Bệnh nhân là khách hàng

08:07, 19/07/2016

Trong 3 năm qua (2013 - 2016), Dự án "Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho người dân vùng khó khăn tỉnh Lâm Đồng" do Sở Y tế Lâm Đồng phối hợp với Tổ chức Marie Stopes tại Việt Nam triển khai tại 5 xã của huyện Đam Rông đã góp phần tạo nên những chuyển biến theo quan điểm của khách hàng sử dụng dịch vụ.

Trong 3 năm qua (2013 - 2016), Dự án “Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) - KHHGĐ cho người dân vùng khó khăn tỉnh Lâm Đồng” do Sở Y tế Lâm Đồng phối hợp với Tổ chức Marie Stopes tại Việt Nam triển khai tại 5 xã của huyện Đam Rông đã góp phần tạo nên những chuyển biến theo quan điểm của khách hàng sử dụng dịch vụ.
 
Đoàn bác sĩ thiện nguyện khám bệnh tại xã Đạ Chais
Đoàn bác sĩ thiện nguyện khám bệnh tại xã Đạ Chais

Trưởng Trạm Y tế xã Đạ Tông - y sỹ Nguyễn Trọng Hiếu cho biết: Để phục vụ tốt cho người dân đến khám bệnh trong các đợt cao điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ, chúng tôi sắp xếp bố trí các hoạt động đón tiếp, tư vấn, khám, điều trị, cấp thuốc tại TYT theo một chiều, để khách hàng vào - ra theo quy trình khép kín, rất thuận tiện và trật tự. Qua 3 năm thực hiện dự án “Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ cho người dân vùng khó khăn tỉnh Lâm Đồng”, chúng tôi đã được Ban quản lý (BQL) dự án hướng dẫn tổ chức các buổi tiếp xúc với người dân. Từ đây, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân đối với TYT của xã, nhiều ý kiến khen và còn không ít ý kiến chưa hài lòng phản ánh những điều chưa làm được của nhân viên y tế. Từ việc lắng nghe ý kiến của người dân, cán bộ TYT cũng có ý kiến phản hồi để người dân hiểu rõ hơn hoạt động của TYT và thông cảm trước những khó khăn của trạm; đồng thời, TYT tự điều chỉnh các hoạt động theo hướng tích cực từ những đóng góp của người dân. 
 
Qua nhiều lần họp dân cho thấy vai trò của người dân được phát huy trong việc tham gia đóng góp ý kiến và giám sát các hoạt động khám chữa bệnh, CSSKSS - KHHGĐ tại TYT xã. Đến nay, TYT xã Đạ Tông đã có nhiều chuyển biến như: Hoạt động khám chữa bệnh thường xuyên luôn đạt chỉ tiêu giao, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ TYT đối với nhân dân được thay đổi rõ rệt, niềm nở và chu đáo, luôn đảm bảo trực chuyên môn 24/24h, xử trí kịp thời các bệnh nhân cấp cứu tại trạm đảm bảo không xảy ra sai sót chuyên môn. Thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh tại TYT, giữ gìn trạm luôn sạch đẹp, đảm bảo đầy đủ nước sinh hoạt, nước uống cho bệnh nhân. Nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân; 8 cán bộ nhân viên y tế không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn; có bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh... Trang thiết bị, y dụng cụ, thuốc men tại trạm tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương và phòng chống dịch bệnh. 
 
Tuy nhiên, khi tổ chức các buổi họp dân để lấy ý kiến về công tác chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ tại trạm, chúng tôi cũng gặp những khó khăn trong hoạt động giải trình do bà con không biết chữ, trình độ dân trí thấp, khó tập hợp bà con trong thời điểm mùa vụ. Người dân trong cộng đồng các xã tham gia dự án là đối tượng thụ hưởng và cũng là nhân tố quan trọng tác động đến việc cải thiện chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại TYT xã, do vậy việc tổ chức các buổi họp dân cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
 
Đã có sự thay đổi về chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương và vai trò của UBND, các hội, nhóm đại diện cho cộng đồng trong giám sát và hỗ trợ cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở ở xã Rô Men. Từ khi triển khai dự án, xã Rô Men đã thành lập Ban Tăng cường trách nhiệm giải trình xã gồm 5 thành viên: 1 Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, 2 Thúc đẩy viên nữ và 2 Thúc đẩy viên nam được lựa chọn từ các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, văn phòng UBND xã. Kết quả ghi nhận đội ngũ cán bộ TYT xã đã có bước trưởng thành về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý điều hành, công tác tham mưu, phối hợp, nhờ được tập huấn từ dự án. TYT được bố trí sắp xếp phòng, khoa hợp lý, sạch, gọn, đẹp, trang thiết bị đầy đủ. Đến nay, 100% khách hàng biết phòng tư vấn - truyền thông, 100% nhân viên của TYT có thái độ ứng xử tốt, lắng nghe tạo điều kiện cho “dân biết, dân bàn, dân quyết định”. Người bệnh được coi như là khách hàng, TYT là nơi cung cấp dịch vụ nên phải đem đến cho khách hàng các dịch vụ chất lượng với thái độ thân thiện, tạo niềm tin với khách hàng, vì thế lượt khách hàng đến TYT thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng gấp đôi so với 3 năm trước đây.
 
Dự án với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng cũng đã cung cấp trang thiết bị và đầu tư sửa chữa nhỏ tại các TYT. Mỗi quý, BQL dự án triển khai Ngày hội sức khỏe tại 5 xã của huyện Đam Rông với hình thức truyền thông giới thiệu các biện pháp tránh thai qua loa truyền thanh xã, thôn, khuyến khích phát quà, hỗ trợ cho khách hàng đến thực hiện các dịch vụ tại TYT xã. BQL dự án tuyển chọn 15 cộng tác viên truyền thông tại 5 xã tham gia dự án, họ đã tổ chức 420 buổi truyền thông nhóm cho 3.610 lượt khách hàng; thăm hộ gia đình 1.000 lượt với 1.707 khách hàng; 144 buổi truyền thông sức khỏe trên loa đài của xã; tư vấn giới thiệu 1.297 khách hàng tiếp cận đến dịch vụ tại TYT. 
 
TS Trần Mạnh Hạ - Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng BQL dự án “Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ cho người dân vùng khó khăn tỉnh Lâm Đồng” cho biết: Những tác động của dự án đã làm nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, đặc biệt là CSSKSS tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông và 5 TYT xã tham gia dự án. BQL dự án đã tổ chức 18 lớp tập huấn cho 307 lượt cán bộ y tế, cán bộ xã và người dân tham gia trong nhiều lĩnh vực: truyền thông thay đổi hành vi CSSKSS - KHHGĐ, về chất lượng dịch vụ theo quan điểm khách hàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, kỹ năng tư vấn, xử trí các tác dụng phụ của thuốc tránh thai, kỹ năng giám sát hỗ trợ trong cung cấp các dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ tại TYT, kỹ năng phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, phát hiện xử trí sớm tai biến sản khoa và sơ sinh... Nhờ vậy, số lượng người đến thực hiện các dịch vụ y tế tại trạm tăng lên đáng kể. Ban giám sát trách nhiệm giải trình của các xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ, trong những lần họp dân đã đưa ra nhiều ý kiến hữu ích để TYT cải thiện chất lượng hoạt động.
 
AN NHIÊN