Chênh vênh giữa đại ngàn

09:07, 20/07/2016

Trong cuộc di dân lịch sử của đồng bào Tây Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp, một số lớn di dân tự do đã "lọt thỏm" vào đại ngàn huyện Đam Rông mà không theo kế hoạch, chủ trương nào cả. Sau vài năm, cuộc sống của họ vẫn lầm lũi trong những cánh rừng…

Trong cuộc di dân lịch sử của đồng bào Tây Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp, một số lớn di dân tự do đã “lọt thỏm” vào đại ngàn huyện Đam Rông mà không theo kế hoạch, chủ trương nào cả. Sau vài năm, cuộc sống của họ vẫn lầm lũi trong những cánh rừng…
 
Những ngôi nhà của di dân đồng bào H’ Mông nằm sâu trong rừng
Những ngôi nhà của di dân đồng bào H’ Mông nằm sâu trong rừng

Đất mới “không như mơ” 
 
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH), Sêrêpốk sau 2 giờ đồng hồ “mồ hôi trộn bùn”, chúng tôi đã tiếp cận được Tiểu khu 181, nơi có 101 nóc nhà, 515 khẩu đồng bào người H’ Mông sinh sống. Nắng gió, bùn lầy là món quà đặc biệt mà rừng núi Đam Rông dành sẵn cho những vị khách. Phía ta - luy âm con đường, tre nứa bị dao quắm của đồng bào “lia” từng nhát đứt ngọt, tạo thành bẫy chông “phục” sẵn những tay lái không quen đường rừng. 
 
Số di dân cư tự do vào Đam Rông tính từ năm 2005 đến nay là 1.277 hộ, 6.397 nhân khẩu, chủ yếu là người H’ Mông, Dao, Tày, Nùng. Ông Mai Chí Trung, Trưởng Ban QLRPH Sêrêpốk khẳng định: “Di dân tự do dồn lên vai chúng tôi một áp lực rất lớn, gây khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Tình trạng các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra thường xuyên, nhiều lúc cán bộ bị đe dọa đến thân thể, tính mạng”.
Trạm trưởng Trạm Đạ R’Lau (thuộc BQLRPH Sêrêpốk) Nguyễn Đăng Biện thông báo qua tình hình: “20 km mà phải mò mẫm mất 2 giờ đồng hồ, may thay hôm nay không mưa rừng. Nếu mưa suốt hai ba hôm thì nơi đây như bị cô lập, vào cũng chẳng được mà ra cũng chẳng xong. Đời sống bà con đồng bào người H’ Mông ở trong này vô cùng khổ cực vì thiếu đất sản xuất, không điện, không nước sạch, nói chung là nhiều thứ không”.
 
Sau một hồi nghỉ ngơi ở Trạm Đạ R’Lau, chúng tôi quyết định dong thẳng vào những nóc nhà nằm thấp thoáng dưới tán rừng. Vợ chồng Vàng Seo Cơ (1982) và Thào Thị Sia (1985) cùng ba đứa con nhỏ lo lắng khi thấy người lạ. Chị Sia vài hôm nay không vào rừng được vì căn bệnh dạ dày lại tái phát. Trong những cơn đau trước của vợ, Cơ len lỏi vào rừng tìm bài thuốc bằng lá cây gia truyền của mình để chữa trị, lần này thì đành phải bó tay. Cực chẳng đã, Cơ đánh liều tra xích vào đôi lốp xe máy để đưa vợ ra trung tâm y tế huyện khám bệnh. 
 
Cơ tâm sự: “Tội nghiệp vợ tao quá à, đau ốm suốt. Đường từ đây ra huyện không phải dễ, mày đi thì biết rồi còn gì. Có những chặng tao tưởng vợ tao rơi từ trên xe xuống mày à, nó đau quá bấu vào mạn sườn tao bầm tím hết đây này, một tuần rồi mà chưa tan máu bầm”. Chúng tôi ai nấy không dám hỏi han vì người đàn bà nằm quay mặt vào tường, không buồn nhúc nhích.
 
Lặn lội vào nơi heo hút, rừng thiêng nước độc để mưu sinh, cuộc sống của gia đình Cơ bủa vây bởi lắm nỗi vất vả. 1 sào lúa nước tự khai hoang là nguồn cung lương thực sống qua ngày; vài khoảnh bo bo, cà phê trồng trên những triền dốc dựng đứng, đi đứng không cẩn thận là ngã dúi dụi. Anh cả của Cơ là Vàng Seo Chứ thấy đông người thì sang bắt chuyện, năm nay, Chứ ngoại tứ tuần nhưng có đến 9 mặt con, thiếu ăn là chuyện thường tình ở gia đình con cái đề huề này. Chứ nói nửa đùa nửa thật: “Bao năm ngược xuôi, cái cuối cùng tao nhận được là cây dao quắm mòn lẹm vì mài giũa trên đá ở con suối trước nhà”.
 
Cơ bảo rằng, ngày trước mình còn sống ở Yên Sơn, Tuyên Quang, anh cả Chứ vào đây trước rồi trong một dịp ghé về thăm quê , quà anh mang về là củ mì (sắn) to bằng bắp chân người lớn và vài khúc mía to đùng như truông trâu; chính hai thức quà này là sản phẩm “tiếp thị” cho một “vùng đất hứa”. Chỉ nhìn vào đó thôi là chàng trai người H’ Mông quyết định theo anh trai vào nơi này lập nghiệp những mong một ngày có của ăn của để, về quê “nở mặt, nở mày”.
 
Trẻ em H’Mông giữa miệt núi rừng mịt mù
Trẻ em H’Mông giữa miệt núi rừng mịt mù

Trạm trưởng Biện chỉ tay về một xóm nhà khác: “Trong những tháng đầu năm 2016, chúng tôi đi khảo sát thì số lượng di dân vào đây tăng không đáng kể. Một dấu hiệu vừa mừng nhưng vừa lo vì những di dân ở đây thường lén cho người mới ở nhờ trong nhà mình! Họ sống thành những tốp riêng rẽ nên rất khó quản lý. Mặt khác, nơi này lại có mối giao thoa (về đi lại, về địa bàn khai thác các sản vật rừng- PV) với đồng bào thiểu số người bản địa, nên sự va chạm hay bất đồng là điều dễ xảy ra lắm”.
 
Gọi là nhà nhưng thực chất đó chỉ là những túp lều tạm bợ được dựng bằng tranh tre có sẵn, thấp lè tè. Chúng tôi vào nhà Đào Văn Trăng (sinh năm 1964), ngoài cái bóng điện bằng nắm tay người lớn chạy bằng tấm pin năng lượng mặt trời như cái mẹt thì không có vật dụng kim khí gì giá trị. Tài sản lớn nhất là chiếc xe máy chỉ còn lại khung sườn và bộ máy treo lủng lẳng. 
 
Nhiều di dân tự do bảo rằng, họ đã sai lầm vì chọn vùng đất này, nhưng không ở đây thì biết đi đâu nữa. Dải đất đỏ ngút mắt cà phê, triền cao su dài miên man thầm ao ước giờ đây vẫn chỉ là đồi núi hoang vu và đất đai bạc màu sỏi đá. Dẫu biết rằng, cà phê chỉ thích hợp với đất đỏ ba-zan bằng phẳng nhưng vẫn nhắm mắt “nện” xuống triền dốc vì chả biết trồng cây gì bây giờ. 
 
Đi một chặng, chúng tôi ghé vào gia đình Giàng Seo Đỗ (1993) với hai mặt con, đứa lớn đã biết chơi cùng lũ bạn ở góc sân và đứa nhỏ thì ẵm trên tay. Đỗ cố lần mò trong ký ức của mình: “8 tuổi tao theo bố vào huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Trồng được vài mùa đỗ tương thế là bố tao dỡ lán, dẫn cả nhà đi, chả nhớ sang đây được bao năm nữa, có hỏi nữa tao cũng chả nhớ đâu”. 
 
Tôi hỏi rằng quê gốc của Đỗ ở đâu, chàng thanh niên rụt rè bảo rằng, nếu em nói ra các anh biết sẽ đưa em quay về thì làm sao bây giờ. Cả nhà Đỗ sống trong một túp lều tranh, không có tiền để sắm tấm pin năng lượng mặt trời như những người khác, đành chấp nhận ngồi quây quần bên bếp lửa mỗi khi đêm xuống. Đỗ buồn rười rượi, nhìn về đứa con nhỏ kháu khỉnh giữa căn nhà trống hoắc, nước mắt lăn dài trên hai gò má đen xám và gầy hóp đi vì vất vả. Không biết giọt nước mắt ấy buồn cho cái thảm cảnh của mình hay vì mưa gió làm củi đun không cháy đều được? 
 
Cô con gái của Đỗ đang chơi trò nhảy lò cò cùng các bạn, tỏ tẻ được vài từ tiếng Việt, còn hỏi gì thì đáp lại “không xiểu, không xiểu”. Cái vòng lò cò các em vẽ ra trên nền đất là một hình xoắn ốc mà điểm kết cuối cùng chính là miệt núi rừng mịt mù sương khói. Từng con trẻ thi nhau nhảy vào cái vòng tròn bí ẩn không biết sẽ dẫn chúng phiêu lưu đến bao giờ. Chốc chốc một câu hát bằng tiếng H’ Mông lại vang lên không phải trên cao nguyên đá mà là nơi miền đất lạnh.
 
Giàng Seo Đỗ (ở giữa) tâm sự với phóng viên về cuộc sống lam lũ trong những cánh rừng
Giàng Seo Đỗ (ở giữa) tâm sự với phóng viên về cuộc sống lam lũ trong những cánh rừng

“Áp lực” lên những cánh rừng
 
Di dân tự do đồng nghĩa với phá rừng, đó là thảm cảnh chung mà núi rừng Tây Nguyên phải gánh chịu. Rừng phòng hộ Sêrêpốk, Tiểu khu 181 mà chúng tôi đặt chân đến không ngoại lệ. Hai bên đường cây rừng bị đốn một cách không thương tiếc, từng khoảng rừng bị đốt cháy nham nhở, trơ trọi một vài cây không chịu đổ chọc thẳng lên trời xanh một cách ai oán.
 
Ngay đêm đầu tiên vào Tiểu khu 181, chúng tôi đi cùng lực lượng BQLRPH Sêrêpốk, Trạm Đạ R’Lau, đến nhà Hạng A Áo (1987) là người đã có hành vi phá rừng để lấy đất làm nương rẫy. Trạm trưởng Biện tâm sự: “Vận động nhiều lắm rồi, nhưng thay đổi được nhận thức của họ không phải có thể trong một sớm một chiều. Giờ có nhà báo đi cùng, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh”.
 
Anh Biện cố công giải thích với Áo: “Rừng là tài sản chung của mọi người, vì vậy chúng ta phải biết bảo vệ, không được chặt phá, hủy hoại. Hôm nay có hai nhà báo từ ngoài vào, hy vọng anh thay đổi suy nghĩ của mình, để nhà báo có cảm nhận chân tình về mình, về đồng bào mình”.
 
Trong tiếng gió ngàn gào, chỉ nghe những tiếng ậm ừ phát ra từ chiếc cổ họng sưng phù lên vì có những điều khó nói của Áo.
 
Phía sau những nóc nhà là cảm cảnh rừng phòng hộ Sêrêpốk bị “cạo trọc” để lấy đất canh tác nông nghiệp
Phía sau những nóc nhà là cảm cảnh rừng phòng hộ Sêrêpốk bị “cạo trọc” để lấy đất
canh tác nông nghiệp

Điều anh Biện và BQLRPH Sêrêpốk “nhờ cậy” không phải là không có cơ sở. Cụ thể vào ngày 8/4/2015, sau khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng tại Tiểu khu 181, lực lượng Trạm Đạ R’Lau phát hiện đối tượng Vàng Seo Sự đang dùng dao phát để dọn cây rừng trên diện tích 4.500 m 2. Khi được yêu cầu về trạm để tiến hành giải quyết sự vụ thì Sự bỏ về nhà, lực lượng BQLRPH đã đến nhà của đối tượng để tuyên truyền và giải thích về việc phá rừng là trái với quy định của pháp luật, Sự tỏ thái độ bất hợp tác, liên tục chửi bới và nhục mạ. Khi lực lượng BQLRPH tiến hành lập biên bản thì đối tượng không chịu ký tên và lấy ra 2 bát cám lợn rồi thẳng thừng nói: “Nếu cán bộ ăn hết 2 bát cám lợn này thì tao ký”.
 
Hay sự vụ mang tính chất nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến tính mạng của cán bộ vào ngày 17/6/2015: các đối tượng phá rừng lấy đất làm nương rẫy đã cướp công cụ hỗ trợ, giam lỏng đoàn kiểm tra, bắt giữ người trái phép, vu khống cán bộ trong đoàn để thực hiện hành vi tống tiền với số tiền là 10 triệu đồng tại Tiểu khu 177.
 
Chúng tôi trở về Trạm Đạ R’Lau. Một đêm trắng không ngủ giữa núi rừng. Trong bóng tối, tôi mường tượng đến cảnh Đỗ ngồi khóc một mình giữa cánh rừng Đam Rông...
 
Đức Tú - Ngọc Ngà