn đang được giải ngân theo đúng tiến độ. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ, đến nay, xã điểm Đạ Nhim đạt 17 tiêu chí, xã ưu tiên xã Lát đạt 12 tiêu chí, xã Đạ Sar đạt 16 tiêu chí, xã Đạ Chais, Đưng K’nớ mỗi xã đạt 10 tiêu chí. Năng động phát huy và đúc kết nghiêm túc từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn, Lạc Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2016 xã Đạ Nhim đạt tổng 19 tiêu chí, xã Lát đạt 17 tiêu chí, xã Đạ Sar đạt 18 tiêu chí, xã Đạ Chais và xã Đưng K’nớ đạt 11 tiêu chí.
Nhiều nhiệm vụ và giải pháp về KTXH quan trọng đã được huyện bàn thảo sâu rộng để tập trung tiếp tục thực hiện trong 6 tháng còn lại. Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều, huyện đang tập trung chỉ đạo chăm sóc cây cà phê để nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng này, bởi gần 4.000 ha nhưng chiếm tới 72% trong tổng thu nhập chính đối với người dân. Cũng trăn trở đến chất lượng cuộc sống của người dân, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Duy Hải tiếp tục nêu vấn đề với tỉnh về tăng giá thuê đất nông nghiệp, bởi hiện nằm ở đơn giá 8.640.000 đồng/ha/năm là không phù hợp. Vấn đề này, ngay đầu năm 2016, trong chuyến khảo sát và làm việc ở huyện Lạc Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã đồng ý phải triển khai điều chỉnh. Chủ trương của tỉnh đã có, các địa phương (không chỉ Lạc Dương) phải chủ động hơn, cùng các ngành liên quan của tỉnh tích cực phối hợp tư vấn thì người nông dân mới không phải chịu thua thiệt kéo dài, doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh tay hơn. Lần này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên dứt khoát: Đề nghị UBND huyện Lạc Dương chủ động mời các doanh nghiệp họp để cùng nhau đàm phán, sớm thống nhất giá thuê đất.
Tỉnh đồng hành với Lạc Dương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cũng nhắc nhở, mặc dù Lạc Dương đã giảm vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng nhưng cần quan tâm đến hình thức phá rừng kiểu mới là cưa cắt cây to (cũng như một số địa phương khác trong tỉnh); hay lĩnh vực thu thuế ngoài quốc doanh. Đồng ý 14 giải pháp của huyện đưa ra, ông Yên đề nghị huyện lưu ý một số nội dung, trong đó cần định hướng và vận động người dân hạn chế phát triển diện tích cây cà phê mà chuyển đổi những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như rau, hoa và đặc biệt quan tâm đầu ra của sản phẩm. Ghi nhận và hoan nghênh Lạc Dương đã xây dựng những mô hình tổ hợp tác - một hình thức cụ thể hóa “chuỗi liên kết” giữa doanh nghiệp và nhà nông, ông Yên đồng thời đề nghị UBND huyện phải là cầu nối của sự kết nối quan hệ kinh tế hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. Về phát triển dịch vụ du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên đề nghị xây dựng mô hình các làng văn hóa du lịch; theo đó, phát triển và định hình những không gian sinh tồn thực sự có bản sắc, sản phẩm hấp dẫn và bền vững…
Lạc Dương đang bước đi lên mạnh mẽ, những chuyển biến của bức tranh sáng màu sắc nét. Nhưng Lạc Dương cũng còn nhiều khó khăn cụ thể, trong đó là huyện có trên 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tiềm năng đã và đang được đánh thức, với nội lực của huyện và sự quan tâm sát sao của tỉnh, Lạc Dương thực sự ngày càng trở thành miền đất của niềm vui và ánh sáng như đúng tên “Lạc Dương” vốn có!
Ghi chép: MINH ĐẠO