Xây dựng chuỗi đô thị vệ tinh hiện đại, bền vững

08:06, 06/06/2016

Lâm Đồng được phép thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập hồ sơ quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Lâm Đồng được phép thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập hồ sơ quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch 704). Cùng với các chính sách khác đi kèm mở ra cơ hội lớn để kiến tạo, xây dựng, phát triển đô thị Đà Lạt và vùng phụ cận đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
 
Xây dựng Đà Lạt và chuỗi đô thị hiện đại bền vững - Ảnh: TUẤN LINH
Xây dựng Đà Lạt và chuỗi đô thị hiện đại bền vững - Ảnh: TUẤN LINH

Với sự cho phép từ cơ chế, chính sách đặc thù của Chính phủ trong vấn đề quy hoạch và xây dựng đô thị, từ nay Lâm Đồng có thể chủ động thuê chuyên gia, tư vấn có năng lực quy hoạch trong và ngoài nước lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù theo Quy hoạch 704 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/5/2014. Đồng thời được kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng cùng với kết nối giao thông công cộng trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đây thực sự là công cụ chính sách mang đến nhiều thuận lợi trong quá trình kiến tạo, dựng xây đô thị Đà Lạt mà mục tiêu đặt ra đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. 
 
Theo Quy hoạch 704, mô hình phát triển và cấu trúc không gian đô thị thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được định hướng phát triển mô hình đô thị theo chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm được kết nối với các vùng du lịch sinh thái, vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên, văn hóa, lịch sử của thành phố trên cao nguyên này. Cấu trúc của thành phố được triển khai xây dựng bởi cấu trúc khung lưu thông bao gồm tuyến vành đai vùng đô thị, các tuyến xuyên tâm, hướng tâm kết nối với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Qua đó, ngoài đô thị trung tâm Đà Lạt hiện hữu ra còn có các vùng đô thị để chia sẻ chức năng với đô thị trung tâm, đó là các đô thị Liên Khương - Liên Nghĩa, đô thị Finôm - Thạnh Mỹ được xác định là các đô thị đối trọng và các đô thị vệ tinh bao gồm Lạc Dương, Nam Ban, D’ran, Đại Ninh. Theo đó, vùng phát triển đô thị trong không gian Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 có tổng diện tích khoảng 11.600 ha. 
 
Có thể hình dung bức tranh của đô thị trung tâm Đà Lạt và các đô thị vệ tinh trong vùng phụ cận có quy mô, tính chất cụ thể, nhận lãnh định hướng, vai trò phát triển từ nay đến năm 2030. Với mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt, đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế với quy mô dân số đến từ 240 - 250 ngàn người, trong đó có khoảng 20 - 25 ngàn người là số dân quy đổi từ khách du lịch; diện tích xây dựng đô thị khoảng 5.500 - 6.500 ha, trong đó đất dân dụng đô thị khoảng 2.400 - 2.700 ha. Bên cạnh đó, các đô thị vệ tinh trong vùng phụ cận được định hướng phát triển, đó là đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương là đô thị loại 3, dân số khoảng 95 - 105 ngàn người, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 2.600 ha và có vai trò chia sẻ chức năng với thành phố Đà Lạt và là cửa ngõ giao thông quốc tế, của vùng quốc gia, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, khu phi thuế quan cấp vùng. Đối với đô thị Finôm - Thạnh Mỹ là đô thị cấp 4, có quy mô dân số khoảng 55 - 65 ngàn người và đất xây dựng đô thị 1.700 ha; mang tính chất của một đô thị chuyên ngành về nghiên cứu công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, trung tâm hội chợ - triển lãm về sản phẩm nông nghiệp cấp vùng. Kế đến là đô thị Lạc Dương được xác định là đô thị loại 5, trung tâm hành chính huyện, trung tâm du lịch văn hóa dân tộc bản địa, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao với quy mô dân số khoảng 8 - 12 ngàn người, diện tích đất xây dựng khoảng 300 ha. Đô thị Nam Ban là đô thị loại 4, thực hiện chức năng đô thị chuyên ngành kinh tế phía Tây vùng phụ cận Đà Lạt, trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan và văn hóa bản địa với dân số khoảng 20 - 23 ngàn người, đất xây dựng 500 ha. Cùng đó, đô thị D’ran là đô thị cấp 5, mang tính chất của một đô thị chuyên ngành kinh tế phía Đông vùng phụ cận Đà Lạt và là trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan hồ và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có quy mô dân số 18 - 21 ngàn người, đất xây dựng khoảng 350 ha. Cuối cùng, đô thị Đại Ninh có quy mô đô thị loại 5, dân số 14 - 16 ngàn người, diện tích xây dựng khoảng 350 ha, là đô thị chuyên ngành về du lịch gắn với khu du lịch sinh thái rừng hồ Đại Ninh. 
 
Để đảm bảo xây dựng các đô thị trung tâm, đô thị đối trọng và đô thị vệ tinh theo định hướng Quy hoạch 704, bên cạnh cho phép Lâm Đồng được lựa chọn chuyên gia, tư vấn quy hoạch các phân khu chức năng và thiết kế đô thị, kêu gọi đầu tư, Lâm Đồng còn được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản trong phạm vi thành phố sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng được phép chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác. Mặt khác, Lâm Đồng còn được ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương, vốn vay ODA để đầu tư thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phát triển thành phố Đà Lạt. Những cơ chế, chính sách đặc thù được xem là cú hích để xây dựng một diện mạo mới cho đô thị Đà Lạt và vùng phụ cận đúng theo ý hướng quy hoạch của một vùng đô thị hiện đại đẳng cấp quốc tế vào năm 2030.
 
Danh mục kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng theo Quy hoạch 704 thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo Quyết định 1528/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố tại Quyết định số 1127/QĐ - UBND ngày 30/5/2016:
 
Dự án Khu đô thị Liên Khương - Prenn, quy mô khoảng 3.500 ha.
 
Dự án Trung tâm thương mại hỗn hợp Khu Hòa Bình, TP Đà Lạt, quy mô 13,5 ha.
 
Dự án Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, quy mô 200 ha.
 
Khu đô thị, thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hồ Đại Ninh, huyện Đức Trọng, quy mô 3.466 ha, dân cư khoảng 13 ngàn người.
 
Khu đô thị, trung tâm đào tạo quốc tế, khám chữa bệnh, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khu văn hóa tâm linh... tại Khu du lịch sinh thái Đankia - Đà Lạt, huyện Lạc Dương, quy mô 3.595 ha.
 
Khu bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên và du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, quy mô 490 ha.
 
Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, quy mô 137 ha.
 
Khu du lịch thác Prenn, quy mô 70 ha.
 
Khu vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hồ Prenn, quy mô 1.000 ha.
 
Khu Trung tâm triển lãm và dịch vụ phi thuế quan, huyện Đức Trọng, quy mô 160 ha.
 
Làng đô thị khu Liên Khương - Prenn, Đức Trọng, quy mô 1.000 ha.
 
Khu đô thị hỗn hợp Đại Ninh, huyện Đức Trọng, quy mô 200 ha.
 
Khu nông nghiệp công nghệ cao Tân Phú, Đức Trọng quy mô 480 ha. 
 
KHẢI NHIÊN