Hiện nay, ở 3 huyện phía Nam (Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai) đang vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa với diễn biến thời tiết phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết...
Hiện nay, ở 3 huyện phía Nam (Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai) đang vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa với diễn biến thời tiết phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết (SXH). Hiện, các địa phương này đã và đang triển khai các biện pháp để chủ động phòng, chống SXH nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại.
|
TTYT Cát Tiên khám, điều trị cho người SXH |
Dập tắt những điểm nguy cơ cao
Trong 3 huyện phía Nam thì Cát Tiên đang là địa phương tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh SXH. Trong đó, thị trấn Cát Tiên là trung tâm của ổ dịch. Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cát Tiên thì trong năm 2015, toàn huyện không xảy ra trường hợp SXH nào. Tuy nhiên, năm nay, số người bị SXH đến điều trị tại TTYT huyện Cát Tiên đã tăng đột biến lên con số gần 70 trường hợp. Theo dự báo, tình hình bệnh SXH đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại địa phương này. Trước tình hình trên, ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên yêu cầu: TTYT huyện nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh SXH nhằm ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch để tránh lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên chỉ đạo Phòng Y tế, TTYT cùng các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình bệnh SXH để chủ động phòng, chống có hiệu quả. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến địa bàn thị trấn Cát Tiên (địa phương có hơn 40 ca bị sốt xuất huyết) để triển khai công tác cứu chữa cho người bệnh. Cùng với đó, huy động các ban, ngành đoàn thể và nhân dân khẩn trương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường như vệ sinh vật dụng chứa nước, khơi thông cống rãnh diệt muỗi, loăng quăng nhằm dập tắt các ổ dịch.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc TTYT Cát Tiên, cho biết: Trước tình hình SXH đã và đang diễn ra, TTYT đã tăng cường y, bác sĩ về tận cơ sở phối hợp với các địa phương và trạm y tế để giám sát tình hình dịch bệnh; đồng thời, triển khai các đợt phun xịt thuốc diệt muỗi, loăng quăng tại địa bàn thị trấn Cát Tiên và các địa phương có nguy cơ xảy ra bệnh SXH như các xã Phước Cát 1 và Phước Cát 2.
Không chủ quan
Cùng với thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên), thì nhiều địa phương khác tại 2 huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai cũng đã xuất hiện các ca bị SXH. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: “Theo báo cáo của TTYT huyện thì hiện tại, trên địa bàn toàn huyện mới chỉ có hơn 10 trường hợp bị SXH. Song, qua kiểm tra của Ngành Y tế tại các địa phương đang xuất hiện nhiều muỗi và loăng quăng. Vì vậy, huyện đã có chỉ đạo Ngành Y tế và các địa phương không được chủ quan. Theo đó, triển khai ngay các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng để phòng, chống SXH có hiệu quả”.
Còn theo bác sĩ Đặng Đình Quảng, Phó Giám đốc TTYT huyện Đạ Tẻh cho rằng, dù hiện tại địa phương đang đạt kết quả khả quan trong phòng, chống SXH nhưng không chủ quan vì đến thời điểm này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị bệnh SXH. Việc chủ động phòng dịch, giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh để phòng, chống là hết sức quan trọng. Thời gian qua, Trung tâm chỉ đạo các Trạm y tế tăng cường giám sát tại các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tự phòng dịch. Đồng thời, Trung tâm đã nhiều lần triển khai phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng tại nhiều địa phương, để triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng và tuyên truyền giúp người dân nắm bắt, phòng chống SXH.
Còn tại huyện Đạ Huoai, đến thời điểm hiện tại mới chỉ phát hiện 8 trường hợp bị SXH. Song, UBND huyện cũng chỉ đạo Ngành Y tế, các cơ quan liên quan chủ động phối hợp với các địa phương cùng vào cuộc phòng, chống SXH; đồng thời, phát động các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh các vật dụng chứa nước trên tất cả các xã, thị trấn.
Như vậy, với tình hình bệnh SXH đã và đang diễn ra với chiều hướng gia tăng tại 3 huyện phía Nam nói riêng và cả tỉnh nói chung thì cần sự chung tay phòng, chống của cộng đồng, chính quyền địa phương và ban, ngành, đoàn thể trong toàn xã hội.
Giám đốc Sở Y tế kiểm tra sốt xuất huyết tại các địa phương
Ngày 22/7, TS Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, đã đến huyện Cát Tiên kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 67 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Hiện, Cát Tiên đã có 8/11 xã, thị trấn trên địa bàn có bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, thị trấn Cát Tiên là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất, trên 50 ca.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Phạm Thị Bạch Yến cũng đã đến kiểm tra thực tế tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh.
Tại thành phố Bảo Lộc, theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 212 ca sốt xuất huyết, tăng 190 ca so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát từ tháng 4/2016 đến nay, mà tăng nhanh là trong tháng 7 với 28 ca mắc sốt xuất huyết.
Tại huyện Bảo Lâm, đã xảy ra 63 ca dương tính sốt xuất huyết. Còn tại huyện Di Linh, đã xảy ra 53 ca sốt xuất huyết.
Sau khi kiểm tra tại các địa phương, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận là các địa phương đã kịp thời phát hiện và đã có những nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan và điều trị người bệnh. Tuy nhiên, vì hầu hết người dân chủ quan trong việc phòng dịch, nhất là khâu vệ sinh môi trường chưa được quan tâm, chứa nhiều tiềm ẩn để muỗi có điều kiện phát triển và lây truyền sốt xuất huyết. Trước tình hình này, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân khi ngủ phải có mùng; tập trung diệt loăng quăng, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm và xử lý tốt vệ sinh môi trường không để muỗi đẻ trứng; phun hóa chất trên diện rộng; tăng cường kiểm tra việc phòng, chống và kịp thời ngăn chặn, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan.
TRỊNH CHU - XUÂN LONG
|
KHÁNH PHÚC