Từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 8, Lâm Đồng đã có gần 900 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung nhiều ở 6 địa phương: Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Cát Tiên, Đức Trọng, Lâm Hà...
Cứ khoảng 10 năm, dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam sẽ lặp lại chu kỳ 1 lần. Dự báo năm 2018 sẽ là đỉnh của dịch trong chu kỳ mới với mức độ được cảnh báo là rất khốc liệt. Khu vực gánh chịu hậu quả nặng nề do SXH sẽ là các tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên vì những vùng này thường chiếm 50%-60% số ca mắc.
|
Bác sĩ BVĐK tỉnh đang điều trị cho bệnh nhân SXH |
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 50.000 người mắc SXH tại 48 tỉnh, thành phố, với 17 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Khu vực Tây Nguyên cũng đối mặt với dịch bệnh SXH, số ca mắc và tử vong tăng mạnh, đã có gần 8.000 trường hợp mắc SXH, trong đó 4 ca đã tử vong.
Các điểm nóng đã được khoanh vùng
Trả lời câu hỏi của PV về việc xử lý các ổ dịch SXH tại Bảo Lộc đã làm triệt để chưa?, PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết: Với sự chỉ đạo chặt chẽ, rất tích cực của lãnh đạo Sở Y tế, TTYTDP Lâm Đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các viện chuyên ngành, đặc biệt tổ chức họp thường xuyên với các Ban chỉ đạo huyện, thành phố, xã, phường đưa ra các chỉ đạo rất cụ thể. Các điểm nóng về SXH tại Bảo Lộc cũng như 6 huyện, thành phố của Lâm Đồng đã được khoanh vùng và phối hợp chặt chẽ xử lý các ổ dịch trên diện rộng, kể cả trên diện nhỏ. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng đã phối hợp rất chặt chẽ, hy vọng các biện pháp đấy sẽ hạn chế tối đa số mắc SXH.
DH
|
Lâm Đồng ghi nhận từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 8 đã có gần 900 ca mắc SXH, tập trung nhiều ở 6 địa phương: Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Cát Tiên, Đức Trọng, Lâm Hà. TS Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế (SYT) cho biết, tình hình SXH ở Lâm Đồng tính theo phân bố số mắc /100.000 dân thì Lâm Đồng đứng thứ 13 trong số 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam và đứng thứ 5 trong khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó có 10 ca SXH nặng được chuyển lên tuyến trên cấp cứu, điều trị kịp thời, chưa có ca tử vong do SXH.
Tây Nguyên từ nhiều thập kỷ qua là nơi lưu hành bệnh sốt rét nhưng SXH thì ngành Y tế chỉ ghi nhận một vài vùng nhỏ lẻ. Chẳng hạn như tại Lâm Đồng, bản đồ phân vùng lưu hành bệnh SXH thường tập trung ở Bảo Lộc. Nguyên nhân tăng mạnh SXH tại Tây Nguyên, Ths Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Lâm Đồng cho rằng do yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở loăng quăng, muỗi gây ra bệnh SXH. Có những vùng như Lâm Hà, không phải là nơi lưu hành bệnh SXH nhưng bây giờ số ca mắc bệnh này tại Lâm Hà cũng gia tăng (với 109 ca). Trong khi đó, người dân trong cộng đồng chưa có miễn dịch SXH nên khi có dịch dễ bùng phát nhanh. Bên cạnh đó, ý thức phòng dịch của người dân thấp, các gia đình thường trữ nước trong các dụng cụ, vật chứa tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Người dân chủ quan, chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy/loăng quăng. Có nơi người dân còn xem nhẹ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, chính quyền địa phương còn khoán trắng cho ngành Y tế. Trong đợt kiểm tra tình hình loăng quăng tại nhà dân, TS Yến cho biết, có nơi bà con không biết loăng quăng là gì, chỉ thừa nhận có biết bọ gậy chứ không biết loăng quăng; đến nhà của trưởng thôn cũng có đầy loăng quăng trong các vật chứa.
Nhận định của Sở Y tế Lâm Đồng, từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình SXH trên địa bàn có diễn biến phức tạp. Ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kiểm tra, khoanh vùng những khu dân cư có người mắc bệnh SXH để phun thuốc diệt muỗi, không để lây lan ra diện rộng. Thành lập các tổ, đội tuyên truyền, vận động người dân, hộ gia đình phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom phế liệu, những vật dụng chứa nước... để muỗi không có nơi trú ngụ sinh sản. Khuyến cáo người dân sử dụng các loại thuốc, nhang, vợt bắt muỗi hoặc hun khói để chống muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ nằm màn nhằm hạn chế tối đa muỗi đốt. Tuyên truyền, vận động người dân khi có biểu hiện sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị, không được tự ý mua thuốc điều trị, nếu bệnh SXH không được điều trị đúng sẽ trở nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong điều kiện kinh phí chống dịch, đặc biệt phòng chống bệnh SXH từ đầu năm 2016 đến nay của Trung ương chưa được cấp, kinh phí các địa phương còn hạn chế nên việc đáp ứng yêu cầu chống dịch SXH gặp rất nhiều khó khăn. Để kịp thời hỗ trợ cho công tác phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí 716 triệu đồng để mua hóa chất, vật tư phòng chống dịch. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã kịp thời hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, hóa chất diệt muỗi, cùng với y tế địa phương tiến hành các hoạt động giám sát, xử lý các ổ dịch. Các cấp chính quyền địa phương của 6 huyện trọng điểm về SXH của tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt, huy động lực lượng để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH. Một số địa phương đã cấp kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ phòng chống dịch, ghi nhận ban đầu có: UBND Bảo Lộc 122 triệu đồng; UBND huyện và xã của Bảo Lâm hỗ trợ 111 triệu đồng; UBND huyện Cát Tiên 58.555.000 đồng, UBND huyện Đức Trọng 53 triệu đồng.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh đã phân công luân phiên cùng cán bộ phòng chuyên môn của SYT, TTYTDP tỉnh hàng tuần xuống các địa bàn điểm nóng về SXH để kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình và chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn trong triển khai thực hiện công tác phòng chống SXH tại các cơ sở y tế. Đến nay, tình hình SXH tại Lâm Đồng đã được kiểm soát, khống chế, số ca mắc SXH có xu hướng giảm nhưng không đáng kể.
Theo nhận định của PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thì Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung có đặc thù so với vùng khác là vùng khí hậu ôn đới, do có mùa đông, thường các mùa đông giảm quần thể muỗi, nghĩa là virus Dengue hay mầm bệnh SXH bị giảm hoặc triệt tiêu trong các vùng ấy. Tuy nhiên, ảnh hưởng El Nino do đó nhiệt độ không giảm, quần thể muỗi vẫn tồn tại kéo dài từ năm 2015 sang 2016 như vậy mầm bệnh vẫn tiếp tục lan rộng. Đặc biệt nữa, đối với khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng, thì năm 2016 mưa sớm hơn mọi năm, chính các yếu tố này làm cho dịch SXH bùng phát mạnh hơn, đặc thù hơn các khu vực khác. Dự báo đỉnh điểm của dịch SXH năm nay kéo dài từ tháng 9 - 11.
Hiện nay, việc phòng chống bệnh SXH còn gặp nhiều khó khăn do bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, sự tham gia tích cực chủ động của cộng đồng, của từng hộ gia đình, sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền, trong đó có đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch là yếu tố hết sức quan trọng để khống chế và kiểm soát bệnh SXH.
AN NHIÊN