Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông đã tận dụng và vận dụng tốt những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, phát huy vai trò của người phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.
Là một huyện còn nhiều khó khăn, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông đã tận dụng và vận dụng tốt những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức. Từ đó, phát huy vai trò của người phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Nhiều hội viên, trong đó có hội viên là người dân tộc thiểu số nhờ đó đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
|
Cây cà phê là loại cây thoát nghèo của nhiều hội viên phụ nữ huyện Đam Rông |
Giúp nhau phát triển kinh tế
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Vũ Thị Toan tại thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng - một trong những gương phụ nữ làm kinh tế giỏi của huyện Đam Rông khi chị đang chăm sóc cà phê. Chị Toan tâm sự: “Năm 2001, lúc mới chuyển đến thôn Thanh Bình, đời sống của gia đình gồm 4 miệng ăn vô cùng khó khăn, kinh tế eo hẹp, thiếu trước hụt sau. Qua tham gia và sinh hoạt tại chi hội phụ nữ, tôi được tiếp cận với nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) do Hội LHPN tín chấp với mức từ 5 - 30 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có vốn để đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia vào các lớp tập huấn, hội thảo do Hội LHPN huyện tổ chức để biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”. Hiện tại, gia đình chị Toan đang có 3 ha cà phê Robusta và 1 ha cà phê Catimo, mang lại thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, gà, mỗi năm cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng.
Xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”, trong những năm qua, Hội LHPN huyện Đam Rông đã chủ động tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến chị em phụ nữ. Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế của địa phương, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiên phong đi đầu trong ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội LHPN còn tạo điều kiện tiếp cận vốn đối với các chị em có nhu cầu. Trong sáu tháng đầu năm 2016, hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện vận động thu hồi gốc đến hạn được trên 3,5 tỉ đồng và giải ngân trên 5 tỉ đồng. Ngoài ra, đầu năm 2016, hội đã thu hút nguồn hỗ trợ 20 con bò cho 20 hội viên phụ nữ từ chương trình hỗ trợ bò cho người dân của chi nhánh Viettel Lâm Đồng tại các xã Đạ K’Nàng, Rô Men và Liêng Srônh. Hội thường xuyên giám sát quá trình nuôi bò của các hộ gia đình. Đến nay, tổng số bò được cấp từ chương trình đã lên đến con số 74, tạo điều kiện để các chị em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế.
Ngoài ra, nhằm giúp cho lao động nữ nông thôn được học nghề, có việc làm, tăng thu nhập, Hội LHPN cũng đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề về móc len. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được duy trì bằng nhiều hình thức như giúp đỡ ngày công, chia sẻ kinh nghiệm,... Từ đó góp phần xây dựng kinh tế các hộ gia đình, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dần trong các năm qua.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Đam Rông còn chú trọng công tác xây dựng đời sống tinh thần cho chị em phụ nữ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong những năm qua, hội đã xây dựng các mô hình mới hoạt động có hiệu quả như mô hình Tổ phụ nữ với việc tự đào hố xử lý rác thải tại nhà tại thôn Ntôl, xã Đạ Tông với 10 thành viên, thôn Liên Trang 2, xã Đạ Tông với 34 thành viên; mô hình “3 sạch” tại thôn Liêng Krắc 1, xã Đạ M’Rông với 24 thành viên; mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ anh ninh trật tự ” tại thôn Liêng Krắc 2, xã Đạ M’Rông... Các mô hình này đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong việc thay đổi cuộc sống theo hướng tiến bộ, dần thay đổi những tập quán cũ.
Là một huyện vùng sâu với trên 4 nghìn hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, tâm lý còn rụt rè và e ngại, Hội LHPN huyện Đam Rông đã triển khai thực hiện chỉ tiêu mỗi cán bộ hội viên là nòng cốt phát huy vai trò tiên phong trong các phong trào thi đua, tham gia sinh hoạt với các chi hội nhằm nắm bắt tình hình tư tưởng của hội viên. Hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho chị em phụ nữ vào các dịp lễ lớn như: Tổ chức giải bóng chuyền nữ, gian hàng ẩm thực, giao lưu văn nghệ,... Những hoạt động này đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi, phấn khởi cho chị em hội viên phụ nữ.
Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN huyện Đam Rông đã xây dựng các chương trình hành động thiết thực, tích cực vận động hội viên phụ nữ có ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Chị Phan Thị Cẩm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông, cho biết: “Chị em phụ nữ, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số cần được thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của mình đối với gia đình và xã hội. Thấy được tầm quan trọng của điều này, Hội LHPN thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, vận động phụ nữ và nam giới thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình,... Điều này giúp chị em phụ nữ tự tin hơn trong xây dựng gia đình văn hóa và xây dựng quê hương phát triển”.
Việt Quỳnh