Lâm Đồng xây dựng kế hoạch nhằm nâng tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%, hộ dân có NTHVS đạt 75%...
Thông tin từ Hội nghị khởi động Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả mới đây tại Đà Lạt đã đưa ra con số thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém gây ra tại Việt Nam là 2 triệu USD/ngày. Khoảng 1,5 triệu trẻ em thấp còi liên quan đến vệ sinh kém, hầu hết số này sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn (tỉ lệ trẻ em nông thôn thấp còi là 25%, ở vùng núi là 28 - 31%). Đối với trẻ dưới 5 tuổi ở các cộng đồng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh (kể cả khi gia đình của trẻ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh - NTHVS) sẽ thấp hơn 3,7 cm và giảm 5 - 11 điểm IQ so với trẻ cùng độ tuổi sống tại các cộng đồng sử dụng NTHVS.
|
Đầu tư nước sạch nông thôn giúp cải thiện đáng kể tình trạng vệ sinh môi trường góp phần nâng cao sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em |
20 triệu dân nông thôn chưa tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh
Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (MTQG NSVSMT) giai đoạn 2012 - 2015 đánh giá tỉ lệ NTHVS hộ gia đình toàn quốc năm 2015 là 65%, còn 10% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu và 20 triệu người dân nông thôn chưa tiếp cận với NTHVS, 6 triệu người phóng uế bừa bãi. Trong đó, thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (57%), miền núi phía Bắc (58%), Tây Nguyên (61%). Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, tỉnh có tỉ lệ NTHVS thấp nhất là Gia Lai (43%), Kon Tum (54%).
Tỉ lệ bao phủ nước sạch và NTHVS trạm y tế xã đến năm 2015 trên toàn quốc chiếm 93%, trong đó thấp nhất là vùng miền núi phía Bắc 80%, Tây Nguyên 84%. Cần chú trọng việc duy trì bền vững tình trạng hợp vệ sinh của các công trình vệ sinh trạm y tế. Tỉ lệ trường học có nguồn nước và NTHVS toàn quốc 91%, trong đó thấp nhất là vùng Tây Nguyên 72% (riêng Gia Lai 51%). Cần chú trọng đến việc duy trì bền vững tình trạng hợp vệ sinh, rửa tay với xà phòng trong trường học.
Đầu tư cho vệ sinh là đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho mọi người theo cam kết của Chính phủ để 20 triệu người dân nông thôn tiếp cận với NTHVS. Đồng thời cũng là đầu tư cho sức khỏe dân tộc và thế hệ tương lai của đất nước: Mỗi giờ cứu 1 người, mỗi ngày cứu 2 trẻ dưới 5 tuổi, nâng cao tầm vóc, trí tuệ của thế hệ tương lai. Cứ đầu tư 1 USD vào cải thiện vệ sinh ở các nước chưa hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ thì lợi ích thu được là 9,1 USD (lợi ích kinh tế từ vệ sinh tốt: về sức khỏe tránh được bệnh tật 1,6%; tránh được chi tiêu cho người bệnh 0,2%; tránh được cái chết 5%; tiết kiệm được thời gian 90%; tăng được ngày làm việc, học hành, sống khỏe mạnh 3,1%). Đầu tư vào NTHVS mang lại lợi ích cho mỗi hộ gia đình từ 6,5 - 7,5 triệu đồng/năm. Con số 20 triệu khách hàng là cơ hội lớn cho việc làm và đầu tư có thể hàng chục tỷ đồng. Đầu tư cho vệ sinh là đầu tư cho môi trường sống bền vững; ngăn được 1.500 tấn phân tươi/ngày thải trực tiếp ra môi trường, nguồn nước.
Thách thức trong việc cải thiện nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, vấn đề thách thức trong việc cải thiện nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn chính là tỉ lệ không đồng đều giữa các vùng miền, rất thấp ở các tỉnh miền núi. Chưa có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương về vệ sinh. Chưa có quy định, chế tài đủ mạnh để có thể chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi, xóa bỏ cầu tiêu, ao cá, xây dựng sử dụng NTHVS. Nhận thức của người dân về xây dựng, sử dụng, bảo quản NTHVS chưa cao. Tính bền vững của các công trình bị ảnh hưởng do thói quen sử dụng, bảo quản chưa đúng cách. Qua khảo sát tỉ lệ công trình cấp nước tập trung không hoạt động và kém hiệu quả trong cả nước chiếm 32%, vùng Tây Nguyên 52% (Đắk Nông 68%, Kon Tum 53%), Nam Trung bộ 51%.
Cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị cao cấp của “Đối tác toàn cầu về Vệ sinh và Nước cho mọi người” đến năm 2025 Việt Nam sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và tiếp cận vệ sinh cho mọi người vào năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 05/NQ-CP về thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế (trong đó có mục tiêu về vệ sinh); Quyết định 730/QĐ-TTg về Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Mục tiêu đến năm 2020 có 75% hộ gia đình sử dụng NTHVS toàn xã, 30% số thôn không còn tình trạng phóng uế bừa bãi (ODF); đến năm 2025 có 90% hộ gia đình có NTHVS và 80% số thôn đạt ODF; đến năm 2030 có 100% hộ gia đình sử dụng NTHVS cho mọi người và 100% số thôn đạt ODF.
Lâm Đồng nỗ lực nâng tỉ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh
TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Chương trình MTQG NSVSMT đã được tỉnh tổ chức thực hiện rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, đã đầu tư xây dựng 252 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cấp nước cho trên 20.000 hộ dân nông thôn; xây dựng 3.832 công trình cấp nước sinh hoạt phân tán, nhỏ lẻ; xây dựng 3.115 nhà vệ sinh cho hộ dân nông thôn thuộc diện gia đình khó khăn, gia đình chính sách; hỗ trợ đầu tư 142 chuồng trại chăn nuôi và 180 hầm ủ Biogas, với tổng kinh phí 257,7 tỷ đồng.
Qua quá trình thực hiện, tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86,25% dân số nông thôn, tỉ lệ dân số nông thôn có NTHVS đạt 72%; tỉ lệ trường học có công trình nước sạch và NTHVS đạt 96,6%; tỉ lệ trạm y tế có công trình nước sạch và NTHVS đạt 98,4%; tỉ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 69,3%. Để tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 -2020, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch nhằm nâng tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%, hộ dân có NTHVS đạt 75% và các tiêu chí khác theo yêu cầu của Chương trình, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 285 tỷ đồng.
Kỳ vọng vào Chương trình “Mở rộng quy mô Vệ sinh và Nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016 -2021 với tổng vốn 225,5 triệu USD (do WB tài trợ 200 triệu USD, vốn đối ứng 25,5 triệu USD) triển khai tại 21 tỉnh (trong đó có Lâm Đồng) sẽ góp phần giúp cho tỉnh Lâm Đồng đạt được mục tiêu đề ra cải thiện đáng kể tình trạng NSVSMT nông thôn trong vòng 5 năm tới.
AN NHIÊN