Trong 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện Lục quân đã vinh dự được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội về thăm. Đặc biệt, Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã 4 lần về thăm và làm việc với Học viện.
Trong 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện Lục quân đã vinh dự được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội về thăm. Đặc biệt, Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã 4 lần về thăm và làm việc với Học viện. Đây không chỉ là vinh dự, tự hào mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao cho các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, giảng viên, học viên, QNCN, CNVQP và HSQ - BS của Học viện.
|
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong một lần đến thăm Học viện |
Chấp hành chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tổ chức lớp Huấn luyện Bổ túc quân sự “... nhằm bồi dưỡng kiến thức quân sự, trình độ tổ chức chỉ huy để có khả năng chỉ huy chiến đấu nếu quân Pháp phản bội Hiệp định Sơ bộ (ngày 6 tháng 3 năm 1946). Đồng thời, trang bị kiến thức ban đầu, làm cho số cán bộ này có đủ khả năng chỉ huy, lãnh đạo được số cán bộ mới đào tạo ở Trường võ bị Trần Quốc Tuấn ra”, ngày 7 tháng 7 năm 1946, tại Tông (Sơn Tây) lớp Huấn luyện bổ túc quân sự đầu tiên của Quân đội ta khai giảng. Và chính ngày 7 tháng 7 đã được Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định, công nhận là ngày truyền thống của Học viện Lục quân Anh hùng.
Ngày 30 tháng 8 năm 1946, sau gần hai tháng học tập, lớp huấn luyện bổ túc quân sự thứ nhất bế giảng. Phát huy kết quả đã đạt được, trước yêu cầu nhiệm vụ, Tổng Quân ủy quyết định khẩn trương chuẩn bị để mở lớp thứ hai.
Ngày 30 tháng 9 năm 1946, lớp huấn luyện Bổ túc quân sự thứ hai khai giảng. Điều vinh dự lớn đối với lớp học này là được Bác Hồ đến thăm. Vào một buổi sáng đẹp trời cuối tháng 10 năm 1946, cả lớp học đang tập trung ở hội trường thì được tin Bác Hồ đến thăm. Bác đi từ phía cơ quan Bộ Tư lệnh chiến khu II sang lớp học. Cán bộ, giáo viên và học viên chạy ùa ra đón Bác. Ai cũng muốn được đến gần Bác và được ngắm nhìn Bác rõ hơn. Cả lớp học chăm chú lắng nghe Bác nói chuyện. Bác ân cần thăm hỏi việc học tập, ăn, ở của cán bộ, giáo viên, học viên. Bác căn dặn: “Đất nước ta độc lập rồi, nhưng tình hình đang căng lắm. Nhiều kẻ thù ở phía Bắc và phía Nam đang quấy rầy ta. Ta phải ráo riết chuẩn bị mọi mặt để khi quân địch tấn công xâm lược cả nước thì ta cũng phải đánh thắng. Cho nên ai cũng phải làm việc hết sức mình trong dạy, học và công tác để lớp học đạt kết quả tốt. Bác khuyên mọi người phải có tinh thần chịu đựng gian khổ để làm tròn nhiệm vụ”. Thấm nhuần lời Bác dạy, lớp Bổ túc quân sự đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của khóa học.
Chấp hành Nghị quyết số 90/BCH của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia, do đồng chí Võ Nguyên Giáp ký, ngày 2 tháng 8 năm 1947, tại xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), lớp Bổ túc quân sự trung cấp khóa 1 khai giảng. So với hai lớp trước, lớp học này được tổ chức khi cả nước đã có chiến tranh, phải học nhờ ở nhà dân, thiếu thốn mọi mặt. Nội dung huấn luyện phong phú và cao hơn. Những kinh nghiệm rút ra từ 6 tháng đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tổ chức chỉ huy chiến đấu, quản lý bộ đội và những vấn đề lớn của cuộc chiến tranh... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm lớp học. Người đến lúc gần tối, sau khi nghe Ban Giám hiệu báo cáo tình hình giảng dạy, học tập, Bác nói chuyện với lớp học. Bác dặn dò mọi người phải cố gắng học tập, công tác, làm tốt nhiệm vụ được phân công. Bác nhắc nhở vấn đề đoàn kết trong lớp vì Người nghe báo cáo có hiện tượng thiếu đoàn kết giữa một số học viên người Kinh và một số học viên dân tộc ít người. Bác dạy: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công... Thời gian là quý. Dùng binh thắng bại nhiều lúc quyết định trong năm, mười phút. Vậy các đồng chí phải làm sao cho những mệnh lệnh ở trên xuống được nhanh chóng và thi hành chu đáo”. Nghe theo lời Bác, lớp học đã có nhiều chuyển biến tiến bộ và giành được kết quả tốt trong học tập, rèn luyện.
Cuối tháng 7 năm 1949, khóa 4 Bổ túc quân chính trung cấp đang trong chương trình học. Khi đó, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng kiêm Hiệu trưởng nhà trường; các cán bộ, giáo viên và học viên được dự Hội nghị “Rèn cán chỉnh quân” của cán bộ trung, cao cấp toàn quân, do Bộ Tổng chỉ huy tổ chức tại trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với hội nghị và học viên của nhà trường. Bác căn dặn nhiều điều và còn treo giải thưởng cho lớp học. Khi nhắc lại lời dạy của Bác với nhà trường, trong thư của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có viết: “Với tinh thần thi đua rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội, các đồng chí hãy nỗ lực vượt mọi khó khăn, tranh thủ thời gian học tập. Nhiệm vụ tổng phản công đang chờ các đồng chí. Hồ Chủ tịch đặt một giải thưởng cho học viên nào giỏi nhất. Tôi sẽ có dịp gặp lại các đồng chí nhiều hơn các khóa khác và đặt một giải thưởng thứ hai. Các đồng chí hãy cố gắng”.
Ngày 21 tháng 3 năm 1953, cán bộ, giáo viên, học viên và công nhân viên của trường cùng với trường Huấn luyện chiến tranh du kích được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Bác căn dặn: “Muốn kháng chiến thắng lợi, học tập thành công thì mọi người phải quyết tâm đoàn kết thi đua. Học tập phải chịu khó, siêng năng”. Bác tặng mỗi trường 4 huy hiệu của Người để làm phần thưởng cho những đồng chí lập công xuất sắc nhất trong phong trào thi đua. Bác dặn: “Mỗi đơn vị phải giành một huy hiệu để tặng cho anh nuôi xuất sắc nhất, vì anh nuôi có phục vụ tốt thì công tác huấn luyện và mọi công tác khác mới tốt được”. Thực hiện lời dạy của Bác, các khóa tiếp theo đều lấy quyết tâm “Đoàn kết thi đua” làm phương châm chỉ đạo hành động và giành nhiều kết quả tốt đẹp trong học tập, rèn luyện tại trường.
Nhớ lại những lần đón Bác Hồ về thăm và những lời căn dặn của Người mãi mãi là hành trang cho các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, giảng viên, học viên, QNCN, CNVQP và HSQ-BS của Học viện Lục quân phấn đấu, giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang: “Kiên định vững vàng, đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong thời kỳ mới.
TỨ KIÊN tổng hợp
(theo Lịch sử Đảng bộ Học viện Lục quân)