Giáo dục và đào tạo, dạy nghề vùng Tây Nguyên cần tiếp tục khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng

08:07, 07/07/2016

5 năm qua, các địa phương và cơ sở giáo dục vùng Tây Nguyên đã chủ động, sáng tạo và có nhiều giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Về cơ bản, Tây Nguyên hoàn thành những chỉ tiêu chính đề ra; góp phần tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

5 năm qua, các địa phương và cơ sở giáo dục vùng Tây Nguyên đã chủ động, sáng tạo và có nhiều giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Về cơ bản, Tây Nguyên hoàn thành những chỉ tiêu chính đề ra; góp phần tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Biểu hiện: Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường đạt 79,89%. Tỷ lệ huy động học sinh (HS) tiểu học trong độ tuổi đến trường 98,13%. 100% số huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đều có trường PTDTNT. Tất cả trẻ em DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tỷ lệ huy động HS tốt nghiệp THCS/THPT vào học trung cấp chuyên nghiệp đạt khoảng 17%. Tỷ lệ sinh viên/vạn dân ước thực hiện năm 2015 khoảng 230 em.
 
Do có sự quan tâm đầu tư về phát triển giáo dục và đào tạo, trong toàn vùng Tây Nguyên mạng lưới trường lớp, quy mô và chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp học được củng cố, phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc. Từ 2011 - 2015, tăng 74 trường mầm non, 44 trường tiểu học, 20 trường THCS, 15 trường THPT, 4 trường PTDTNT, hơn 40 trường PTDTBT, 1 trường đại học tư thục. Quy mô giáo dục mầm non, phổ thông hằng năm tăng. Đội ngũ cán bộ giáo dục tăng về số lượng và chất lượng, đã khắc phục dần tình trạng bất hợp lý về cơ cấu, cơ bản đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục và phát triển các cấp học… Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được mở rộng. Toàn vùng xây dựng 125 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ dân lập, tư thục, thu hút 42.306 trẻ; có 11 trường tiểu học ngoài công lập và 7 trường THPT thu hút 7.365 HS. 
 
Trên lĩnh vực đào tạo nghề, mạng lưới dạy nghề tiếp tục phát triển về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Hiện có 108 cơ sở dạy nghề: 6 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 90 trung tâm dạy nghề, trên 85% đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề. Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh với 65 cơ sở ngoài công lập. Quy mô tuyển sinh giai đoạn 2011 - 2015 đạt 427.921 người (trung bình mỗi năm 85.584 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn vùng tăng từ 26,5% năm 2010 lên 33,5% năm 2015. Đội ngũ cán bộ dạy nghề không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng.
 
Tuy đạt một số kết quả quan trọng nhưng công tác giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề của các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là: Một số mục tiêu về giáo dục đại học chưa đạt. Tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi vào mầm non đạt khoảng 8% (chỉ tiêu 12-15%). Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi chưa hoàn thành vào năm 2015. Tỷ lệ huy động HS trong độ tuổi đến trường ở cấp THCS và THPT đạt thấp: THCS đạt 81,58% (chỉ tiêu 87-90%), THPT đạt 50,05% (chỉ tiêu 60%). Đối với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, không thực hiện được chỉ tiêu tăng 5-7 trường. Giáo dục đại học mới thành lập 1 trường (chỉ tiêu 2 trường). Giáo dục thường xuyên không đạt chỉ tiêu 100% đơn vị cấp huyện đều có trung tâm giáo dục thường xuyên (mới đạt 86,9%). Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 mới đạt 94,7% (chỉ tiêu 96%)… Về cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị dạy học nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia thấp. Các cơ sở giáo dục đại học nhìn chung quy mô nhỏ, chưa khẳng định được thương hiệu trong đào tạo. Việc thực hiện một số chính sách đặc thù như cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ chưa tốt; chất lượng đào tạo thấp, chưa gắn với quy hoạch về đào tạo nhân lực, nhiều học sinh tốt nghiệp chưa tìm được việc làm… Vấn đề hạn chế nữa là mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đào tạo chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động.
 
LAN HỒ