Truông Bồn - khúc tráng ca bất tử

09:07, 28/07/2016

Trước dịp cả nước kỉ niệm 69 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016), tôi cùng các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong (TNXP) của 3 tỉnh Lâm Đồng, Nghệ An và Hà Tĩnh từ thành phố Vinh ngược lên vùng bán sơn địa thăm viếng Di tích lịch sử Truông Bồn

Trước dịp cả nước kỉ niệm 69 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016), tôi cùng các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong (TNXP) của 3 tỉnh Lâm Đồng, Nghệ An và Hà Tĩnh từ thành phố Vinh ngược lên vùng bán sơn địa thăm viếng Di tích lịch sử Truông Bồn. Là địa danh của dãy núi Thung Nưa, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An - Truông Bồn khắc họa nét son rực đỏ trong trang sử anh hùng của dân tộc; huyền thoại của ý chí bất khuất, kiên cường. Di tích được tô thắm bởi sự anh dũng hi sinh của 1.240 cán bộ, bộ đội, TNXP, công nhân, dân quân tự vệ...; và đặc biệt, tấm gương sáng ngời của 14 TNXP Đại đội 317 trước giờ ngừng cuộc chiến mấy giờ đồng hồ... 
 
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn

Bản hùng ca bất tử
 
“Truông” là danh từ địa phương chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa 2 vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5 km, độ cao gần 70 m. Nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, còn gọi là đường 30, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối liền huyết mạch giao thông: mốc số O đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 để hậu phương miền Bắc chi viện nhân tài, vật lực cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, nơi đây trở thành “tọa độ chết”. Ngày cao điểm, Truông Bồn “gồng mình” với 131 lần đánh phá của không quân Mỹ. Trong tổng số 18.936 quả bom các loại và hàng chục nghìn quả tên lửa và rốc két máy bay Mỹ ném xuống khu vực này, phần lớn Truông Bồn hứng chịu… Bảo vệ vị trí chiến lược Truông Bồn, lực lượng quân và dân phải xả thân chiến đấu, ngày đêm san lấp hố bom, làm cọc tiêu sống để đảm bảo đường thông suốt... Họ đã rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại, đóng góp trên 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu m2 đất đá, đưa 94 ngàn lượt xe cơ giới vượt qua “Truông” an toàn, vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng, cung cấp hàng chục triệu cây, cọc chống lầy, làm cầu cho xe qua; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe đầu bò, 900 xe cút kít chở hàng vượt qua Truông. 
 
Riêng Đại đội 317, sau hơn 100 ngày đêm chiến dịch, Ban chỉ huy Tổng đội TNXP Nghệ An cho phép, đơn vị đã xét chọn được 8 đồng chí và tổ chức gặp mặt chia tay đồng đội ra quân. Trong đó, 1 người ở nhà chỉ còn mẹ già đau yếu không có người chăm sóc; 1 người có anh trai vừa hy sinh tại chiến trường miền Nam; 1 đôi nam nữ yêu nhau 3 năm chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới; 4 người đã nhận được giấy báo nhập học trung học chuyên nghiệp. Nhưng đêm 30/10/1968, Đại đội 317 nhận lệnh của Ban chỉ huy cấp tốc giải phóng đường cho đoàn xe quân sự vượt Truông vào Nam trước khi trời sáng. Tình hình cấp bách, cả 8 người xung phong ra hiện trường cùng đơn vị làm nhiệm vụ với tinh thần “Một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra hiện trường”; “Đường chưa thông không tiếc máu xương”. 
 
6 giờ 10 phút ngày 31/10/1968, công việc sắp hoàn thành, bất ngờ máy bay Mỹ oanh tạc. 14 chiến sỹ TNXP được phân công trực chiến nên rút về hầm trú ẩn sau cùng. Lập tức 4 máy bay Mỹ trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá, Truông Bồn chìm trong mịt mù khói lửa. 13/14 chiến sỹ (11 nữ, 2 nam) quê ở các huyện của Nghệ An: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu và Hưng Nguyên đã anh dũng hy sinh khi chỉ còn mấy giờ nữa là lệnh ngừng ném bom miền Bắc. Các anh chị mãi mãi để lại tuổi đôi mươi trên đất mẹ dấu yêu. Họ là đỉnh cao tột cùng về lòng quả cảm của “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, là điển hình trong những điển hình của hơn 1.500 TNXP ở Truông Bồn.
 
Mãi mãi tri ân
 
Năm 1994, tỉnh Nghệ An khánh thành “Nhà bia mộ”, quy tập hài cốt các liệt sỹ để chăm sóc và tưởng niệm. Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tháng 4/2010, Dự án Bảo tồn, tôn tạo khu Di tích lịch sử Truông Bồn được phê duyệt, tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích xây dựng 21,7 ha gồm 21 hạng mục với nhiều khu chức năng: không gian đền thờ và mộ các liệt sỹ TNXP; không gian đón tiếp và tổ chức các đại lễ, sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương; công viên tưởng niệm với hệ thống các công trình mang tính tái hiện lại sự kiện lịch sử;… 
 
Gương mặt của 13 anh hùng liệt sĩ TNXP ngã xuống ngày 31/10/1968
Gương mặt của 13 anh hùng liệt sĩ TNXP ngã xuống ngày 31/10/1968

Ngày chúng tôi đến, các hạng mục cơ bản đã hoàn thiện: Tháp chuông, Khu tưởng niệm, Đài tưởng niệm, Nhà đón tiếp, Khu mộ, Nhà trưng bày, quảng trường… Rất nhiều loại cây được các vị lãnh đạo trung ương, các ngành, các tỉnh và nhiều thế hệ trẻ cả nước trồng đã vươn lộc xanh giữa không gian gió lộng. Dưới mỗi bước chân người đến viếng thăm như vẫn vang vọng tiếng rì rầm của những đoàn xe ra tiền tuyến thủa nào… Mọi sự vật đều tiềm ẩn những hồn thiêng, những cốt cách can trường của những người con thông đường cứu nước… Mảnh đất bán sơn địa tạo lập từ bốn ngôi làng Triều Dương, Ngọc Mỹ, Ngọc Luật, Trung Thôn xưa và nay gọi là xã Mỹ Sơn, mãi mãi vẫn là lung linh một vẻ đẹp sơn thôn, lung linh tầm vóc lịch sử. 
 
Tôi đang xem các hiện vật tại phòng trưng bày của Di tích thì gặp nam thanh niên còn rất trẻ đứng lặng bên tủ kính. Cậu là Võ Thế Hà, quê ở xã Giang Sơn, huyện Đô Lương, cán bộ một ngân hàng tại thành phố Vinh. Hà chia sẻ: Hàng tuần vào thứ bảy và chủ nhật, bằng xe máy, Hà vượt khoảng 40 km và con dốc Ba Cấp gần 1,5km để về quê. Khi trở xuống Vinh, cậu ghé vào viếng thăm Di tích Truông Bồn. “Mỗi lần qua đây cháu lại cứ cảm nhận cái gì đó thiêng liêng lắm, không giải thích hết. Lúc nào cháu cũng đến đây thắp hương cho các bác ấy rồi mới đi, mới thấy thanh thản chú ạ”, Hà nói.   
 
Bước vào khu nhà tưởng niệm, ngay giữa trung tâm là ngôi mộ tập thể. Khu mộ những TNXP hi sinh trong trận bom sáng 31/10/1968 được dựng lên tại chính nơi các chị, các anh đã chiến đấu và ngã xuống. Địa điểm xây dựng khu mộ là hầm trú ẩn thời khói lửa. 13 TNXP nằm lại, chỉ có 6 người được tìm thấy thi thể, 7 người còn lại, thân thể họ đã hòa vào lòng đất thiêng... Ở góc phải có 3 nam thanh nữ tú trong sắc phục TNXP đội mũ tai bèo đón tiếp hướng dẫn rất mực niềm nở và chu đáo. 
 
Thắp hương tại ngôi mộ chung, chúng tôi vòng vào khu nhà phía sau, nơi có bàn thờ và tượng của 13 anh hùng liệt sĩ TNXP. Tại bàn làm việc, được kê sát trong góc, một cô gái rất trẻ, nét dịu dàng chân quê tiềm ẩn trong bộ sắc phục TNXP. Cô đứng dậy chào nhẹ nhàng và thắp hương cho những người đến viếng. Thắp hết lượt hương cho 13 liệt sĩ, tôi hỏi và được biết cô tên Mĩ, là người con của chính xã Mĩ Sơn - Truông Bồn. Đó là thế hệ trẻ, tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam…
 
Truông Bồn - địa chỉ đỏ cháy. Truông Bồn - đất thiêng, chốn đi về thân thiết, không chỉ của những thanh niên như Võ Thế Hà mà của triệu triệu người Việt Nam trên mọi miền. Ban quản lý Khu di tích Truông Bồn cho biết: Trong tháng 6 năm 2016, Di tích đã tổ chức đón tiếp và phục vụ trên 290 đoàn đại biểu trong và ngoài tỉnh với số lượng hơn 5.300 người, hơn 8.000 lượt khách cá nhân và gia đình trong và ngoài tỉnh về tri ân các anh hùng liệt sĩ.
 
Ghi chép: MINH ĐẠO