Làm sao để nhân dân chung tay cùng chính quyền xây dựng quê hương, câu trả lời đó là thực hiện tốt quy chế dân chủ, minh bạch mọi khâu để có một nông thôn mới bền vững.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nông thôn có kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đây không chỉ là công việc của riêng chính quyền mà là công việc của toàn dân, là mục tiêu chung của cộng đồng. Làm sao để nhân dân chung tay cùng chính quyền xây dựng quê hương, câu trả lời đó là thực hiện tốt quy chế dân chủ, minh bạch mọi khâu để có một NTM bền vững.
|
Học sinh Gia Lâm trong ngôi trường khang trang |
Gia Lâm, Lâm Hà là một xã vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, hình thành khi bà con theo lời kêu gọi đi khai phá vùng đất cao nguyên mới. Xét trong tổng thể các xã vùng kinh tế mới thì Gia Lâm thuộc diện khó khăn nhất. Ông Hoàng Sĩ Sự, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Gia Lâm chia sẻ: “So với các xã khác, Gia Lâm khó khăn hơn nhiều, đất ít, không màu mỡ, trung bình mỗi khẩu chỉ có 2.000 m2. Mặt khác, chưa có hệ thống thủy lợi tập trung nên sản xuất nông nghiệp khó khăn. May mắn là nhân dân chúng tôi đã vượt qua trở ngại, trở thành một trong các xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của huyện Lâm Hà. Đây là niềm vui, cũng là niềm tự hào của xã Gia Lâm và chúng tôi quyết giữ vững”. Xã chỉ có 9 thôn với xấp xỉ 1.400 hộ, thu nhập chủ yếu từ cây cà phê, riêng thôn 1 còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Làm sao để một xã có điều kiện kinh tế còn khó khăn xây dựng thành công NTM, ông Sự chia sẻ, đó là việc thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, minh bạch hóa mọi hoạt động để nhân dân tin tưởng và phối hợp cùng chính quyền thực hiện mục tiêu chung.
Xây dựng NTM, ngoài kinh phí nhà nước đầu tư, phần quan trọng là người dân thực hiện đối ứng, hiến đất đai để xây dựng cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Văn Huy (thôn 6, xã Gia Lâm) hào hứng kể: “Khi xã, thôn họp lại, thông báo với bà con chủ trương mở rộng đường giao thông, tất nhiên nhà nào trong diện hiến đất, chặt cà phê cũng băn khoăn. Nhưng chính quyền giải thích rất kỹ, phân tích cái lợi cái hại, chỉ rõ đường đoạn nào cần bao nhiêu mét đất, nhà này cần chặt bao nhiêu cây cà phê, thu hẹp bao nhiêu diện tích để làm đường. Tư tưởng đã thông thì dễ thực hiện, nhà tôi dỡ luôn bức tường mới xây, chặt hàng cà phê sát đường để mở rộng đường, bà con giờ qua lại rất dễ dàng”.
Trong thời gian xây dựng NTM, nhân dân Gia Lâm đã tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trên 10 tỷ đồng đóng góp, hiến 8 ha đất, 8 ngàn cây cà phê cùng rất nhiều sức lao động đã góp phần làm được 5 km đường đá cấp phối, 2 km đường bê tông, 3 cây cầu qua suối và 6 nhà văn hóa thôn bên cạnh số tiền đầu tư của Nhà nước. Những tấm gương như ông bà Đặng Văn Tâm, Nguyễn Thị Yên (thôn 4, Gia Lâm) là điển hình trong phong trào xây dựng NTM với việc hiến đất, cho thôn mượn tiền để làm đường trước, tới mùa cà phê bà con trả sau, kích thích tinh thần chung tay xây dựng quê hương của bà con toàn xã.
Không chỉ chuyện hiến đất, đóng góp kinh phí, khi thực hiện bất cứ hoạt động nào ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, xã Gia Lâm đều công khai thông tin với bà con. Ông Sự bảo, để bà con biết, cùng giám sát, cùng tham gia là cách làm hiệu quả nhất. Ngay như số kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, làm gì, làm như thế nào, ai tham gia đều được đưa ra bàn bạc trong cộng đồng dân cư. Xã thông báo rõ về số tiền, về tiêu chí, về mục đích, đưa ra bàn bạc, triển khai rộng rãi để bà con đồng thuận. Năm 2015, số kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng đã được đưa về cho các hộ thực hiện mô hình chăn nuôi bò sữa được bà con hoàn toàn ủng hộ. Bởi vậy, bài học Gia Lâm rút ra chính là minh bạch hóa mọi hoạt động, để nhân dân trở thành người trong cuộc, tham gia đề xuất và giám sát, bà con sẽ đồng lòng, nhất trí, đoàn kết trong mọi hoạt động. Và đây chính là sức mạnh để hoàn thành quy trình xây dựng NTM, đồng thời giúp nông thôn trở thành môi trường sống thân thiện với tất cả dân cư.
DIỆP QUỲNH