"Xin chào tạm biệt thành phố dấu yêu" - lời tạ từ Đà Lạt của bao chàng trai cô gái đôi mươi hòa vào khí thế tuổi trẻ đi xây đắp "những con đường tươi sáng". Mới đó đã tròn 40 năm, từ nhát cuốc đầu tiên nơi rừng núi hoang vu mở đất, để hôm nay toàn xã nông thôn mới trổ những mùa hoa ngọt lành.
“Xin chào tạm biệt thành phố dấu yêu” - lời tạ từ Đà Lạt của bao chàng trai cô gái đôi mươi hòa vào khí thế tuổi trẻ đi xây đắp “những con đường tươi sáng”. Mới đó đã tròn 40 năm, từ nhát cuốc đầu tiên nơi rừng núi hoang vu mở đất, để hôm nay toàn xã nông thôn mới trổ những mùa hoa ngọt lành.
|
Thanh niên xung phong núi Chai sau 40 năm gặp lại |
Ai đó đã từng đến xã nông thôn mới Tân Hội, Đức Trọng, đứng bất kỳ ở vị trí nào, dõi mắt quét một vòng tìm điểm cao nhất, hẳn nhiên đều chạm vào dáng núi R’Chai. Ngọn núi đứng đó giữa muôn vàn sum suê vườn tược xanh biếc, lại mang trong mình “lai lịch” ký ức sục sôi một thời trai trẻ, khởi đầu cho phong trào thanh niên xung kích, thanh niên xung phong“với quyết tâm xây dựng vùng kinh tế mới, rừng hoang kia đất nở hoa ta về…” trên quê hương Lâm Đồng.
Tiểu đoàn thanh niên xung kích
Ngày gặp lại tay bắt mặt mừng, xôn xao lời chào hỏi ân cần như vẫn còn đấy tố chất của những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi xa xưa. Đây chính trị viên Long, tiểu đoàn trưởng Sơn, rồi nữa tiểu thư Bình có đi không hay Nguyệt cô đội viên nhỏ tuổi nhất ở Đa Hòa đó... Và Đỗ Phú Quới đây rồi, sao quên được cái buổi “lên đàng” không được đi đành ngồi nhà âm thầm khóc. Sự hội ngộ của những con người trên dưới 60 tuổi nay tóc đã điểm bạc, sống lại trong ký ức thời gian của 40 năm cứ râm ran về một thời phiên chế trong đội hình Tiểu đoàn Thanh niên xung kích thành phố Đà Lạt ra quân đi khai hoang vùng đất mới núi Chai (R’Chai) xã Tân Hội, Đức Trọng trong hành trình trở lại chốn xưa. Cuốn phim âm bản, trở ngược thời gian về buổi sáng ngày 13/6/1976, hôm đó trời Đà Lạt nắng đẹp, 300 chàng trai, cô gái rời ghế nhà trường, khoác lên mình bộ đồng phục áo sơ mi đen thêu dòng chữ “Thanh niên xung kích”, háo hức lên đường đắp xây quê hương, trong lời kêu gọi của Bí thư Khu đoàn Khu phố I, Nguyễn Trọng Hoàng: “Và hôm nay tuổi trẻ của Đà Lạt thiết tha với cuộc sống mới của quê hương đã dấy lên một phong trào đem khối óc, con tim và đôi tay của lứa tuổi hai mươi này để chinh phục thiên nhiên, bắt rừng núi phải khuất phục, bắt đất hoang ngủ im phải thức dậy mọc lên lúa, ngô, khoai để phục vụ cho cuộc sống đồng bào ta...”. Tiếng hô “quyết tâm” của ba trăm đội viên thanh niên xung kích vang lên, sau lời tiễn biệt người thân, bè bạn, trực chỉ hướng về Đức Trọng. Họ để lại thành phố thân yêu, nhịp bước vào đời với những câu hát “Gửi lại em ước mơ bên giảng đường, gửi lại em lúa ngô đang vào mùa/gửi lại em phố vui qua từng chiều, gửi lại em tiếng yêu thương ngọt ngào…” đi về nơi gian khó, chốn rừng hoang sơ. Anh Nguyễn Trọng Hoàng nhớ lại: Do chiến tranh kéo dài, sau ngày giải phóng năm 1975, tình hình lương thực thiếu thốn trầm trọng kéo dài. Báo cáo các nơi gửi về, nhiều chỗ phải luộc trái su, đọt su ăn trừ bữa. Trước những khó khăn đó, sản xuất lương thực được đặt lên ưu tiên hàng đầu và giao cho Khu đoàn 1 (sau sát nhập cùng các Khu đoàn khác thành lập Thành đoàn Đà Lạt) thành lập Tiểu đoàn Thanh niên xung kích đi khai khẩn vùng đất mới núi Chai làm cơ sở để đưa dân đi kinh tế mới và giúp dân sản xuất lương thực, với khẩu hiệu “được việc, được người, được tổ chức”. Và từ đó hình thành phong trào thanh niên xung kích, thanh niên xung phong... của tuổi trẻ trên đất Lâm Đồng.
Ngô đậu đơm bông
Núi Chai ngày ấy chào đón bước chân những thanh niên xung kích vừa rời ghế nhà trường bởi cái nắng gay gắt ban ngày, cái lạnh buốt khi đêm về trong vùng rừng hoang sơ trập trùng. Nơi ở của các đội viên là những lán trại, bàn ăn làm từ tre nứa. Mỗi buổi sáng, sau hồi kẻng tập trung tập thể dục trước trại chỉ huy là một ngày tiến vào rừng đánh vật với những cây xanh cổ thụ hai người ôm không hết, phát những vạt tre nguyên sinh bằng những công cụ thô sơ với đôi bàn tay sức trẻ. Cứ thế, từ sáng đến tối mịt, từng khoảng đất đỏ một màu tươi mới được mở ra bởi những đôi tay chưa từng quen lao động nặng nhọc, chỉ biết tập vở, đan áo, bàn máy may… nên phồng dộp, tứa máu, bỏng rát đêm về. Những bữa cơm độn khoai ăn với cá khô và ít rau xanh Đà Lạt gửi xuống đã bắt đầu héo. Vậy là khi nghỉ giải lao, các đội viên nữ lại tranh thủ kiếm rau tàu bay để nấu canh, còn tối về cải thiện sức lực bởi khoai lang, sắn tươi mua được từ người dân trong vùng. Đó là chưa kể thâu đêm suốt sáng phải chia nhau canh gác Fulrô về quấy phá... Gian khó là thế, cực nhọc là vậy nhưng bằng chính tinh thần của tuổi trẻ xung kích đã vượt qua nỗi mệt nhọc, vất vả, gian truân khai mở cả vùng đất mới. “Kể ra những gian khó thì nhiều lắm, nhưng nhớ nhất là mỗi sáng điểm danh, các đại đội báo cáo vắng 5 người “ ba bệnh, hai bị”. Bệnh thì dễ hiểu còn bị gì, đó là cách anh em “ám chỉ” những đội viên nữ tới kỳ phụ nữ” - anh Bùi Thanh Long, Chính trị viên Tiểu đoàn khi ấy nhớ lại. Ngay đi mỗi người được phát 1 chiếc khăn bông, sau hai tuần khi về kiểm tra không biết mất đâu gần hết. “Có anh em lớn trước tuổi mách “thủ phạm” chính là vì không có bông Bạch tuyết mới vỡ lẽ ra còn thiếu cái khoản tư trang ấy cho đội viên nữ” - một cựu đội viên cho biết thêm.
Chỉ sau hơn một tháng, Tiểu đoàn đã khai hoang ra vùng đất kinh tế mới núi Chai để đưa 49 hộ dân từ Đà Lạt xuống xây dựng cuộc sống mới và được đặt tên thôn Tân Đà, cùng với người dân đi tự phát và người dân tộc bản địa để rồi ngày 28/9/1976, xã Tân Hội chính thức được thành lập. Khi ấy xã có diện tích tự nhiên rộng 4.409 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.900 ha, toàn xã có 900 hộ, người dân tộc thiểu số chiếm 21%. “Điều quan trọng là từ diện tích sản xuất ấy, Tân Hội đã tạo ra vùng sản xuất lương thực hàng đầu huyện Đức Trọng nhiều năm liền và luôn vượt chỉ tiêu được giao với những loại cây trồng chủ lực bắp, đậu lùn đạt sản lượng cao nhất tỉnh, góp phần lớn giải quyết khó khăn về lương thực trong những năm tháng gian nan đó. Chính vì thành tích này mà Tân Hội được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Bùi Văn Tân tự hào nói.
Mai này xã Anh hùng
Từ nhát cuốc đầu tiên khai hoang núi Chai ngày ấy có ai ngờ đến hôm nay Tân Hội đã trở thành một trong 11 xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Và hiện tại người dân Tân Hội có mức thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm, duy chỉ còn 2 hộ thuộc diện hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,074% trong tổng số 2.451 hộ gia đình trong xã. Thành tích ấy có sự đóng góp của những thanh niên xung kích xa xưa, biến vùng rừng núi hoang sơ với quyết tâm “đất nở hoa ta về…” thuở nào. Điều ấy nay đã thành hiện thực, đất đai Tân Hội trở mình đơm bông qua những mùa vụ xanh ngát một màu cà phê, dâu tằm, lớp lớp giàn su su, giàn mướp… quanh năm hoa trái. Tròn 40 năm ngày về nguồn, ai nấy trong đội hình xung kích cũng không khỏi tự hào, rằng đã góp phần mồ hôi, nước mắt, dòng máu của mình cho vùng đất này. Đã có người bị mất đi một phần thân thể từ những năm tháng gian nan đó, có người tình nguyện ở lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ, và nay cũng đã có người ra đi mãi mãi không còn thấy một Tân Hội bước vào vận hội mới trên hành trình phát triển xây dựng quê hương ngày một khang trang, trù phú, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Từ thành công của Tiểu đoàn Thanh niên xung kích núi Chai, hơn nửa năm sau, Ban chấp hành Khu phố I - Đà Lạt nhận nhiệm vụ thành lập Tiểu đoàn Thanh niên xung phong mang tên Hà Giang, tiếp bước tiến về những vùng đất mới xây dựng Nông trường Hà Giang ở Đạ Huoai, Đạ Tẻh, dựng xây quê hương mới. Vì vậy mà Lịch sử 85 năm của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng ghi nhận: “Từ thực tiễn phong trào đã có hàng chục ngàn thanh niên được kết nạp Đoàn, hàng trăm thanh niên ưu tú được giới thiệu để tổ chức Đảng xem xét kết nạp; nhiều đội viên thanh niên xung kích, thanh niên xung phong đã trưởng thành và nắm giữ các vị trí quan trọng trong tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể…”.
Còn đối với Tân Hội, trong ngày gặp mặt 40 năm xiết bao tình cảm, lãnh đạo xã không quên gửi lời tri ân và hứa sau thành công của xã nông thôn mới, tiếp bước truyền thống quê hương, không ngừng nỗ lực xây dựng Tân Hội trở thành xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới trong nay mai.
Ghi chép: Hồ Xuân Trung