Nhẹ bớt đi những nỗi đau

09:08, 12/08/2016

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua (10/8/1961), nhưng nỗi đau chất độc màu da cam kể từ ngày quân đội Mỹ rải xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam cái được gọi là "chất diệt cỏ" hay "chất khai quang" vẫn còn âm ỉ, khoét sâu vào cuộc sống của rất nhiều gia đình Việt. 

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua (10/8/1961), nhưng nỗi đau chất độc màu da cam kể từ ngày quân đội Mỹ rải xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam cái được gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” vẫn còn âm ỉ, khoét sâu vào cuộc sống của rất nhiều gia đình Việt. 
 
Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà cho các em NNCĐDC tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi TP Bảo Lộc
Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà cho các em NNCĐDC tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi TP Bảo Lộc

Cuộc chiến tranh hóa học do người Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất độc da cam, chứa ít nhất 366 kg dioxin, chất độc nhất trong các chất độc mà con người từng biết xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, làm cho 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, và cũng từng ấy con người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, đặc biệt chất dioxin còn gây tác hại đến hệ di truyền. Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, di chứng da cam đã di truyền sang thế hệ thứ 4. Hiện cả nước có hơn 15.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, 35.000 thuộc thế hệ thứ 3, 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Nhiều người bị tước mất những quyền con người cơ bản nhất, đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân gặp vô vàn khó khăn thiếu thốn; bệnh nặng thường xuyên tái phát; sinh con dị dạng, dị tật; phần lớn đều thuộc hộ nghèo. 
 
* Hàng năm, Nhà nước dành hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC; hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn bị ô nhiễm nặng nề; hiện có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
 
* Theo báo cáo của cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ,  Viện Aspen của Mỹ, tính đến 1/1/2016, tổng số tiền chính phủ Mỹ được chuẩn bị để chi tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam là 173 triệu USD. Trong đó, chi tẩy độc môi trường là 138,7 triệu USD, chi cho dịch vụ y tế là 34,4 triệu USD.  Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số tiền được chính phủ Mỹ phê duyệt chưa được giải ngân đầy đủ.
Riêng tại Lâm Đồng, trong những năm tháng chiến tranh, cũng đã phải hứng chịu những đợt phun rải chất độc da cam/dioxin và toàn tỉnh hiện có gần 3.000 nạn nhân đang từng ngày, từng giờ phải gánh chịu nỗi đau do di chứng chiến tranh để lại. Dù đã có nhiều nỗ lực của các cấp hữu quan, của những người có trách nhiệm nhưng vẫn không thể bù đắp hết được cuộc sống khó khăn của hàng ngàn nạn nhân da cam này. 
 
Ông Hồ Ngọc Thắng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Lâm Đồng cho biết: “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tâm và trách nhiệm không của riêng ai. Trong thời gian vừa qua, Hội cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, tập thể, cá nhân bằng tiền mặt và hiện vật được gần 17 tỷ đồng (trong đó có 12,5 tỷ đồng tiền mặt và khoảng 4,5 tỷ đồng quà tặng quy ra tiền). Các cấp hội đã chi 11 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân thông qua các chương trình, gồm 1 trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân; hỗ trợ xây dựng 137 căn nhà, sửa chữa 35 căn; hỗ trợ vốn sản xuất cho 240 gia đình; thăm hỏi, tặng quà cho 6.000 nạn nhân trong các dịp lễ, tết và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo hàng trăm lượt nạn nhân”.
 
Giải quyết hậu quả chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo với đồng bào những vùng bị ảnh hưởng. Bà Lưu Thị Thanh An - Chủ tịch Hội NNCĐDC TP Bảo Lộc, một người lính trở về từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước chia sẻ: “Nhìn những nỗi đau của đồng đội, những đứa con sinh ra không bình thường do di chứng da cam để lại mới thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa, để phần nào xoa nhẹ bớt đi nỗi đau mà họ đang ngày đêm phải gánh chịu”.
 
Cũng như nhiều người con đang sinh sống trên mảnh đất Nam Tây Nguyên, thầy giáo Nguyễn Mậu Ly - phường 1, TP Bảo Lộc, mỗi tháng sau khi nhận lương hưu đều trích một phần nhỏ để đóng góp vào “Quỹ nạn nhân chất độc da cam” của thành phố. Với thầy, số tiền cho không bằng cách cho, mà trên hết đó là sự thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia với những gì mà NNCĐDC đang phải gánh chịu.
 
Cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, cùng những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, người dân Lâm Đồng vẫn đang từng ngày, từng giờ gắn kết lại, làm tất cả những gì tốt đẹp nhất có thể để xoa dịu đi nỗi đau mà các nạn nhân da cam đang phải gánh chịu.
 
Lam Anh