Chị Ka Dộk, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Thuận (huyện Di Linh), cho biết: Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn (vợ chồng có con ở độ tuổi vị thành niên) trong xã đã phát sinh và ngày càng nhiều hơn. Trong đó, Bảo Tuân là thôn xuất hiện những cặp vợ chồng tảo hôn nhiều nhất xã.
Chị Ka Dộk, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Thuận (huyện Di Linh), cho biết: Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn (vợ chồng có con ở độ tuổi vị thành niên) trong xã đã phát sinh và ngày càng nhiều hơn. Trong đó, Bảo Tuân là thôn xuất hiện những cặp vợ chồng tảo hôn nhiều nhất xã. Do vậy, khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo và hướng dẫn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã chọn thôn Bảo Tuân để triển khai xây dựng Mô hình “Nói không với tảo hôn”.
|
Ka Hợn (22 tuổi, áo thun đen, thứ 3 bên trái) và con gái hơn 6 tuổi (áo vàng, thứ 4 bên trái) cùng với người thân trong gia đình và cán bộ Hội Phụ nữ xã |
Phát sinh tình trạng tảo hôn
Bảo Tuân trước đây là một thôn căn cứ cách mạng nằm ở rừng sâu. Đến năm 1985, thôn căn cứ Bảo Tuân được di dời ra gần trung tâm xã. Bảo Tuân có 109 hộ là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Bên cạnh việc tập trung giảm nghèo, một nỗi lo đến với các bậc làm cha, làm mẹ và chính quyền địa phương là tình trạng tảo hôn ở thôn Bảo Tuân phát sinh và ngày càng tăng dần. Nhiều bé gái ở tuổi vị thành niên đã trở thành những “bà mẹ bất đắc dĩ”; từ đó, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt và tương lai, hạnh phúc gia đình, con cái. Trong thực tế ở thôn Bảo Tuân cho thấy đã có những cặp vợ chồng do tảo hôn, nên hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, phải dựa vào bố mẹ hai bên. Do còn quá trẻ và bỏ học sớm, một số vợ chồng còn ham chơi, thiếu sự quan tâm đến gia đình, chăm sóc con cái và việc xử sự những tình huống phát sinh trong cuộc sống còn bồng bột, thiếu chín chắn… đã dẫn đến bất bình, mâu thuẫn rồi tan vỡ hạnh phúc, ly hôn.
Chị Ka Bo Thủy, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Bảo Tuân, cho biết: “Cách đây 7 năm, trong thôn có 1 bé gái (xin dấu tên) bỏ học sớm và lấy chồng lúc tuổi đời chỉ mới 14. Khi cưới, tất nhiên là không thể làm được giấy kết hôn và khi sinh con cũng không làm được giấy khai sinh. Bốn năm sau, khi có nhu cầu làm thủ tục đăng ký xin cho con đi học mẫu giáo, đôi vợ chồng tảo hôn này mới làm giấy kết hôn và giấy khai sinh. Do tảo hôn, cuộc sống gặp khó khăn, phát sinh mâu thuẫn và cách đây khoảng 1 tuần, người “mẹ bất đắc dĩ” này đã bỏ nhà ra đi, người thân trong gia đình đang tìm kiếm”.
Tuy cuộc sống hạnh phúc hơn những cặp tảo hôn khác, vợ chồng ít xảy ra mâu thuẫn, nhưng kinh tế gia đình rất khó khăn, còn phải phụ thuộc bố mẹ hai bên, vì Ka Hợn - K’Vân chung sống với nhau và có bé gái đầu lòng khi tuổi còn rất trẻ. Ka Hợn cho chúng tôi biết: “Cháu sinh năm 1994, bỏ học rất sớm và đã lấy chồng khi tuổi mới 15 (năm 2009). Hiện tại, vợ chồng cháu đã có 1 bé gái hơn 6 tuổi”. Vợ chồng Ka Hợn - K’Vân chưa có nhà riêng, hiện đang ở chung với ông bà ngoại (bố mẹ ruột Ka Hợn) trong một căn nhà tình thương chật ních, vì đông anh em. Hai vợ chồng chỉ có 2 sào cà phê, mỗi năm chỉ thu được 2 - 3 tạ cà phê nhân, nên phải đi làm thuê để kiếm sống. Cũng do cuộc sống gia đình còn nghèo khó, nên 2 vợ chồng chỉ mới tổ chức lễ tân hôn, hiện còn “nợ” lễ vu quy (bắt chồng) vì không đủ tiền để lo lễ cưới.
“Nói không với tảo hôn”
Qua trao đổi với chúng tôi, chị Ka Dộk cho biết, từ khi trong xã Bảo Thuận phát sinh tình trạng tảo hôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã chủ động phối hợp triển khai vận động “Nói không với tảo hôn” để kịp thời hạn chế và ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, để đem lại kết quả như mong muốn, năm 2013, Hội Phụ nữ xã đã chọn thôn Bảo Tuân làm điểm triển khai xây dựng Mô hình “Nói không với tảo hôn”.
Ngay từ đầu, Chi hội đã vận động được 45 thành viên tham gia mô hình (trong đó, tất cả những thành viên có con trong độ tuổi vị thành niên đều tham gia). “Mô hình nói không với tảo hôn tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng 1 lần tại hội trường thôn. Trong những lần sinh hoạt, Ban chủ nhiệm tổ chức đánh giá, góp ý rút kinh nghiệm trong việc vận động. Trong quá trình vận động nói không với tảo hôn, các thành viên trong Ban chủ nhiệm cùng với Chi hội Phụ nữ tuyên truyền, phổ biến lồng ghép những nội dung chính về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, chính sách về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kỹ năng nuôi dạy con, phòng chống suy dinh dưỡng, định hướng nghề nghiệp… Nhờ vậy, bà con trong thôn nâng cao dần về nhận thức, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thông qua vận động, tất cả 109 hộ trong thôn Bảo Tuân đều cam kết nói không với tảo hôn” - anh K’Brui (hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bảo Thuận) - Chủ nhiệm Mô hình cho chúng tôi biết.
“Chuyện cũ đã qua rồi, không muốn nhắc lại nữa, nhưng nay vợ chồng cháu đã hiểu và chính vì vậy mà chưa sinh thêm đứa thứ 2, cho dù con gái đầu lòng đã hơn 6 tuổi” - Ka Hợn tâm sự, khi chúng tôi cùng các chị trong Hội Phụ nữ xã Bảo Thuận đến thăm gia đình. Trong lúc trò chuyện, chị Ka Bo Thủy (Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Bảo Tuân) - Phó Chủ nhiệm Mô hình cho biết kết quả đáng mừng là trong 3 năm qua, kể từ khi triển khai mô hình này, thôn Bảo Tuân không có cặp vợ chồng nào tảo hôn; và, chị Ka Dộk cũng cho biết ý định của mình là trong năm nay, sẽ tổ chức nhân rộng Mô hình “Nói không với tảo hôn” tại 1 trong 2 thôn là Hàng Piơr hoặc Hàng Ùng.
XUÂN LONG