Dạy con trẻ "Sống mạnh mẽ"

08:07, 25/07/2016

Khi đời sống không ngừng phát triển, con trẻ được bảo bọc "kỹ càng", các em đang dần thiếu đi khả năng ứng phó với những nguy hiểm, kém sự chủ động, tự lập trong cuộc sống; đó cũng là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ hiện nay...

Khi đời sống không ngừng phát triển, con trẻ được bảo bọc “kỹ càng”, các em đang dần thiếu đi khả năng ứng phó với những nguy hiểm, kém sự chủ động, tự lập trong cuộc sống; đó cũng là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ hiện nay. “Sống mạnh mẽ” là mô hình giáo dục kỹ năng sống do Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi (Tỉnh Đoàn Lâm Đồng) tổ chức đã mang đến cho con trẻ một sân chơi lành mạnh “chơi mà học” trong mùa hè này.
 
Mong bạn nghèo học tốt để thay đổi cuộc sống, xây dựng buôn làng thoát khỏi đói nghèo
Mong bạn nghèo học tốt để thay đổi cuộc sống, xây dựng buôn làng thoát khỏi đói nghèo
Ngôi nhà chung gắn kết tình bạn
 
Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Lâm Đồng thường ngày vốn rất vắng; đến một ngày hè, gần 100 bạn nhỏ từ khắp các huyện, thành trong tỉnh tụ họp về đây cùng ăn cùng ở trong ngôi nhà chung. 
 
Sự chan hòa trong một tập thể rộng lớn dưới sự dẫn dắt anh chị điều phối viên mẫu mực khiến các em được sống trong một tập thể với tình bạn, tình người. Nếu như ở nhà, nhiều bạn nhỏ đóng cửa trong phòng riêng xem tivi, cả mùa hè là những câu chuyện trong các anime (phim hoạt hình) và trong manga (truyện tranh), game điện tử; thì không khí tại đây hoàn toàn khác biệt. Hào hứng, nhiệt tình, sôi nổi, ngôi nhà chung gắn kết các em qua các trò chơi, việc làm tập thể. Nhiều em hiểu ra con người sinh ra và lớn lên không ai chỉ có một mình, việc biết cách hòa đồng, biết cách làm việc theo nhóm, tạo sức mạnh tập thể để tạo kết quả tốt nhất trong học tập, trong mọi công việc lớn nhỏ là rất quan trọng. Mỗi phòng ở chỉ có 4 bạn, các em nhanh chóng tự thích ứng với hoàn cảnh mới, kết thân với nhiều bạn có chung sở thích trong khu nhà chung. 
 
Những bài học không đơn giản chỉ là tự chăm sóc mình, tự giặt quần áo, gấp chăn màn mà cả là những kỹ năng ứng phó với nguy hiểm, tự bảo vệ bản thân khi cha mẹ không ở bên cạnh. Các anh là đoàn viên, thanh niên là cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã đem đến cho các em những bài học đáng nhớ khi gặp cháy trong ngôi nhà thì không chen lấn, xô đẩy mà phải bò sát đất, lần theo tường tìm cửa thoát ra ngoài - đó là hành động tốt nhất để cùng cứu mình cứu người. Những kỹ năng khi đi lạc, để không chỉ giúp mình mà lỡ gặp các em bé nhỏ hơn, các bạn nhỏ cùng tuổi cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau tìm về nhà; kỹ năng phòng chống bắt cóc, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những tai nạn, những nguy hiểm rình rập (với trẻ em gái); giữ an toàn cho mình khi tham gia giao thông đường bộ (đội nón bảo hiểm) và đường thủy (mặc áo phao). Trong đó, bạo lực học đường là một nguy cơ mà các em cần phải học cách kiềm chế cảm xúc. Các em đã được các anh chị Đoàn Thanh niên Công an tỉnh - những người từng trực tiếp điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm là bạn vị thành niên kể cho những câu chuyện lòng về từ những xích mích nhỏ không được giải tỏa đã dẫn đến con đường phạm tội, khi trẻ vị thành niên “trong cuộc” quá coi trọng “cái tôi”, sĩ diện cá nhân không tự kiềm chế cơn giận đã để lại những hậu quả lớn, những bài học đắt giá.
 
Không chỉ diễn ra ở những dãy nhà tại Trung tâm và những bài thực hành kỹ năng ở khoảng sân xi măng rộng, mà “Sống mạnh mẽ” còn đưa các em đến cuộc sống rộng lớn bên ngoài để các em được có môi trường để học cách chia sẻ, yêu thương.
 
Trải nghiệm cuộc sống trong mưa
 
Một ngày mưa, con đường vào Đưng K’Nớ như đi vào rừng thẳm, khói sương mịt mù, rừng thông ngút ngàn, đồi dốc quanh co. Ngồi cạnh chúng tôi, em Phạm Thu Trang (11 tuổi - P 7 - Đà Lạt) đưa mắt ra xa như muốn thu hết những rừng cây, đồi dốc vào tầm mắt. Xe dừng trên đỉnh Cổng Trời - nơi có nhà bia tưởng niệm 9 liệt sĩ là y, bác sĩ đã hy sinh tại đây vào ngày 21/8/1980 trong một chuyến băng rừng về với đồng bào Đầm Ròn còn thiếu cơm lạt muối, để chống lại dịch sốt rét. Trong những năm tháng núi rừng còn hoang vu, đường đi lại khó khăn, không phải là con đường nhựa trải dài đến với buôn xa như ngày hôm nay; câu chuyện về 9 chiến sĩ áo trắng của ngành y bị FULRO bất ngờ phục kích đã được kể lên, các em càng thấy rõ, đất nước không còn chiến tranh, nhưng vẫn có những lương y ngã xuống vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Xúc động và tự hào, đọc dòng chữ ghi trên bia tưởng niệm với những y, bác sĩ hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, em Nguyễn Bảo Ngọc tâm sự: Em mơ ước trở thành bác sĩ, đến nơi này khiến em càng quyết tâm sẽ học tập tốt để theo ngành y... 
 
Đưng K’Nớ hiện ra trong mịt mùng mưa giăng trắng trời. Mỗi em một chiếc áo mưa, tay ôm sách, vở và cả những vật lưu niệm nhỏ tự làm, theo chân anh Touh Vinh (Bí thư Đoàn xã Đưng K’Nớ) đi bộ đến tận nhà 20 bạn nghèo. Con đường đến buôn gập ghềnh, đồi dốc quanh co, những ngôi nhà gỗ của những đứa trẻ K’Ho thiếu thốn khi thì nép mình bên sườn đồi dưới thung sâu, lúc lại ở lưng chừng dốc. Những gói quà được trao đến tay bạn trong rưng rưng chia sẻ; thấy các bạn vui qua nụ cười, ánh mắt khi nhận những dụng cụ học tập cho năm học mới đang đến; ai cũng chộn rộn niềm vui... Được tận mắt thấy cuộc sống khó khăn của các bạn nhỏ ở vùng sâu, hoàn cảnh của các bạn khiến người nghe không khỏi thương cảm: Ha Mắc mới học lớp 5 bố mẹ bỏ đi phải ở với ông bà, Ha Lương (lớp 3) mồ côi mẹ, nhà nghèo, K’Néo (lớp 5) - mồ côi cha, mẹ bỏ đi... Đi kèm với quà tặng là những lời động viên của những đứa trẻ với nhau “mong bạn cố gắng học giỏi để vươn lên có cuộc sống tốt đẹp, đưa buôn làng thoát khỏi đói nghèo” - làm người lớn không khỏi xúc động.
 
Trách nhiệm “Vì đàn em thân yêu”
 
Lần đầu tiên tổ chức mô hình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em “Sống mạnh mẽ”, Ban Giám đốc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Lâm Đồng đã dành rất nhiều tâm huyết, “dồn lực”, huy động cả cán bộ Đoàn cùng lực lượng điều phối viên tham gia hướng dẫn, dìu dắt các em qua từng bài học. Anh Lê Văn Quyền - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ là trách nhiệm của cả gia đình và xã hội. Chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để biến Trung tâm thành một nơi thực sự là điểm đến cho tất cả thanh thiếu nhi như đúng với tên gọi của chương trình. 7 ngày cho một sân chơi “vui mà học” là không dài, nhưng cũng đủ để các em giật mình nhận ra nhiều thứ chân giá trị, để từ đó cảm thấy mình phải có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội, sống mạnh mẽ, thay đổi cách sống, cách nghĩ, quan tâm, sẻ chia, yêu thương người xung quanh, đó là những gì mà chúng tôi mong muốn”. 
 
Với tâm huyết dành cho “đàn em thân yêu”, chương trình “Sống mạnh mẽ” thực sự tạo dấu ấn, để lại kỷ niệm đẹp cho tất cả thiếu nhi tham gia và sự tin cậy cho các bậc phụ huynh. Giờ phút chia tay “ngôi nhà chung”, rất nhiều phụ huynh đã tập trung tại Trung tâm từ chiều tối, mong muốn nhìn thấy con của mình sau một tuần không gặp. Những cái vẫy tay, những ánh mắt thể hiện sự trưởng thành; chia tay bạn bè với bao bịn rịn lưu luyến, trở về với gia đình mang theo những kỷ niệm mùa hè đẹp không thể quên.
 
QUỲNH UYỂN