Nhớ một người anh Đà Lạt

09:06, 16/06/2016

Tôi còn nhớ như in, rạng sáng ngày thứ ba 29/4/2008, đang rong chơi ở Cà Mau thì nhận được điện thoại từ Đà Lạt: anh Uẩn đã đi rồi! Vậy là Dương Trần (bút danh của anh) đã chia tay trần gian, tan vào sương khói cao nguyên.

Tôi còn nhớ như in, rạng sáng ngày thứ ba 29/4/2008, đang rong chơi ở Cà Mau thì nhận được điện thoại từ Đà Lạt: anh Uẩn đã đi rồi! Vậy là Dương Trần (bút danh của anh) đã chia tay trần gian, tan vào sương khói cao nguyên.
 
Đó là một trong vài người đầu tiên tôi gặp trong chuyến viễn du kéo dài gần 9 năm ở Đà Lạt, và chỉ ngay lần gặp đầu tiên, chúng tôi đã trở thành huynh đệ của nhau. Và cứ thế, ngôi nhà nhỏ trong góc đồi Đa Thiện của anh ngày một đông thêm những đứa em. Nhiều lắm, không thể kể hết được. Hầu như đứa bạn nào được tôi đưa đến nhà anh chơi đều thích chơi với anh ngay, cả khi tôi rời khỏi Đà Lạt, thậm chí còn thân thiết hơn cả tôi. Thật hiếm có con người nào khoáng đạt và bao dung như bác Dương của chúng tôi.
 
Chín năm ở Đà Lạt với anh, tôi học được quá nhiều điều hay, nói một cách chính xác là tôi đã được thừa hưởng quá nhiều tài sản của anh. Từ những cuốn sách đã được anh kết lắng qua một bộ lọc tinh tế và vô nhiễm. Từ những tháng ngày cơ cực và nhục nhằn mà anh đã sống một cách tự nguyện, không chối từ bất cứ một nỗi đau hay niềm vui nào mà cuộc đời xô đẩy đến. Có những cuốn sách anh bảo tôi phải đọc, nhưng có những cuốn anh nói mi không cần đọc nữa, tau đã đọc rồi và tóm lại cho mi một câu là đủ. Tôi đón nhận câu đó từ anh, như một món ăn đã được chế biến xong, và cứ thế mà tiêu hóa một cách nhẹ nhàng. Anh đã cho tôi những cuốn Kinh Phật và sách của Krishnamurti bằng cách như thế. Đó là những cuốn sách đã nghiền ngẫm hết cả thời tuổi trẻ của anh. Anh nói mi đừng đọc nhiều loại sách đó mà “tẩu hỏa nhập ma”, nhưng muốn sống cho đúng kiếp người thì không thể không đọc sách đó. Ô hay!
 
Nhà văn Dương Trần (ở giữa) và bạn bè Đà Lạt (bên phải là dịch giả Đỗ Tư Nghĩa, bên trái là họa sĩ Đặng Mậu Triết)
Nhà văn Dương Trần (ở giữa) và bạn bè Đà Lạt (bên phải là dịch giả Đỗ Tư Nghĩa,
bên trái là họa sĩ Đặng Mậu Triết)

Vài ba ngày chúng tôi lại gặp nhau. Khi thì trên căn gác đìu hiu nhìn ra thung lũng đầy sương mù và bắp cải. Khi thì ở quán café ở Dốc Đá. Khi thì trong căn phòng trọ của tôi trên đồi thông Ngã ba Trại Hầm. Tôi sinh ra sau anh gần hai chục năm nhưng tôi thấy như mình đã có mặt trong đoạn đời trước đó của anh, từ khi anh sinh ra bên làng chài Tân Mỹ - Quảng Ngạn, nằm lọt giữa biển Đông và phá Tam Giang (anh còn có một bút danh khác là Dương Quảng Ngạn, là tên quê anh), cho đến khi anh nhảy đò dọc lên Huế học trung học rồi nhanh chóng vô học sư phạm Qui Nhơn để sớm tự mình kiếm sống. Những ngày tháng dạy học ở Kon Tum là thời trai trẻ say mê và lãng mạn nhất của anh. Anh không giấu gì tôi cả cái cảm giác yêu đương đầu đời của anh. Tôi quặn lòng khi nghe anh kể về những ngày đói khổ sau giải phóng, anh phải từ bỏ ngôi trường tiểu học Đa Thiện rồi đạp xe xuống đèo Prenn cuốc rẫy. Anh yêu cái nghề dạy học, đúng hơn là anh tôn thờ đạo học và làm công việc đó như người hành đạo. Nhưng anh phải chọn cách xa rời để giữ gìn cho ngôi đền đó không bị vướng tục lụy. Anh nói với vợ: “nhà mình có hai nhà giáo, nếu cứ theo nghề giáo cả hai thì có khi mất luôn nghề”. Anh quyết định bỏ nghề chính là để bảo vệ cái nghề cao quí đó. 
 
Chúng tôi có với nhau quá nhiều kỷ niệm đẹp và vui ngất trời. Nhiều đến mức không còn chỗ để chứa, và anh cũng như tôi, đều thống nhất là không phải chứa một cái gì cả, trong cái đời người đã quá nặng trĩu nợ nần này. Trên căn gác bằng gỗ có ô cửa nhìn ra thung lũng đầy sương khói và bắp cải ấy, chúng tôi vẫn thường uống rượu với nhau. Ban đầu là thứ rượu nhẹ giao đãi, sau đó là thứ rượu nặng nghĩa tình, chứa đủ thứ tình của cuộc đời, cả thứ tình thăng hoa lẫn đau đớn. Nặng lắm. Một hôm, anh nói với tôi: “mi có biết trong các thứ “dục” thì “dục” chi là nặng nề nhất không? Đó là “Ái dục”! Là sự tham lam về tình cảm, là yêu thương đắm đuối, là nhớ nhung day dứt, là si mê điên cuồng… và kết cục chắc chắn là đau khổ. Mà đó là nỗi khổ lớn nhất của kiếp người. Ôi hóa ra con người ta chỉ vì yêu thương nhau quá mà làm khổ nhau thôi. Có gì đâu mà phải khổ đau đến thế! Ly rượu trên tay tôi bỗng nhiên nhẹ tênh.…
 
Trước ngày anh trở về cát bụi hơn tháng rưỡi, anh gọi điện cho tôi: “tau nhận hộ chiếu rồi, khoảng vài tháng nữa đi thôi. Mi tranh thủ vô Đà Lạt chơi với tau một bữa”. Tôi cứ tưởng anh nhận hộ chiếu đi Mỹ, vì bên đó có nhiều đứa cháu của anh đang định cư, liền chúc mừng: “đi Mỹ chơi sướng hè, vài bữa nữa em sẽ vô tiễn anh”. Anh cười khà khà: “sướng chớ răng không, nhưng mà đi Đức chớ không phải Mỹ”. Lúc đó, tôi vẫn không biết anh đang đùa, dù tôi đã quá quen với tính cách bông lơn của anh. Vài hôm sau, Trí từ Huế gọi vô nói anh Uẩn bị ung thư gan, sắp “bế mạc” rồi. Lúc đó, tôi mới biết rằng trò đùa đó đã diễn ra thật. 
 
Và chúng tôi hẹn nhau đông đủ tại Đà lạt. Tôi từ Đà Nẵng, Trí “tam cua” từ Huế, họa sĩ Mậu Triết từ trại sáng tác Nha Trang lên, Đình Đối từ Buôn Ma Thuột qua. Tôi vâng lệnh anh triệu tập thêm Lãng Nhân, Phước Khùng, Cầm “đui”, họa sĩ Bứa, thầy Đỗ Tư Nghĩa, Tôn Thất Búa tiều phu, Tuấn cán bộ Đoàn, Hàng Tình đạo sĩ, thêm một băng cựu đồng nghiệp bảo vệ Đại học Đà Lạt của anh… Một buổi chiều quá vui. Anh ngồi ở giữa nâng ly, chúng tôi ngồi chung quanh hưởng ứng. Cứ mỗi người uống với anh một ly, vái anh một lạy. “Hôm nay, tụi em làm lễ chia tay đại huynh, chúng ta nâng ly chúc cho cuộc đời vui vẻ”. Cả bọn cười vang và uống và hát, và ngâm thơ và kể chuyện… Tôi cũng nâng một ly, nâng lên ngang mày, tạ ơn đại huynh đã cho đệ những ngày tháng rất vui vẻ, nhẹ nhàng. “Hôm nay, mình uống với nhau một bữa. Mai mốt anh cứ nhẹ nhàng mà đi. Chắc lúc đó, em sẽ không vô lại Đà Lạt được. Em chúc anh thượng lộ bình an!”... 
 
Hôm anh đi, như lời hẹn với đất trời, anh đã lên đường. Tôi gọi cho Hàng Tình bảo làm một lẵng hoa, viết lên mấy chữ: “Chúc bác Dương thượng lộ bình an!”. Hàng Tình cười khà khà: “không tiệm hoa nào nó chịu viết như vậy, nhưng tui đã khấn với ông anh rồi. Nói chung, ổng chết cũng được lắm”. 
 
Đời tôi chưa gặp ai như thế: một con người luôn biết sống và chết như một lẽ bình thường của đất trời. Nhẹ quá, nhẹ như không!
 
MINH TỰ