Chuyện về 5 thành viên Ban Giám đốc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai - những người được người dân gọi trìu mến là thần rừng.
Cách đây nhiều năm, tôi đã được nghe về những vị “thần rừng” này khi tham gia một hội thảo khoa học ở rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Và gần đây, khi có dịp về công tác tại Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới Đồng Nai, tôi có duyên may khi gặp những vị “thần rừng” ấy.
|
Anh Hảo và phút bình yên ở rừng |
Có một quê hương thứ hai ở rừng
Cơn mưa tháng 6 vồn vã gội mát cánh rừng phương Nam. Mưa tạnh, những cơn gió nhẹ nhàng, mát mẻ ôm phủ lấy rừng. Một buổi giao lưu văn nghệ diễn ra giữa đoàn nhà văn các tỉnh phía Nam với các cán bộ, nhân viên công tác ở rừng. Buổi giao lưu ấy có nhiều bài hát về tình yêu rừng khiến không khí ở rừng thêm ấm cúng. Một chốc, buổi giao lưu chuyển “gu” sang những bài hát trữ tình về các vùng quê khác nhau. Bên cạnh Đồng Nai là xứ Nghệ, Tháp Mười... Hỏi ra mới biết, đa phần anh em cán bộ công nhân viên đến đây, trước khi thành người Đồng Nai đều mang những gốc gác khác nhau từ nhiều vùng miền.
KSQ trải rộng khắp 5 tỉnh cùng quản lý: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đăk Nông. Diện tích đa phần nằm ở tỉnh Đồng Nai nên được thống nhất gọi tên là KDTSQ Đồng Nai. Đây là diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng của miền Nam Việt Nam còn sót lại với nhiều loài động vật quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng như voi châu Á, tê tê Java,... cách đây vài năm còn có cả tê giác sinh sống. Khu sinh quyển này được các tổ chức quốc tế công nhận là nơi có mức độ đa dạng sinh học nổi bật có ý nghĩa toàn cầu.
Tôi có duyên được gặp 5 thành viên Ban giám đốc Ban quản lý (BQL) KDTSQ này - những người được nhiều người dân gọi trìu mến là “thần rừng”. Anh Tô Bá Thanh, Phó Giám đốc (PGĐ) phụ trách phát triển rừng Đồng Nai là người có mặt ở đây từ những năm 80. Ở anh Thanh dễ dàng nhận ra tố chất người xứ Nghệ với làn da chắc khỏe, rám nắng, lông mày rậm quắc thước và giọng nói “chuẩn Nghệ”. Anh Thanh kể, hơn 30 năm ở rừng Đồng Nai nhưng hầu như không riêng gì anh Thanh, người Nghệ nào ở đây cũng đều giữ cốt cách, tính nết mình như ở quê. Người Nghệ ở rừng Đồng Nai nhiều đến mức, có thể coi như đây là vùng quê thứ hai của mình.
Chú Trần Văn Mùi, Giám đốc BQL, quê gốc Quảng Trị, là người khiến mọi người nhắc tới “mấy ông thần rừng” trong hội thảo về đập thủy điện năm nào ở Nam Cát Tiên mà tôi từng nghe. Trong mọi hội thảo về đập thủy điện, chú Mùi luôn là người quyết liệt lên tiếng bảo vệ rừng, nói không với thủy điện hại rừng, dù đưa lại những lợi ích kinh tế trước mắt hấp dẫn. Anh Nguyễn Hoàng Hảo, PGĐ BQL bén duyên với rừng Đồng Nai vào những năm 90. Ban đầu lập nghiệp ở rừng Nam Cát Tiên (thuộc KDTSQ Đồng Nai), là cán bộ nghiên cứu khoa học, về sau mới về BQL. Anh Hảo còn là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm BQL KDTSQ Đồng Nai. Ở anh Hảo, người đối diện ấn tượng với một gương mặt hiền lành, chất giọng hoạt bát và những câu chuyện ân tình sâu đậm về rừng.
Khác với anh Thanh có những lựa chọn ban đầu theo ngành Lâm nghiệp, anh Hảo chia sẻ, ước mơ của anh là làm bác sĩ. Thi Y không đậu, đậu Lâm nghiệp. Ban đầu là đành học vì “lỡ đậu”, nhưng càng gắn bó, càng hiểu rừng, càng gắn bó với vùng đất như miền quê thứ hai này, anh thấy mình đi đúng nghiệp. Anh kể vui, nhiều người vào KDTSQ Đồng Nai, đến thăm Chiến khu Đ (nơi được ví có ý nghĩa với Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ như Chiến khu Việt Bắc với Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp) đều rất thắc mắc vì “đi mô cũng nghe giọng Nghệ”. Từ các anh em trong BQLKDTSQ, đến các anh em trong các hạt kiểm lâm, cả cô thuyết minh ở Chiến khu Đ cũng một giọng nằng nặng đầy ân tình xứ Nghệ. Hỏi nguyên nhân, anh Hảo, anh Thanh cùng cười: “Người miền Trung, không ngại khó, ngại khổ, chỉ cần sống có nghĩa có tình là có thể trụ lại theo thời gian. So với các vùng khác, đây là “chất” nổi trội của dân miền Trung. Đó là lí do vì sao qua nhiều năm, người miền Trung lại gắn bó với nơi này nhiều hơn người dân các vùng miền khác”.
|
Giữ rừng |
Tri kỷ cùng rừng
Bất cứ người đối diện nào cũng dễ dàng nhận ra tình yêu rừng như tri kỉ trong các anh, các chú đã hàng chục năm “bám rừng” nơi đây. Anh Thanh kể với tôi, tình yêu ấy bắt đầu từ lâu, khi dạo bé anh lớn lên ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, nhìn trập trùng xa xa là những đồi núi mấp mô. Khi xã hội ngày càng phát triển, diện tích rừng càng bị thu hẹp, những người chọn ngành lâm nghiệp lập nghiệp như anh rất buồn. Tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp, anh nhận phân công công tác về rừng Đồng Nai, như một cái duyên, khi cánh rừng quê anh đang ngày càng mất đi đầy xót xa. Phát triển rừng ở trên dải đất Việt Nam này, nơi nào chẳng ý nghĩa?
Tôi cũng như nhiều người khi trò chuyện với các anh đều bị ám ảnh không nguôi về câu chuyện con cò anh Hảo kể cho nghe. Con cò mẹ ấp 3 quả trứng. Ấp mãi cho đến ngày kia, những quả trứng bắt đầu có dấu hiệu nứt vỏ chui ra, cò mẹ mới yên tâm rời tổ kiếm ăn. Khi cò mẹ lên rừng, nó gặp một con gì đó có 4 chân tròn vo, từ con gì đó bước xuống một con gì đó hai chân. Con hai chân cầm một cành cây rất lạ. Con cò ngạc nhiên tới mức ngơ ngác nhìn. Bỗng “đoành”, cành cây lóe sáng, nó bị gãy cánh, máu chảy loang. Nó không biết gì về thế giới loài người và sự hiểm nguy từ thế giới ấy có thể gây hại cho mình. Nó cũng không giận dữ mà nghĩ ngay tới đàn con đang nứt vỏ chui ra. Con cò chỉ muốn nhìn mặt con mình. Nó ráng lết về tổ, người thợ săn ráng đuổi theo để bắn vì muốn chứng tỏ tài thiện xạ của mình. Gã bắn phát tiếp theo, con cò vẫn cố lết đi. Tới phát thứ ba, gã hạ gục được con cò, hạ đổ luôn tổ cò có ba con chim non mới nở và bị chết bởi tiếng súng ác nghiệt của gã. Người thợ săn trở về, chôn chim trong khu vườn yêu quý của mình, vứt súng lên trời.
Đó là một câu chuyện mà anh Hảo là người nghe kể. Trong quá trình gắn bó với rừng, anh gặp nhiều chuyện mà mình là người trong cuộc, không ít lần rưng rưng nước mắt.
Một lần tác nghiệp, anh bắt gặp một con voi mẹ bị bắn chết trên cánh đồng cỏ khô hạn. Bên cạnh voi mẹ, voi con cũng đã chết, ắt hẳn vì đói, trong tư thế rúc đầu vào bầu vú mẹ. Có lẽ voi mẹ đã bị bắn ở một khu vực nào khác nhưng vẫn cố quay về “nhà” - nơi có đứa con bé bỏng của mình. Để gặp con lần cuối? Hoặc có khi đơn giản chỉ để thêm cho con một cữ sữa cuối cùng... Nhìn mặt hai con voi hiền lành đáng thương tới mức, những người kiểm lâm chứng kiến phải cúi mặt giấu nước mắt.
Nỗi đau thắt ruột trước muôn loài không bằng nỗi đau khi phải chứng kiến đồng nghiệp bị lâm tặc bắn nát vai, nát chân khi đang làm nhiệm vụ. Trong những giây phút mà sống chết chỉ cách nhau vài tích tắc ấy, người kiểm lâm nào chẳng hoang mang? Nhưng, ân tình với rừng đã lỡ gắn sâu đậm quá vào đời mình, hoang mang rồi cũng qua, dễ gì bỏ nghề? - anh Hảo chia sẻ.
Chú Mùi, anh Hảo, anh Tâm... cũng là một trong những người hiểu rừng nổi tiếng. Anh Hảo vừa bảo vệ đề tài Tiến sĩ vào tháng 4/2016. Những đề tài, bài viết khoa học của anh đều gắn bó thiết thực về động, thực vật rừng. Để có sự hiểu biết về đại ngàn hoàn toàn không đơn giản. Xuất phát từ nhiều lần bị người dân, thậm chí cả vài người bạn trêu đùa khi anh mới vào miền Nam. Họ nói về những loại cây đặc trưng chỉ ở rừng miền Nam, hoặc chỉ gọi tên cây cỏ bằng từ địa phương khiến anh có cảm giác tự ái khi thấy mình mù mờ thiếu kiến thức. Lớn lên ở xứ Nghệ, học Đại học Lâm nghiệp ở Hà Nội, dĩ nhiên việc chưa hiểu thấu đáo về tên gọi, đặc tính vài loài cây là điều bình thường. Anh không chấp nhận điều bình thường ấy, chấp nhận ăn khổ, ngủ cực, thậm chí có lúc quên cả cảm giác đói khát chỉ để ở lì trong rừng, tìm hiểu về muôn loài, ban đầu có phần để thỏa mãn sự tự ái của mình. Và về sau, khi càng hiểu, anh càng yêu rừng như tri kỷ.
Đã nhiều người chung tay với rừng
Khác với nhiều KDTSQ khác, KDTSQ Đồng Nai là sự kết hợp nhiều giá trị, đủ thỏa mãn cho những ai yêu rừng, tìm đến với rừng. Ở đây có đa dạng thực - động vật, có cảnh quan đẹp, có những giá trị lịch sử trường tồn theo thời gian. Rừng ở KDTSQ Đồng Nai cũng là nơi chốn bị các lâm tặc dòm ngó. Đó là những tiềm năng kề bên những mối đe dọa rình rập khiến rừng không bình yên.
PGĐ BQLKDTSQ Đồng Nai - anh Minh Tâm kể, người ở rừng vui lắm khi có nhiều du khách đến với rừng, chỉ im lặng đứng giữa đại ngàn, ngước mặt nhìn mây và dứt khoát đòi gặp BQL để đề nghị đưa tiền để dành của mình ra mua cây góp chút sắc xanh cho rừng. Hoặc có những người mua tới hàng chục ngàn con cá giống đến lòng hồ Trị An (trong KDTSQ) để thả. Hoặc có khi đơn giản hơn, các anh chỉ cần được nhìn thấy vẻ mặt tươi vui, thanh thản của những bạn trẻ, những bé nhỏ đến với rừng, chỉ để lại những dấu chân và mang về thật nhiều kỷ niệm yêu thương... Những người dân sống trong rừng Đồng Nai cũng ngày càng có ý thức cao hơn khi cánh rừng ngày càng được bảo vệ, phát triển. Họ không ngại hiểm nguy, không hề bàng quan trước những hiểm nguy rình rập ở cánh rừng mà sẵn sàng chia sẻ với các cán bộ, nhân viên kiểm lâm, BQL khi nhận thấy những dấu hiệu khai thác rừng, săn bắt động vật rừng trái phép.
Tôi nhớ mãi câu nói của anh Thanh: Khi mình gắn bó với mảnh đất nào, mình cống hiến hết mình vì mảnh đất ấy, sống tốt với những người anh em, bè bạn xung quanh, thì nơi ấy sẽ là quê hương. Qua thời gian, tình cảm ấy ngày càng lớn, như cánh rừng ngày càng lên xanh theo năm tháng.
Trước khi theo đoàn, tạm biệt rừng và những ông “thần rừng” đầy ngưỡng mộ, anh Tâm khoe với tôi, tương lai, giữa cánh rừng này sẽ có những con đường thật đẹp không tiếng động cơ, để con người có thể thực sự hòa mình giữa cây và chim thú. Còn gần hơn, lần sau mọi người tới, sẽ có những con đường đẹp hơn nơi đây. BQLđang đào những hồ rộng để thả sen. Sắc sen hồng sẽ bừng sáng và dâng hương giữa đại ngàn...
Ghi chép: Võ Thu Hương