Trong chuyến công tác miệt rừng núi huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tôi gặp chàng trai trẻ Đặng Văn Giang (1991) hiện đang công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk (BQLRPH), luôn mang trong mình trái tim nóng nhiệt huyết với rừng.
Trong chuyến công tác miệt rừng núi huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tôi gặp chàng trai trẻ Đặng Văn Giang (1991) hiện đang công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk (BQLRPH), luôn mang trong mình trái tim nóng nhiệt huyết với rừng.
|
Anh Đặng Văn Giang (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp chăm sóc vườn ươm trong rừng sâu |
Lãnh đạo tại BQLRPH Sêrêpốk giới thiệu Giang trong chuyến đi “mục sở thị” đại ngàn: Đây là “lính” trẻ nhất của chúng tôi, một tay lái đường rừng đảm bảo sẽ đưa anh đi đến nơi, về đến chốn. Vui vẻ, hoạt bát và nhất là lối ăn nói rất có duyên, phù hợp với việc vận động bà con trong công tác bảo vệ rừng, nhất là những người có trình độ thấp.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An giàu truyền thống, tuổi thơ quen với cảnh núi rừng, thế là Giang quyết định theo học Trường Đại học Lâm Nghiệp (Cơ sở 2, tại Đồng Nai). Rồi cơ duyên đưa chàng trai trẻ đến với những cánh rừng xanh ngút mắt ở Lâm Đồng. Giờ đây, Giang đã lập gia đình và quyết tâm gắn bó bền lâu với vùng đất lắm điều thi vị này.
Giang tâm sự: “Trước đây, bố mẹ em bảo rằng thời đại này là phải theo học các ngành về kinh tế hay đi xuất khẩu lao động như bạn bè trang lứa, chứ nghiệp rừng rú thì bao giờ nở mày nở mặt được. Nhưng thú thật, một thời chăn trâu cắt cỏ, rong ruổi với cây cối nên em biết cái số mình không thể tách rời thiên nhiên”.
Giang đưa tôi ghé thăm vườn ươm cây giống của BQLRPH Sêrêpốk nằm sâu trong rừng, bên cạnh là những vạt rừng đã bị những di dân tự do đốn nhẵn, trơ lên sỏi đá. Giang nói: Anh có thấy không, những cây thông non như chiếc đũa ăn cơm này không chịu mọc thẳng thớm, vì nó muốn vươn ra ngoài để đón nhận ánh sáng. Cái tính cách của cây ưa sáng là vậy, còn cây ưa tối thì suốt đời nó chỉ núp bóng dưới những cây khác, đưa ra ngoài một thời gian chỉ có nước chết. Cây ưa sáng giai đoạn đầu khi đưa ra trồng trên sỏi đá thì tội nghiệp lắm nhưng đã bén rễ được rồi thì vươn mình xanh tươi.
Tuổi đời trẻ nhất BQLRPH Sêrêpốk nên mọi công tác Giang đều xung phong, lấy sức trẻ của mình để chinh phục những khó khăn. Và, điều thứ hai dễ nhận thấy ở chàng trai gốc xứ Nghệ này là một bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách, nguy hiểm. Trong các chuyến tuần tra rừng và đợt tuyên truyền, vận động di dân tự do không được phá rừng làm nương rẫy, Giang đều cùng các đồng chí, đồng nghiệp của mình gõ cửa từng nhà, nói chuyện từng người. Giang kể về những kỷ niệm mà ai yếu gan đều phải dè chừng: Chuyến đó, em cùng các anh trong BQLRPH đến vận động một gia đình đồng bào người H’Mông, người đàn ông lăm lăm cây dao quắm trong tay một cách sợ hãi, em giải thích cho người này hiểu rằng, nhóm cán bộ chúng tôi không muốn làm hại ai cả, điều chúng tôi mong muốn chỉ là nói chuyện một cách rất chân tình với gia đình anh, quan tâm cuộc sống của đại gia đình. Nếu có ý định gì khác thì chúng tôi đã không phải bì bõm bùn đất suốt mấy giờ đồng hồ. Người đàn ông quẳng cây dao quắm vào góc nhà rồi mời cả đoàn vào uống nước, nói chuyện.
Tôi hỏi Giang: “Có bao giờ đưa vợ vào thăm trạm nằm trong rừng sâu này chưa?”. Giang đùa: “Chắc đưa vào đây khi trở về vợ em xin chia tay luôn anh à nhưng em làm tốt công tác tư tưởng rồi, chuyến đi nào của em cũng kéo dài cả tuần cả, trong này không có phương tiện để liên lạc, may mắn thay vợ em cũng thông cảm cho nghề nghiệp”.
Chiều núi rừng buồn rười rượi, Giang lại làm nhiệm vụ anh nuôi cho cả đoàn. Trong làn khói nghi ngút của lửa rừng, bỗng vang lên một câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng - Gian khổ sẽ dành phần ai”.
BÙI ĐỨC TÚ