Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng trong thời gian đến là việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các nguồn lực thúc đẩy GD-ĐT phát triển.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng trong thời gian đến là việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các nguồn lực thúc đẩy GD-ĐT phát triển.
|
Giờ ra chơi của các em Trường Mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ (phường 9 - TP Đà Lạt, trường được thành lập năm 2012). Ảnh: PHAN NHÂN |
3 năm, huy động 88 tỷ đồng
Theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, thông qua thực hiện Đề án xã hội hóa GD-ĐT của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015, công tác xã hội hóa GD-ĐT trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có những bước tiến đáng kể, được sự hưởng ứng của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, rộng rãi các tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào quá trình xã hội hóa; hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập bước đầu phát triển, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của xã hội.
Chỉ tính trong 3 năm từ 2013 đến 2015, toàn ngành GD đã huy động được trên 88 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để phát triển GD, trong đó khối trường trực thuộc Sở huy động được trên 19,7 tỷ đồng, khối phòng GD của các huyện, thành huy động được 68,3 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu được dùng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.
Trong giai đoạn từ 2011 đến cuối 2015, toàn tỉnh đã tăng thêm 49 trường học, trong đó có 35 trường mầm non, 13 trường trung học cơ sở (THCS) và 1 trường trung học phổ thông (THPT). Dù số trường ngoài công lập của tỉnh trong giai đoạn này giảm 50 trường do việc chuyển đổi loại hình trường học nhưng tính từ năm học 2011-2012 đến niên khóa 2015-2016, toàn tỉnh đã thành lập thêm 20 trường ngoài công lập, chủ yếu trong số này là trường mầm non (19 trường), chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học.
Chỉ tính riêng trong năm học 2011-2012, Lâm Đồng đã chuyển đổi 59 trường mầm non bán công sang công lập; 11 trường phổ thông bán công chuyển sang công lập cùng 5 trường phổ thông dân lập sang tư thục. Tuy nhiên, cho đến nay trong 5 trường phổ thông dân lập này chỉ mới chuyển được 3 trường sang tư thục (gồm THPT Lê Lợi, nay là Bá Thiên tại Bảo Lộc; THPT Phù Đổng - Đà Lạt và THPT Yersin - Đà Lạt), vẫn còn 2 trường chưa chuyển đổi (Phổ thông Hermann Gmeiner - Đà Lạt và Tiểu học Trung Sơn - Đức Trọng).
Tính đến năm học 2015-2016 vừa qua, toàn tỉnh có 59 trường ngoài công lập trong tổng số 695 trường học trong toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 8,49%. Trong số này, số trường mầm non chiếm nhiều nhất, với 53 trường, kế đến là bậc THPT có 4 trường ngoài công lập, bậc tiểu học có 2 trường, còn bậc THCS không có trường nào. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, chỉ gần 6,5% tổng số học sinh trong toàn tỉnh vào niên học 2015-2016, trong đó nhiều nhất chính là học sinh trong bậc học mầm non.
Cũng cần nói thêm về vị trí của các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã - phường - thị trấn trong tỉnh trong việc xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí. Toàn tỉnh hiện nay toàn bộ 147 xã - phường - thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng, hằng năm nhà nước có hỗ trợ kinh phí để các trung tâm này phối hợp với ngành chức năng tổ chức các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên theo đánh giá, hầu hết các trung tâm này còn rất nhiều khó khăn về mô hình, nhân sự và nghiệp vụ.
Đa dạng hóa các nguồn lực xã hội
Hạn chế lớn nhất trong công tác xã hội hóa GD, theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, chính là tốc độ xã hội hóa GD-ĐT của tỉnh còn chậm so với tiềm năng. Hệ thống trường ngoài công lập đến nay chỉ tập trung ở địa bàn thành phố, thị trấn phát triển; số trường và số học sinh ngoài công lập giảm trong 5 năm vừa qua. Chính quyền và các cơ quan quản lý GD các cấp chưa có giải pháp tích cực cho việc đa dạng hóa trường lớp trên địa bàn, chưa tích cực tuyên truyền, quan điểm xã hội hóa GD còn nặng về huy động nhân dân đóng góp là chủ yếu.
Ở bình diện lớn hơn, theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, một số cơ chế chính sách xã hội hóa GD chưa đồng bộ, kịp thời như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, quỹ đất công hạn hẹp; một số cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa GD còn chưa được triển khai kịp thời.
Định hướng chung của ngành GD-ĐT Lâm Đồng trong thời gian đến vẫn là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT. Cụ thể hóa cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật; tạo điều kiện để các cơ sở cung cấp dịch vụ GD-ĐT phát triển về quy mô và chất lượng...
Ngành GD cũng đang đưa ra mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh trong các bậc học ngoài công lập đến năm 2020. Cụ thể, ở bậc học mầm non, tỷ lệ trẻ trong hệ thống ngoài công lập bậc học mầm non từ 67,1% trong năm 2015 sẽ được nâng lên 75 - 77%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo ngoài công lập từ 24,5% như hiện nay nâng lên 28 - 30%. Trong bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh ngoài công lập từ 0,56% như hiện nay nâng lên 1 - 1,2%; bậc THCS nâng tỷ lệ học sinh ngoài công lập từ 0,25% hiện nay lên 0,6 - 0,8% và bậc THPT từ 3,64% như hiện nay lên 5 - 8% ngoài công lập.
Với GD chuyên nghiệp và GD thường xuyên; ngành GD ưu tiên đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề cho xã hội; xây dựng Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt thành trường đào tạo đa ngành và có nhiều loại hình đào tạo; Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng liên kết với các trường trong nước để đào tạo ngành nghề phù hợp thực tiễn. Cùng đó là việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh.
Nhiều giải pháp được ngành GD-ĐT Lâm Đồng đưa ra, trước nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về huy động nguồn lực xã hội hóa trong xã hội để phát triển GD; làm tốt công tác quy hoạch GD-ĐT; có cơ chế ưu tiên, chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, huy động vốn tín dụng... cho nhà đầu tư. Đồng thời có chính sách điều chỉnh học phí, lệ phí đối với các cơ sở GD-ĐT thực hiện xã hội hóa để tiến tới bù đắp chi phí đào tạo; áp dụng các chế độ học bổng; trợ cấp xã hội và miễn giảm học phí đối với người học trong các cơ sở GD xã hội hóa cũng như người học tại cơ sở công lập...
GIA KHÁNH