Nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về REDD+ và biến đổi khí hậu trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng vừa kết thúc 2 ngày hội thảo trong tháng 6 cho tầng lớp phụ nữ 2 xã Tà Năng huyện Đức Trọng và Tu Tra huyện Đơn Dương.
Nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về REDD+ và biến đổi khí hậu (BĐKH) trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), Ban quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng vừa kết thúc 2 ngày hội thảo trong tháng 6 cho tầng lớp phụ nữ 2 xã Tà Năng huyện Đức Trọng và Tu Tra huyện Đơn Dương. Chương trình Hội thảo có sự phối hợp đồng bộ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh với Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng và sự tham gia của hơn 100 phụ nữ, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa lại càng có ý nghĩa đặc biệt.
|
Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại Hội thảo |
Hoạt động hội thảo này nằm trong khuôn khổ thực hiện chương trình Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (gọi tắt là PRAP) năm 2016. Theo đó, nhiều nội dung thiết thực đã được cung cấp đến từng hội viên phụ nữ của 2 xã này như: vai trò của rừng; nội dụng về REDD+; BĐKH và ứng phó thích ứng với hiện tượng này và được cụ thể hóa bằng các hành động về công tác QLBVR trên địa bàn xã, huyện nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Đây cũng là mục tiêu và công tác được duy trì thường xuyên của PPMU tỉnh Lâm Đồng.
Bằng những hình thức truyền thụ nhiệt tình của diễn giả và hoạt động giao tiếp sinh động, thân thiện, những nội dung được đơn giản hóa và dễ hiểu nên quá trình hội thảo đạt được tính hiệu quả cao về tuyên truyền - vận động. Qua khảo sát từ tầng lớp đại biểu chị em phụ nữ, điều dễ nhận thấy là họ đã thực sự nâng cao về nhận thức; đồng thời ý thức được vai trò trách nhiệm của cán bộ, của hội viên phụ nữ trong địa phương và trong gia đình của mình. Với phong tục của văn hóa mẫu hệ, vai trò người nữ trong cộng đồng đồng bào dân tộc Tây Nguyên thực sự đã được phát huy những mặt tích cực. Chính từ họ - tầng lớp phụ nữ, tính lan tỏa về ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng trong cả cộng đồng đã được nâng lên. Ý nghĩa lớn lao là ở chỗ, cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức một cách rõ rệt về việc cần phải làm gì để góp sức hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng tại địa phương, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng, đa dạng sinh học, ứng phó với BĐKH. Cùng đó, hệ quả của việc bảo vệ tài nguyên rừng còn đưa lại ý nghĩa rất thiết thực là cải thiện sinh kế và phát triển rừng bền vững.
Qua những ngày Hội thảo tại 2 địa phương với tổng số 111 đại biểu tham gia, trong đó có 97 phụ nữ, chiếm 87%, các bà, các chị, các cô đã trở thành những nhân tố quan trọng về QL và BVR. Họ đã thực sự là cầu nối hữu hiệu giữa Chương trình UN-REDD Lâm Đồng với hoạt động PRAP để thực hiện các hoạt động REDD+ tại địa phương. Sau Hội thảo, Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hỗ trợ giống cây lâm nghiệp để trồng phân tán như Sao đen, Muồng đen, Sưa với 11.165 cây. Đồng thời, 7.922 giống cây ăn quả như Bơ Sáp ghép, Sầu Riêng ghép, Vú Sữa Lò Rèn ghép cũng được Chương trình hỗ trợ để người dân trồng theo mô hình nông - lâm kết hợp trên diện tích sản xuất nông nghiệp. Từ lý thuyết đến hành động, đó là những bước đi quan trọng vừa đạt cả 2 yếu tố “cần” và “đủ” để góp phần không nhỏ trong việc ổn định cuộc sống cho cộng đồng ở địa phương. Trước khi nhận hỗ trợ cây giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nói trên, đại diện các hộ dân đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm, khai thác tối đa kinh nghiệm của người học đã nhanh chóng giúp họ hiểu và thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật ngay tại hiện trường. Niềm vui phấn khởi của mỗi người dân 2 xã Tu Tra và Tà Năng thực sự biểu cảm trên mỗi khuôn mặt trong “ngày hội” nhận và trồng cây gây rừng.
Trước đó, cũng trong tháng 6, tại địa bàn xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, Ban Quản lý chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng cũng đã bàn giao 3.800 cây giống lâm nghiệp và cây ăn quả cho các hộ dân địa phương này. Tất cả số cây giống đều đã được người dân tiến hành trồng ngay sau khi được nhận theo đúng kế hoạch và đúng kỹ thuật như đã thống nhất giữa Ban Quản lý chương trình UN-REDD tỉnh và Ban thực hiện REDD+ của xã. Với mô hình từ lý thuyết đến thực hành cụ thể, thiết thực, thông qua tầng lớp phụ nữ, những tín hiệu về sự thành công trong thực hiện triển khai Chương trình REDD+ tỉnh Lâm Đồng năm 2016 sẽ thu được nhiều hiệu quả.
MINH ĐẠO