Sáu tháng, giảm hơn 28% vụ vi phạm lâm luật

09:06, 20/06/2016

6 tháng đầu năm nay, số vi phạm Luật BV&PTR ở huyện Lạc Dương giảm vượt mục tiêu của tỉnh đặt ra đến hơn 8%. Kết quả này không chỉ là tin vui của ngành kiểm lâm, mà khẳng định hiệu quả thiết thực từ Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. 

Trên đường đi kiểm tra quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) huyện Lạc Dương, Chi cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên không giấu niềm vui chia sẻ: Lần đầu tiên, 6 tháng đầu năm nay số vi phạm Luật BV&PTR giảm vượt mục tiêu của tỉnh đặt ra đến hơn 8%. Kết quả này không chỉ là tin vui của ngành kiểm lâm, mà khẳng định hiệu quả thiết thực từ Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã và đang thấm sâu trong cuộc sống ở mọi cấp, mọi ngành.   
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên (thứ ba từ trái qua) kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên (thứ ba từ trái qua) kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng
Những kết quả quản lý và bảo vệ
 
Một trong những yếu tố có tác động tích cực đến kết quả trên là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bao vệ rừng (BVR) của ngành kiểm lâm. Sáu tháng năm 2016, đã tổ chức 210 cuộc, 7.361 lượt người tham gia; ký 1.127 bản cam kết BVR… Mặt khác, vai trò hoạt động của kiểm lâm địa bàn và ban lâm nghiệp xã được chấn chỉnh và phát huy tốt hơn. Toàn tỉnh có 95 ban lâm nghiệp với 1.425 thành viên, trong đó có 121 kiểm lâm phụ trách địa bàn, bình quân mỗi ban lâm nghiệp xã có từ 11 - 20 thành viên. Trong 6 tháng, toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 698 vụ vi phạm; trong đó, vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 180 vụ (chiếm 25,7%); vi phạm quy định về PTR, BVR 203 vụ (29,1%); vi phạm quy định về quản lý lâm sản 315 vụ (45,1%). So với cùng kỳ năm 2015, kết quả đáng trân trọng là số vụ vi phạm giảm 278 vụ (đạt 28,4%); diện tích giảm 33.058 m 2 (đạt 31,9%). Trong các hành vi vi phạm, chiếm tỉ lệ cao nhất là phá rừng trái pháp luật (181 vụ, chiếm 25,9% với 704.654 m 2); khai thác rừng trái phép (176 vụ, chiếm 25,2% với 657 m 3)… và thấp nhất là vi phạm các quy định khai thác gỗ (1 vụ chiếm 0,1%). Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 653 vụ, trong đó xử lý hành chính 627 vụ, chuyển xử lý hình sự 26 vụ. Lâm sản, phương tiện tịch thu qua xử lý vi phạm là 269 phương tiện, dụng cụ các loại; 1.103 m 3 gỗ các loại, 45 cá thể và 76,6 kg động vật rừng các loại. Thu nộp ngân sách gần 5.147 triệu đồng. Qua đó, các đơn vị chủ rừng phối hợp với lực lượng chức năng đã giải tỏa được 160,535 ha diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. 
 
Về cháy rừng, đáng tiếc là so cùng kỳ năm 2015, số vụ cháy tăng 1 vụ và  tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ, gây thiệt hại 118,16 ha; trong đó, cháy rừng trồng 11 vụ (70,98 ha); cháy rừng tự nhiên 16 vụ (39,3 ha); cháy thảm cỏ cây bụi dưới tán: 7 vụ/7,88 ha. 
 
Bảo Lâm vẫn là địa bàn “nóng”
 
Theo đánh giá, huyện Bảo Lâm vẫn là địa bàn “nóng” về phá rừng có những vụ nổi cộm do đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn vi phạm. Đó là tại tiểu khu (TK) 431 và 416 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý: TK 431 có 64 gốc bị khai thác trái phép; TK416 có 36 gốc bị cưa hạ trái phép. Kế đến là vụ tụ tập đông người, dựng 30 chòi tạm tại TK 389A, thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc và Công ty TNHH  Sản xuất - Thương mại - Xây dựng Chấn Lập quản lý. Rất may rừng chưa bị phá nhờ kịp thời tuyên truyền, vận động của các ngành, các cấp ở Bảo Lâm, mặt khác có sự ngăn chặn của ngành kiểm lâm tỉnh và huyện. Đó còn là vụ phá rừng tập thể tại trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, gây thiệt hại hơn 9,2 ha với lượng lâm sản bị chặt hạ hần 90 m3. Qua đó có 14 đối tượng bị xử lý hành chính và 5 đối tượng vi phạm vượt khung xử lý hành chính. Chưa hết, tại TK 375, phần giao cho cộng đồng thôn 22 và 3 xã Lộc Bảo quản lý đã bị phá rừng trái pháp luật 1,18 ha để lấy đất canh tác; khối lượng lâm sản bị cưa hạ hơn 70 m 3. Các vụ việc xảy ra trên địa bàn Bảo Lâm một mặt được chính quyền và các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng tuyên truyền, vận động và ngăn chặn người vi phạm; mặt khác đã và đang được hoàn tất hồ sơ xử lí nghiêm minh theo quy định của luật pháp. Tương tự, huyện Lạc Dương, nổi lên và kéo dài là tình trạng lấn chiếm của các hộ dân huyện Đam Rông tại TK 26, 27, 30, 31 xã Đưng K’Nớh. Những vụ việc này lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo rốt ráo; các ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai ngăn chặn nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Ngoài ra, trong 6 tháng, còn có một số vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Đà Lạt, Di Linh, Lâm Hà…
 
Để đạt mục tiêu giảm 20% số vụ cả năm 
 
Trước hết, cần nhìn nhận những tồn tại và hạn chế trong công tác BVQLR. Đó là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn chưa mang lại hiệu quả cao; theo đó, nhận thức của người dân còn hạn chế. Vẫn còn một số vụ vi phạm xảy ra kéo dài, mức độ lớn nhưng lực lượng bảo vệ rừng tại cơ sở phát hiện còn chậm, việc ngăn chặn hiệu quả chưa cao…Một số chính quyền địa phương ở cơ sở, đơn vị chủ rừng và các cơ quan liên quan chưa quan tâm đúng mức và quyết liệt thực hiện công tác QLBVR theo chức trách, nhiệm vụ được giao; chưa có giải pháp, biện pháp hợp lý trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các đối tượng vi phạm. 
 
Để phấn đấu đạt mục tiêu giảm tối thiểu 20% số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại so với năm 2015, cần khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên. Mặt khác, tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả những chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ và tỉnh. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên cho biết, ngành đã đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm; một trong những giải pháp góp phần đạt được thành tích trong 6 tháng đầu năm là công tác phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức hiệu quả cao nhất; tập trung giải quyết quyết liệt đối với những địa bàn trọng điểm. Dĩ nhiên, công tác BVQLR là của cả hệ thống chính trị các cấp các ngành, cùng cộng đồng, đồng lòng, sáng tạo và trách nhiệm cao nhất, bởi mọi diễn biến khó khăn luôn có thể xảy ra trong thời gian tới.
 
MINH ĐẠO