Lắng nghe tiếng gọi thiên nhiên

08:06, 06/06/2016

Lắng nghe thiên nhiên để thấu hiểu, để chia sẻ và chung tay bảo vệ. Đó là thông điệp giản dị nhưng rất ý nghĩa của Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay với chủ đề: "Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta"...

Lắng nghe thiên nhiên để thấu hiểu, để chia sẻ và chung tay bảo vệ. Đó là thông điệp giản dị nhưng rất ý nghĩa của Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay với chủ đề: “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Ở Việt Nam, Bộ TN&MT tổ chức tại tỉnh Lào Cai; còn ở Lâm Đồng, Sở TN&MT cùng UBND huyện Đạ Tẻh tổ chức tại huyện Đạ Tẻh vào ngày 4/6 và Tỉnh Đoàn phối hợp Chương trình UN-REDD tổ chức vào ngày 5/6 tại thành phố Đà Lạt. 
 
Lễ mít tinh Ngày Môi trường thế giới 2016 của tỉnh Lâm Đồng
Lễ mít tinh Ngày Môi trường thế giới 2016 của tỉnh Lâm Đồng
Thiên nhiên không phục hồi kịp tốc độ khai thác của con người
 
Thiên nhiên ngày càng gánh chịu áp lực lớn từ con người bởi do khai thác tài nguyên vượt xa khả năng tiếp nhận các tác động của trái đất. Không thể chậm trễ nếu không có những hành động cấp thiết để hạn chế tác động lên môi trường đất, nước, đa dạng sinh học (ĐDSH) và tài nguyên biển. Nhiều hệ lụy đã và đang hiện hữu đối với cuộc sống của con người: khan hiếm nước; biến đổi khí hậu (Việt Nam là một trong 5 nước dễ bị tổn thương nặng); ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí… Xã hội cần nâng cao nhận thức về tác động của phát triển lên môi trường bằng nhiều giải pháp, từ phát triển rừng, cương quyết bảo vệ động, thực vật hoang dã, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, đến áp dụng các biện pháp canh tác nông nghiệp tiết kiệm nước; tích cực thu gom và xử lý chất thải, rác thải... 
 
“Nếu xu hướng này tiếp tục và thế giới không thực hiện các giải pháp để cải thiện hình thức sản xuất và tiêu dùng hiện tại, nếu chúng ta không sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững thì môi trường thế giới sẽ còn tiếp tục suy thoái” - Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Achim Steiner cảnh báo.
 
Giữ gìn và phục hồi môi trường sống cho Tây Nguyên và Lâm Đồng 
 
Với đặc điểm địa lý, Tây Nguyên có vai trò vô cùng quan trọng để “lắng nghe tiếng gọi từ thiên nhiên”. Đó là tích cực trồng rừng, trồng cây phân tán; cương quyết bảo vệ động thực vật hoang dã; hạn chế chuyển đổi mục đích đất lâm nghiệp sang đất khác, đặc biệt là phát triển thủy điện; giảm mạnh việc khai thác tài nguyên bừa bãi để hạn chế suy thoái rừng; chuyển đổi cây trồng phù hợp cùng thay đổi phương thức canh tác nhằm giảm thiểu cạn nguồn nước và suy thoái đất… Tây Nguyên đồng thời đang phải chịu sự tác động trở lại rất rõ từ thiên nhiên đối với đời sống con người. Đó là hạn hán ngày càng nặng nề; đất sạt lở, xói mòn và lũ quét; sương muối, dịch bệnh diễn ra trên nhiều diện tích cây trồng; ô nhiễm môi trường đất, nước; suy giảm động thực vật quý hiếm, hệ sinh thái mất cân bằng… Mất rừng còn dẫn đến mất cả môi trường văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của Tây Nguyên. Vì vậy, bảo vệ và phục hồi rừng cho Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng là chiến lược phát triển bền vững; dù khó khăn, tốn kém đến mấy cũng phải làm. Môi trường đang là thách thức lớn của Việt Nam, của Tây Nguyên trên hành trình phát triển bền vững. 
 
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2016 và Tháng Hành động vì môi trường, tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiều hoạt động như phát động “Tháng Hành động vì môi trường”, trồng cây xanh, phát quang làm sạch môi trường, hội thảo về bảo tồn ĐDSH và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật… Đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động thiết thực để tăng cường hiệu quả, hướng tới cộng đồng là tinh thần của năm nay. Tham dự Lễ mít tinh ở Đạ Tẻh, có đại diện lãnh đạo đến từ các cơ quan của tỉnh như Mặt trận, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Sở TN&MT, lãnh đạo Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên và 3 huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai cùng hàng trăm cán bộ, người dân. Tham dự tại thành phố Đà Lạt có lãnh đạo đến từ Tỉnh Đoàn, Sở TN&MT, UBND thành phố Đà Lạt, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Các cơ quan, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng và hàng trăm đoàn viên, thành niên…
 
Địa bàn tỉnh Lâm Đồng với ưu thế thiên nhiên là có 2 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu và cuối tỉnh, tuy nhiên, thực tế cho thấy, diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng tiếp tục tăng, diện tích rừng nguyên sinh giảm, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của loài ngoại lai xâm hại như ốc bươu vàng, cây mai dương... đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới việc suy giảm tài nguyên ĐDSH và đến sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư. 
 
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự cho rằng, để khẳng định quyết tâm của tỉnh Lâm Đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, đề nghị các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và nhân dân toàn tỉnh hướng đến những hành động thiết thực. Đó là: Giữ gìn và bảo vệ nguồn nước cấp cho sinh hoạt, tiết kiệm nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ ĐDSH và giảm thiểu tới mức thấp nhất những tác hại đến môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường. Đó còn là: Thay đổi tiêu chuẩn cuộc sống thông qua áp dụng các giải pháp sáng tạo, sáng kiến trong cách sử dụng và xử lý các sản phẩm và dịch vụ đang sở hữu và tiêu thụ; tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt. Mặt khác, hành động thiết thực vì môi trường còn cần thể hiện ở chỗ tích cực tham gia các hoạt động trồng cây, phòng chống cháy rừng; quan tâm, bảo vệ tất cả các loài động, thực vật đang bị đe dọa, có nguy cơ bị đe dọa; làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải... “Chúng ta phải ghi nhớ rằng thiên nhiên là tài nguyên. Chỉ cần “mưa gió thuận hòa”, “rừng vàng biển bạc”, nơi đâu con người biết quý trọng thiên nhiên, sẽ được thiên nhiên ưu đãi và cuộc sống nơi đó sẽ dễ dàng”, ông Lương Văn Ngự nhấn mạnh. 
 
Kiên quyết bảo vệ động vật hoang dã (ảnh: 2 cá thể khỉ được Hạt Kiểm lâm Đà Lạt thả trở về rừng tháng 5/2016)
Kiên quyết bảo vệ động vật hoang dã (ảnh: 2 cá thể khỉ được Hạt Kiểm lâm Đà Lạt thả trở về rừng tháng 5/2016)
Hòa nhịp với chủ trương của tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Nguyễn Mạnh Việt cam kết: “Trong thời gian tới đây, địa phương chúng tôi tích cực tuyên truyền trong nhân dân việc không săn bắt, mua bán động vật hoang dã; tổ chức các hoạt động trồng cây xanh bóng mát, trồng rừng nhằm tăng diện tích che phủ rừng. Đẩy mạnh các hoạt động thu gom xử lý rác thải trong sinh hoạt, trong sản xuất để đảm bảo môi trường sống trong lành; gắn chặt các phong trào này với phong trào xây dựng nông thôn mới”. Còn Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Thị Chúc Quỳnh và Điều phối viên Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng Phạm Thành Nam cùng kêu gọi thế hệ trẻ cùng chung tay hành động thiết thực mỗi lúc mỗi nơi để bảo vệ sự bình yên cho môi trường; giữ gìn, phát triển môi trường tỉnh Lâm Đồng ngày càng xanh, sạch và đẹp.
 
MINH ĐẠO