Đà Lạt đã lên kế hoạch xây thêm 3 ngôi trường mới bậc tiểu học và THCS ở vùng ven trong 4 năm đến để giảm bớt sức ép sĩ số học sinh tại các trường khu vực trung tâm trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn.
Đà Lạt đã lên kế hoạch xây thêm 3 ngôi trường mới bậc tiểu học và THCS ở vùng ven trong 4 năm đến để giảm bớt sức ép sĩ số học sinh tại các trường khu vực trung tâm trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn.
|
Học sinh Tiểu học Nguyễn Trãi - Đà Lạt trong giờ học |
Học sinh đông, thiếu diện tích để đạt chuẩn
Là thủ phủ của Lâm Đồng, Giáo dục Đà Lạt lâu nay luôn là một địa phương dẫn đầu về rất nhiều mặt, trong đó có việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Hiện thành phố Đà Lạt có 76 trường học với có 32 trường mầm non (17 công lập, 14 tư thục và 1 trường dân lập), 27 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở (THCS), 5 trường có 2 cấp học gồm THCS và trung học phổ thông (THPT), 6 trường THPT (trong đó có 2 trường ngoài công lập), 1 trường có 3 cấp học (Phổ thông Hermann Gmeiner).
Trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, ở cấp học mầm non, Đà Lạt đã có 10/17 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường đạt chuẩn mức độ 2 (Mầm non Anh Đào), đạt tỷ lệ 58,8%. Trong 15 trường mầm non ngoài công lập còn lại, chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia.
Trong cấp tiểu học, Đà Lạt đã có 18/27 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 58,8% (có một trường đạt chuẩn mức độ 2 là Tiểu học Đoàn Thị Điểm.)
Tuy nhiên, trong cấp THCS, thành phố mới chỉ có 3 trường đạt chuẩn trong tổng số 10 trường công lập hiện có (gồm cả các trường THCS và THPT), chỉ chiếm tỷ lệ 30%.
Trong cấp THPT, Đà Lạt đến nay đã có 3/4 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 75%, chỉ còn duy nhất 1 trường là THPT Dân tộc Nội trú tỉnh chưa đạt. Với các trường THPT ngoài công lập, Đà Lạt đã có 1/3 trường đạt chuẩn quốc gia, đó là Phổ thông Hermann Gmeiner.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của Đà Lạt trong xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn chính là tiêu chí cơ sở vật chất, hay nói cụ thể hơn là rất nhiều trường, đặc biệt là những trường học khu vực trung tâm thành phố hiện nay rất đông học sinh, không có đất để xây thêm phòng học, phòng chức năng, dẫn đến khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh từ thực hành thí nghiệm đến các sinh hoạt thể chất. Do đông học sinh nên trường không đạt chuẩn qui định về diện tích đất tính theo tỷ lệ mét vuông trên mỗi học sinh.
Điển hình nhất là 2 trường tiểu học gồm Tiểu học Phan Như Thạch và Tiểu học Lý Thường Kiệt tại phường 9 - Đà Lạt, do thiếu đất nên không xây thêm được cơ sở vật chất, không thể tổ chức được lớp bán trú, dạy học 2 buổi/ngày. Trong bậc THCS là THCS Quang Trung, một ngôi trường có chất lượng giáo dục hàng đầu của Đà Lạt, từng đạt chuẩn quốc gia nhưng rồi vài năm nay phải chịu cảnh rớt chuẩn quốc gia vì sĩ số học sinh từng lớp quá đông. Rất nhiều ngôi trường khác tại Đà Lạt cũng có tỷ lệ học sinh từng lớp quá đông như THCS Nguyễn Du, trường thiếu một số phòng học bộ môn; còn THCS và THPT Tây Sơn cũng có sĩ số học sinh đông, diện tích mặt bằng không đủ chuẩn qui định về mét vuông/học sinh, trường này đến nay cũng không có hội trường, nhà đa năng, bãi tập, chưa có phòng cho các tổ chuyên môn.
Với các trường ngoài công lập, theo khảo sát của ngành Giáo dục Đà Lạt, phần lớn chỉ mới đáp ứng được phòng học, vẫn còn thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn.
Xây thêm 3 trường mới
UBND TP Đà Lạt đang đưa ra một mục tiêu cụ thể: trong 4 năm đến (từ nay đến 2020) sẽ đầu tư để công nhận thêm 24 trường nữa đạt chuẩn trên địa bàn, trong đó có 18 trường công lập và 6 trường ngoài công lập.
Cụ thể, trong bậc học mầm non, sẽ xây dựng thêm 6 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; trong số trường đã đạt chuẩn mức độ 1 sẽ phấn đấu có thêm 6 trường đạt chuẩn mức độ 2; vận động 6 trường ngoài công lập cùng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Trong bậc tiểu học, trong 2 năm đến sẽ xây dựng thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia gồm Tiểu học Nam Thành, Tiểu học Xuân Trường và Tiểu học An Dương Vương; năm 2018, thành phố sẽ bố trí quỹ đất để xây mới 1 trường tiểu học tại phường 9, tách bớt học sinh của 2 trường Tiểu học Phan Như Thạch và Tiểu học Lý Thường Kiệt sang trường mới, 3 trường này cùng triển khai học 2 buổi ngày và xây dựng chuẩn quốc gia cho cả 3 trường. Bên cạnh Tiểu học Đoàn Thị Điểm, thành phố cũng nỗ lực có thêm 6 trường tiểu học khác cùng đạt chuẩn mức độ 2 trong giai đoạn này.
Trong bậc THCS, Đà Lạt sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lâm Đồng để tách các trường có 2 cấp học THCS và THPT trên địa bàn riêng ra, đồng thời xây dựng 2 trường THCS Xuân Trường và THCS Tà Nung vừa tách ra này đạt chuẩn quốc gia trong 2 năm đến.
Cùng đó, để giảm sức ép sĩ số cho các trường THCS khu vực trung tâm như THCS Quang Trung và THCS Nguyễn Du, Đà Lạt sẽ xây thêm 2 ngôi trường THCS mới, trường thứ nhất dự kiến tại phường 5, khi xây xong sẽ tách bớt học sinh của THCS Quang Trung sang đây; tiến tới việc tái công nhận chuẩn quốc gia cho THCS Quang Trung. Ngôi trường THCS mới thứ hai sẽ được xây dựng tại phường 8 nhằm tách bớt học sinh của THCS Nguyễn Du sang; giảm tỷ lệ học sinh trong từng lớp theo chuẩn, tiến tới công nhận THCS Nguyễn Du đạt chuẩn quốc gia.
Với bậc THPT, Đà Lạt sẽ phối hợp với Sở GD & ĐT Lâm Đồng phấn đấu có thêm 2 trường đạt chuẩn nữa là THPT Tà Nung và THPT Xuân Trường được tách ra từ trường 2 cấp học hiện nay.
Để thực hiện được điều này, theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ tăng cường tuyên truyền; nâng cao năng lực quản lý của hiệu trưởng các trường đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung kinh phí ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất cho các trường dự kiến đạt chuẩn; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia với nhà nước trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn.
Viết Trọng