Văn Quang như một kẻ lữ hành không mỏi mệt, trên bước đường đã chọn ấy, anh chưa bao giờ cô lẻ, đơn độc. Đâu đó, phía những buôn làng sâu tận nơi góc núi, bìa rừng vẫn còn nhiều phận người, phần đời nghèo đói và xa xót... thúc giục đôi chân anh tìm đến, mách bảo trái tim anh tìm về, yêu thương và viết.
Văn Quang như một kẻ lữ hành không mỏi mệt, trên bước đường đã chọn ấy, anh chưa bao giờ cô lẻ, đơn độc. Đâu đó, phía những buôn làng sâu tận nơi góc núi, bìa rừng vẫn còn nhiều phận người, phần đời nghèo đói và xa xót... thúc giục đôi chân anh tìm đến, mách bảo trái tim anh tìm về, yêu thương và viết.
|
Nhà báo Văn Quang và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong lễ trao giải viết về Biển Đông |
Cũng giống như tôi, nhiều đồng nghiệp ở làng báo Nam Tây Nguyên này luôn nhìn nhà báo Văn Quang bằng cái nhìn của sự tử tế và tôn trọng, thêm vào đó của cả một chút ganh tị. 20 năm làm nghề, anh vẫn đi nhiều, viết nhiều như một gã trai mới ra trường dư tràn sinh lực.
Đôi lần ngồi với anh trong những lúc trà dư, tửu hậu, định cắc cớ hỏi: Đã bao giờ anh thấy mỏi mệt, muốn nghỉ ngơi chưa? Nhưng rồi lại sợ chạm vào lòng tự ái, sự háo hức của anh. Giật mình chợt nhớ, đã có lần anh nói, cuộc sống ngoài kia là một câu chuyện không bao giờ có hồi kết, mà làm báo giản đơn chỉ là người ghi chép, kể lại chuyện đời.
“Tôi chưa từng bi quan về sự tử tế trong cuộc sống và chưa từng mất niềm tin về sự tử tế trong nghề làm báo. Muốn tử tế thì phải biết tử tế với chính mình, phải biết từ chối cám dỗ”, từ khi chập chững vào nghề cho đến tận bây giờ, trước mỗi lần đặt bút, anh vẫn nghĩ về điều đó.
Nghề báo chọn Văn Quang như một định mệnh và anh đến với nghề cũng bằng sự ngẫu nhiên tình cờ. Rời giảng đường đại học, chưa một lần anh nghĩ đến cái nghề đã gắn bó với anh cho đến tận bây giờ và cũng chưa một lần anh viết đơn xin việc. Đơn giản như anh nói, là: mù mờ về nghề nghiệp, mù mờ về cơ hội và mù mờ cả chuyện tìm kiếm tương lai cho mình.
Thợ xẻ - là cái nghề mà chàng cử nhân văn khoa Đà Lạt lặng lẽ kiếm sống ở một xưởng cưa nơi vùng ven thành phố. Nghe người nhà thông báo trên Đài PT-TH Lâm Đồng có tuyển phóng viên và nhắc anh viết đơn xin việc, một tuần sau anh trở thành phóng viên thử việc sau ba năm đã bắt đầu quen với mùi mùn cưa, dăm bào.
Gắn bó với phát thanh như một cái nợ tiền duyên và phát thanh cũng là cái nghĩa để anh phải trả, phải cạn lòng, hoặc ít nhiều nghề làm báo phát thanh còn là cái ân để anh phải gánh. Bởi nghề đã cho anh nhiều thứ, mà “của cải” lớn nhất chính là sự trưởng thành sau một thời trai trẻ ít nhiều bão giông, đặc biệt là sự tôn trọng trong nghề của nhiều thế hệ đồng nghiệp dành cho anh, dẫu yêu dẫu ghét.
Những tác phẩm của Văn Quang trên sóng thường là những câu chuyện kể về phận người, phần đời nghèo khó và cơ cực, lam lũ và dễ tổn thương, cam chịu và buông xuôi. Anh viết về những điều ấy như là hơi thở, là cuộc sống của mình. Anh đau trong từng con chữ, khắc khoải và dằn vặt với mỗi lần đặt bút, kể cả khi đã hoàn thành anh vẫn còn tự vấn, bởi câu chuyện của mình có giúp được họ nhiều không, có phần nào kéo họ ra được bủa vây khốn khó kia không. Vậy mà anh giúp được nhiều, là cầu nối của những tấm lòng hảo tâm, mạnh thường quân đến với những mảnh đời bất hạnh, chẳng thế mà nhiều người còn gắn cho anh cái mác “nhà báo chuyên ôn nghèo kể khổ”.
Hỏi để xác tín điều ấy, chẳng cười, anh lại trầm tư: “Những ngày ở xưởng cưa, xưởng mộc, tôi ở tạm trong một mái nhà mà ai cũng nghèo, nhưng giàu tình thương. Nghèo đến nỗi có ngày phải ăn cháo cầm hơi, ăn rau luộc để thay cho lon gạo không đầy. Nhiều lần, xưởng cưa cạn việc, tôi phải trùm mũ kín ngang mặt, vác quang gánh lên tận Phước Thành, Đa Phú để cắt cỏ khô về đổi gạo. Có lẽ vì thế, nên sau này mỗi trang viết về phận nghèo, cảnh khó của tôi đều có sự cảm mến đặc biệt và như một phần phải có của nghề, của cuộc sống”. “Dẫu khó, nhưng tấm lòng người nghèo bao dung và thơm thảo lắm”, anh quả quyết với tôi vậy.
Hai mươi năm làm nghề của anh, tôi dù không muốn nhắc (có lẽ vì một chút ganh tị chăng?!) nhưng chẳng thể đặng đừng, anh có một gia tài giải thưởng đồ sộ, nhất là với một người làm báo địa phương như anh. Các giải thưởng lớn nhỏ cứ tìm về anh ồ ạt, khiến cho nhiều người còn gán tặng cho anh biệt danh “Người săn giải thưởng”. Với một kẻ hậu sinh trong nghề như tôi, thiển nghĩ, họ cũng có cái lý của họ. Anh là người thứ hai ở làng báo Lâm Đồng, làm ở một cơ quan báo chí địa phương có được giải B Giải báo chí quốc gia; trọn bộ sưu tập Vàng - Bạc - Đồng - Bằng khen của Liên hoan phát thanh toàn quốc; hàng loạt các giải thưởng danh giá khác trong các cuộc thi mang tầm toàn quốc như giải viết về Lao động việc làm, Biển Đông, thiếu nhi... cùng với đó không thể kể hết những giải thưởng của giải báo chí tỉnh, hội hàng năm. “Tôi không có khái niệm săn giải, bởi giải thưởng báo chí không phải là mục tiêu cố định hay là thứ có sẵn để người đi săn có thời gian ngắm nghía, để chỉ cần bóp cò thì nó thuộc về mình. Giải báo chí xét cho cùng không phải là cái đích của nghề nghiệp, với tôi đơn giản đó chỉ đem lại sự trải nghiệm về nghề, là món quà của sự cố gắng không ngừng, là đích đến của lòng tự trọng khi đến với nghề, sống bằng nghề và đã trót yêu thương nó”, anh chia sẻ với tôi.
Sâu thẳm tận cùng trong anh, phía sau những lần vinh danh trên sân khấu ngợp đèn hoa, tôi hiểu đích đến của một người viết tử tế như anh. Tác phẩm anh đã từng đoạt giải: “Cô ơi cho con tôi học với” là một ví thử: Đó là câu chuyện về 5 đứa nhỏ con nhà nghèo, không có tiền đến trường, sống trong ngôi nhà tạm bằng mấy tấm tôn cũ người đời vứt bỏ. Câu chuyện ấy anh đã suy tư trong ba năm và thể hiện bằng hình thức phát thanh không lời bình, vỏn vẹn trong thời lượng 5 phút. Rồi cũng hân hoan như những đứa trẻ nghèo trong ngôi nhà ấy, anh kể với tôi: Một ngôi nhà mới ấm áp đã được dựng lên, tụi nhỏ đã lớn, có đứa học cao đẳng, đại học, đứa đã có vợ, có chồng - thi thoảng lại gọi điện hỏi thăm tôi. Không quên được ông ạ!
“Hai mươi năm làm nghề, từ chỗ đơn giản chỉ là nơi đi - về, có việc làm ổn định, kiếm chút tiền lo cho cuộc sống, bây giờ, đối với tôi nghề báo không còn là nghề để kiếm tiền mà là công việc để tôi yêu cuộc sống hơn. Vì thế tôi luôn tự nhủ, hãy cố gắng với công việc mình đang làm và hãy dành tình yêu cho nghề mình đã chọn, dẫu ít, dẫu nhiều...”. Chợt nhớ mấy câu thơ anh viết cho riêng anh, tôi vô tình đọc được: Nếu được hôn mình... xin hôn vào đôi bàn chân/ thật thà, lọc lừa mà chưa vấp ngã. Nếu được hôn mình... xin hôn vào đôi bàn tay/ mặt trắng, mặt đen mà không lẫn lộn. Nếu được hôn mình... xin hôn vào đôi mắt/ tận tường hạnh phúc và cả đắng cay. Nếu được hôn mình... xin hôn vào ngày hôm qua/ngày ba mẹ sinh ra ta.
Ngày mai, có lẽ anh lại đi trên đôi chân đã hơn hai mươi năm làm nghề mà chưa vấp ngã, đến những nơi anh đã từng đến, kể tiếp những câu chuyện của riêng mình.
Tuấn Linh