Giữ gìn tinh hoa võ thuật Việt

09:07, 05/07/2016

Với mong muốn không để những tinh hoa của môn võ thuần Việt bị thất truyền, võ sư Trần Quý đã lập nên võ đường Hồng Thái, truyền dạy miễn phí cho các võ sinh. 

Là một người con của vùng đất võ Bình Định, võ sư Trần Quý (sinh năm 1959) đã gắn bó với võ cổ truyền từ nhỏ. Với mong muốn không để những tinh hoa của môn võ thuần Việt bị thất truyền, ông lập nên võ đường Hồng Thái, truyền dạy miễn phí cho các võ sinh. Với 15 năm duy trì môn phái, đã có hơn 100 võ sinh tham gia theo học môn võ này, tiếp tục kế thừa và giữ gìn những tinh hoa của võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định,...
 
Học võ không chỉ để rèn luyện thể lực mà còn rèn luyện nhân, trí, nghĩa
Học võ không chỉ để rèn luyện thể lực mà còn rèn luyện nhân, trí, nghĩa

Võ sư Trần Quý tâm sự, mặc dù ông sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, nhưng những tính cách và nét hồn hậu của một người con Bình Định vẫn được định hình rất rõ nét trong con người ông. Vốn quê gốc ở xã An Thái, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cha mẹ ông rời quê, chọn phố núi làm quê hương thứ hai như một mối duyên. Trong hành trang mang theo đến vùng đất mới, cha ông không quên mang cả môn võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định. Dù có xa quê, nhưng môn võ cổ truyền ấy vẫn được giữ gìn qua bao thế hệ, từ ông nội, cha, con và bây giờ là võ đường Hồng Thái. 
 
Được tiếp xúc với võ từ năm 9 tuổi, võ sư Trần Quý nhanh chóng nắm được những thế võ cơ bản của môn võ dân tộc và say mê, theo đuổi luôn từ đó. Lớn lên, ông trở thành một người lính đặc công. 5 năm hoạt động trinh sát tại tiểu đoàn đặc công 200C giúp ông được rèn luyện thêm nhiều thế võ cần có của một người lính. Vậy là, ý tưởng kết hợp những nét tinh hoa trong võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định với những thế võ mới được hình thành trong đầu của người võ sư này. Theo ông Trần Quý, người dân Bình Định trước đây đều biết võ để tự vệ. Họ truyền cho nhau trong thôn, xóm, bản, làng. Với người thân thì cha truyền cho con, anh truyền cho em... Nhờ đó, những bài võ từ thời xa xưa vẫn được lưu truyền. Một đặc điểm nữa là người Bình Định vốn ưa học võ, đã học thầy, học bạn, rồi dung hòa cải tiến dần, hình thành nên những môn võ gia truyền. 
 
Với niềm say mê với võ cổ truyền, võ sư Trần Quý luôn trăn trở trước nguy cơ những tinh hoa của môn võ thuần Việt này sẽ dần trở nên mai một và biến mất. Thấy được tâm sự này của người anh, người chú,... một vài người quen của võ sư Trần Quý tìm đến ông với mong muốn được ông truyền đạt lại những thế võ cơ bản. Vậy là từ năm 2000, võ đường Hồng Thái ra đời trong khoảng sân nhỏ trong chính ngôi nhà của ông, với mục đích lựa chọn những võ sinh có tâm huyết, yêu mến võ thuật, muốn tìm hiểu tinh hoa võ thuật và góp phần giữ gìn môn võ Tây Sơn - Bình Định. Cho đến nay, võ đường đã truyền dạy cho hơn 100 võ sinh ở cấp đệ tam, đệ nhị, trong đó đã có rất nhiều người làm công tác hình sự, trọng án theo học. Điều đặc biệt của võ đường này là hoàn toàn miễn phí, bởi theo võ sư Trần Quý, thấy được niềm đam mê của giới trẻ đối với môn võ cổ truyền đã là điều khiến ông hạnh phúc, và thấy được học trò của mình học võ để có sức khỏe phụng sự cho cộng đồng đã là sự đền đáp ý nghĩa nhất dành cho ông.
 
Võ sư Trần Quý cho biết, không phải ai muốn học cũng có thể học được môn võ này. Người đến xin học phải được thầy xem có tướng pháp học võ, có tâm, có đức mới được nhận vào lớp. Bởi, ông vẫn giữ quan niệm và phương pháp truyền dạy võ đạo xưa: Giỏi võ trước hết là để giữ mình, để làm người trượng phu, không làm kẻ giặc bạo tàn. Do đó mà nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là những quy pháp trong võ thuật được võ sư Trần Quý chú trọng rèn luyện cho võ sinh của mình ngay từ trong giai đoạn thử thách ban đầu, với 3 tâm niệm chính không thay đổi là: Kính tổ - Trọng thầy - Mến bạn.
 
Với những võ sinh tham gia vào võ đường, ngoài sự rèn luyện về thể lực với những bài tập khí công hay các bài quyền đặc trưng, điều lớn hơn mà họ học được chính là sự kiên nhẫn, điềm tĩnh của một người học võ. Anh Phạm Chương Đạt (sinh năm 1997), tâm sự: “Võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định là một niềm tự hào của võ Việt Nam, mình may mắn khi được theo học môn võ này từ thầy Quý. Chủ yếu tập trung vào phòng thủ, trả đòn bằng cách tấn công vào các huyệt đạo nên môn võ này khá nguy hiểm. Chính vì vậy mà mình còn được rèn luyện thêm sự điềm tĩnh, không chỉ trong võ thuật mà còn trong nhiều trường hợp của cuộc sống”.
 
VIỆT QUỲNH