Từ tháng 6/2010 đến nay, Hội LHPN các cấp trong tỉnh triển khai Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với 8 tiêu chí cụ thể là: Không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ.
Từ tháng 6/2010 đến nay, Hội LHPN các cấp trong tỉnh triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với 8 tiêu chí cụ thể là: Không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ.
Phân tích 8 tiêu chí trên rất đỗi bình thường đối với một gia đình theo tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhưng để hỗ trợ người dân thực hiện đầy đủ các tiêu chí về gia đình thì cần có sự phối hợp vào cuộc của nhiều ban, ngành, đoàn thể; trong đó, Hội LHPN đóng vai trò hạt nhân của cuộc vận động. Phấn đấu đến cuối năm 2017, có 100% hộ gia đình hội viên được tuyên truyền hướng dẫn thực hiện cuộc vận động, 70% trở lên hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”.
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh là một trong 5 nội dung hoạt động trọng tâm của Hội Phụ nữ. Để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong cán bộ, hội viên phụ nữ, mở rộng công tác phối hợp thực hiện cuộc vận động, Hội LHPN tỉnh đã ký kết liên tịch với Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh Đoàn và Hội Nông dân tỉnh. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Lao động - TBXH trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện tốt tiêu chí “không đói nghèo”, từ năm 2010 đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, triển khai và nhân rộng mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững bằng nhiều hình thức như: các mô hình giúp nhau, huy động tiết kiệm trong hội viên, đến nay có 152.024 chị tham gia thuộc 5.941 tổ tiết kiệm với tổng số tiền trên 85 tỷ đồng. Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh tăng cường tiếp cận các nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng No-PTNT, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ quay vòng vệ sinh… giúp cho trên 43.700 chị vay, tổng nguồn vốn do Hội Phụ nữ tỉnh quản lý hiện nay là gần 1.000 tỷ đồng. Đến nay, hội phụ nữ các huyện, thành phố đã giúp đỡ phát triển kinh tế cho 5.339 hội viên nghèo, 2.402 phụ nữ dân tộc; 2.121 phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Kết quả đã có 2.509 chị được giúp thoát nghèo (chiếm 47%); trong đó có 1.087 phụ nữ dân tộc thoát nghèo, 1.102 chị làm chủ hộ nghèo đã thoát nghèo.
Theo Sở Lao động - TBXH, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 5.236 hộ nghèo (chiếm 1,74%) và 7.248 hộ cận nghèo (2,4%). Nguyên nhân nghèo là do thiếu vốn, đất sản xuất, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, đông con, bệnh tật, lười biếng, rượu chè... Những tồn tại này ở trong hơn chục ngàn hộ gia đình là thách thức để xây dựng gia đình đạt tiêu chí không đói nghèo trong thời gian tới.
Để thực hiện các tiêu chí gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng (SDD) và bỏ học, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, thành lập CLB Kỹ năng sống cho trẻ em vị thành niên trong các trường THCS. Duy trì hoạt động hiệu quả mô hình điểm “Gia đình kiểu mẫu hạnh phúc bền vững” ở Đơn Dương và Đạ Huoai, tiếp tục nhân rộng mô hình ở huyện Đam Rông, Bảo Lộc. Xây dựng 3 mô hình điểm “Hỗ trợ, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” tại Đức Trọng. Hội LHPN tỉnh vận động hội viên tham gia phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống SDD cho trẻ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, vận động phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ, uống viên sắt, khám phụ khoa, KHHGĐ.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế: Để xây dựng gia đình đạt tiêu chí không có trẻ em SDD còn nhiều khó khăn do toàn tỉnh tỉ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân còn 14% và tỉ lệ SDD thể thấp còi còn 22,4% (năm 2015). Tình trạng SDD trẻ em chậm cải thiện và có xu hướng gia tăng ở vùng sâu, vùng DTTS. Theo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh, từ năm học 2013 - 2014 đến học kỳ I năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 5.158 em học sinh bỏ học. Đối tượng học sinh bỏ học ở cấp tiểu học rất ít, chủ yếu là học sinh THPT, tập trung ở các trường thuộc vùng sâu, vùng khó khăn, vùng có nhiều học sinh DTTS.
Để hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình không có bạo lực, hội Phụ nữ các cấp đã xây dựng 255 mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng. Thường xuyên tuyên truyền cho hội viên về 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Trong năm 2015, các cấp hội phụ nữ tham gia với các ngành, ban hoà giải cơ sở giải quyết 217 đơn thư, vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân, mâu thuẫn gia đình.
Thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chí 3 sạch của cuộc vận động, hội phụ nữ các cấp lồng ghép với cuộc vận động cán bộ, hội viên thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng. Xây dựng các mô hình “Tiết kiệm xanh”, “Phụ nữ tham gia xây dựng, sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn”, “Vận động gia đình người thân không phá rừng làm rẫy”, “Xanh - sạch - đẹp”, “Tuyến đường không rác”, “Con đường hoa”... Vận động hội viên tham gia góp công, góp của, hiến đất làm đường liên thôn, nạo vét kênh mương góp phần tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh ở địa phương.
Hội phụ nữ các cấp thực hiện tiêu chí 19 giữ gìn an ninh - trật tự xã hội gắn với tiêu chí gia đình không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Phối hợp với Công an tỉnh triển khai Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, nhận cảm hóa, giáo dục 180 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, có 111 em tiến bộ. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình CLB “Chi, tổ phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, “Không có trẻ em từ 6 đến 14 tuổi bỏ học” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân diện 17 mô hình, với 1.094 thành viên “Gia đình và người thân không sử dụng ma túy”, duy trì hoạt động 62 CLB “Phụ nữ với pháp luật”.
Còn nhiều thách thức trong việc xây dựng gia đình đạt 8 tiêu chí để phát triển bền vững, bên cạnh việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ, cần có sự phối hợp của nhiều ban, ngành, đoàn thể mới có thể đạt mục tiêu đến năm 2017 có 70% hộ gia đình đạt 8 tiêu chí của “Gia đình 5 không 3 sạch”.
AN NHIÊN