Với vai trò là người uy tín trong vùng đồng bào DTTS, những năm qua, ông K'Đeo, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn B'Đơr, xã Lộc An (Bảo Lâm) đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, làm đầu tàu gương mẫu trong việc phát triển kinh tế gia đình;
|
Ông K’Đeo - một trong những người uy tín của huyện Bảo Lâm |
Với vai trò là người uy tín trong vùng đồng bào DTTS, những năm qua, ông K’Đeo, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn B’Đơr, xã Lộc An (Bảo Lâm) đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, làm đầu tàu gương mẫu trong việc phát triển kinh tế gia đình; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, thôn buôn ngày thêm khởi sắc.
Trước năm 1975, cũng như bao bà con đồng bào DTTS trên địa bàn, kinh tế của gia đình ông K’Đeo chủ yếu phụ thuộc vào lúa rẫy, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách, như chính sách định canh - định cư... Nhờ đó, ông bắt đầu chuyển sang trồng cây chè kết hợp với cây dâu tằm để lấy ngắn nuôi dài và trồng cây cà phê.
Với hơn 1,7 ha đất sản xuất (trong đó, có 1 ha cà phê và còn lại là diện tích đất trồng chè xen cà phê), những năm qua, gia đình đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Chuyển đổi sang giống chè, cà phê mới cho năng suất cao hơn.Nhờ thực hiện khá bài bản các khâu đầu tư thâm canh..., nên năng suất chè, cà phê đã từng bước cho năng suất ổn định. Hàng năm, bình quân gia đình ông K’Đeo thu được 5 tấn cà phê nhân và khoảng 13 tấn chè búp tươi. “Với vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận của thôn, mình phải năng động và phải làm gương về mọi mặt, như phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, dòng họ hòa thuận..., chấp hành chủ trương, chính sách, các hương ước về thôn văn hóa và nông thôn mới. Từ thực tế đó, khi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện thì bà con sẽ tin tưởng và nghe theo” - ông K’Đeo nói.
Những năm qua, nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... được nâng lên. Bà con luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong việc phát triển kinh tế gia đình, chăm lo con cái được học hành và xây dựng thôn buôn. Đời sống của người dân trong thôn ngày càng phát triển và đã xuất hiện nhiều hộ có đời sống khá giả.
Tuy nhiên, điều mà ông K’Đeo luôn trăn trở nhất hiện nay là số hộ nghèo và cận nghèo ở thôn B’Đơr vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (còn khoảng 50 hộ). Thời gian qua, bản thân ông và các cán bộ thôn cũng đã đến gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con... để tìm hướng thoát nghèo. Theo ông K’Đeo: Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nghèo và cận nghèo ở thôn B’Đơr là do bà con còn thiếu đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn và thiếu kiến thức về sản xuất... Vì khó khăn, nên nhiều hộ chủ yếu đi làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống gia đình và có điều kiện chăm lo cho con cái được học hành. Trước thực trạng này, thời gian qua ông đã kiến nghị lên các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần có những chính sách thích hợp và có những giải pháp cụ thể, thiết thực để giúp cho những hộ nghèo và cận nghèo sớm vươn lên thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.
Già làng K’Séo cho biết: “Ông K’Đeo luôn nhiệt tình và trách nhiệm cao với công việc gia đình và thôn buôn. Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Tích cực vận động các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên; hướng dẫn họ cách làm ăn, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ông thường xuyên kết hợp với già làng, Ban nhân dân thôn tuyên truyền, nhắc nhở con em không được bỏ học; bà con trong buôn hạn chế rượu chè để tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống”.
NDONG BRỪM - TÚ NHI