Đạ Tẻh hiện đã có 15/33 trường công lập trên địa bàn thuộc Phòng Giáo dục huyện quản lý đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên, trong số này vẫn chưa có trường THCS nào.
Đạ Tẻh hiện đã có 15/33 trường công lập trên địa bàn thuộc Phòng Giáo dục (GD) huyện quản lý đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên, trong số này vẫn chưa có trường THCS nào.
|
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi - Đạ Tẻh đang chờ được đầu tư cơ sở vật chất để đạt chuẩn quốc gia |
Chờ đợi đầu tư trong nhiều năm
Nằm trong khu vực gần trung tâm của thị trấn Đạ Tẻh, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thuộc hàng điểm trong bậc trung học cơ sở (THCS) của Phòng GD Đạ Tẻh trong nhiều năm liền.
Trường hiện có 22 phòng học, 19 lớp học trong bậc THCS với khoảng 600 học sinh trong vùng theo học hằng năm. Công tác tại đây có 44 cán bộ, giáo viên, công nhân viên; trong đó, có 33 giáo viên trực tiếp giảng dạy, tất cả đều đạt chuẩn đào tạo, trong đó có đến 22 giáo viên trên chuẩn.
Về chất lượng giáo dục, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nhiều năm dẫn đầu huyện Đạ Tẻh về thành tích học tập của học sinh trong bậc THCS, tỷ lệ duy trì sĩ số hằng năm luôn đạt 99,5%, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 95,6%; nhiều học sinh đoạt giải huyện và tỉnh. Các phong trào thi đua của ngành và địa phương trường đều thực hiện tốt.
Theo cô giáo Hồ Thị Thọ, Hiệu phó của trường, nhiều năm nay trường luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tất cả các tiêu chí của một trường chuẩn quốc gia, từ tiêu chí về công tác tổ chức và quản lý nhà trường; tiêu chí về cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội... Tuy nhiên, chỉ còn một tiêu chí duy nhất không đạt được, đó là cơ sở vật chất. “Chúng tôi đã thực hiện tốt tất cả các tiêu chí theo yêu cầu của một trường chuẩn quốc gia, nỗ lực trong từng năm để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện tốt công tác dạy và học của trường, mỗi năm đều cố gắng nâng cao từng tiêu chí. Nhưng cái khó nhất của chúng tôi hiện nay là trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất để được công nhận là trường chuẩn quốc gia” - cô Thọ cho biết.
Cụ thể, nhà trường cho đến nay về cơ bản chỉ có các dãy lớp học, chưa có nhà hiệu bộ, chưa có phòng học bộ môn, phòng tập đa năng cho học sinh, hội trường cũng chưa có. Phòng làm việc của Ban Giám hiệu hiện nay là một phòng học cũ được sử dụng lại. Ngay cả thư viện của trường cũng chỉ là một phòng học chứa sách và bố trí bàn ghế cho học sinh ngồi đọc.
Theo Ban Giám hiệu trường, nằm ở khu vực trung tâm nhưng THCS Nguyễn Văn Trỗi ngay từ đầu đã có một khuôn viên rất rộng rãi, chỉ cần có kinh phí đầu tư trường chuẩn là có thể xây bất cứ lúc nào. Nhà trường trong định hướng của huyện nhiều năm nay đã chọn điểm trong bậc THCS để lên trường chuẩn nhưng rồi cứ lỡ hẹn.
“Trong khả năng của mình, trường vẫn tiếp tục làm tốt nhất phần việc của mình, duy trì và nâng cao hiệu quả các tiêu chí đã đạt được lâu nay và chờ đợi thôi” - cô Thọ cho biết.
Phấn đấu có trường THCS đạt chuẩn trong năm học đến
Đạ Tẻh hiện có 39 trường học và cơ sở giáo dục, trong đó có 3 trường học và 1 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT Lâm Đồng quản lý gồm 2 trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn, một trường Phổ thông Dân tộc nội trú liên huyện phía nam cùng một Trung tâm Giáo dục thường xuyên. 35 trường học còn lại trực thuộc Phòng Giáo dục quản lý; trong đó có 2 trường tư thục (1 trường mầm non và 1 trường tiểu học), 33 trường hệ công lập.
Trong 33 trường công lập này, Đạ Tẻh hiện đã có 6/13 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 9/12 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, thế nhưng, trong 8 trường THCS chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia.
Theo ông Nguyễn Thái Dương, Phó Phòng GD Đạ Tẻh, lý do chính huyện đến nay chưa có trường THCS nào đạt chuẩn quốc gia là vì các trường vẫn chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất. Trung bình mỗi năm GD huyện được đầu tư khoảng trên 10 tỷ đồng cho công tác xây dựng mới phòng học lẫn tu sửa, mua sắm trang thiết bị và số tiền này được ưu tiên đầu tư cho việc kiên cố hóa phòng học của tất cả các trường học trên địa bàn, tập trung sửa chữa nâng cấp trong hè trong khi tổng mức đầu tư cơ sở vật chất hoàn chỉnh cho một trường THCS đạt chuẩn quốc gia như THCS Nguyễn Văn Trỗi hiện nay theo ông Dương cũng phải mất khoảng 10 tỷ đồng.
“Thực ra, chúng tôi cũng muốn có một trường THCS trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia để làm điểm cho bậc THCS. Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi lâu nay đã được huyện chọn để xây dựng thành trường điểm bậc THCS, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì tổng mức đầu tư cơ sở vật chất quá lớn, phải trông chờ huyện và tỉnh” - ông Dương cho biết.
Theo ông Dương, trong năm học 2016 - 2017 sắp đến, Đạ Tẻh sẽ phấn đấu có thêm một số trường chuẩn quốc gia trên địa bàn. Trong bậc học mầm non đó là Trường Mầm non Hoa Sen của xã Quốc Oai đã được đầu tư khá cơ bản; trong bậc tiểu học đó là Trường Tiểu học của xã An Nhơn đã tiệm cận các tiêu chí. Trong bậc THCS hiện Đạ Tẻh bên cạnh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đang chờ đầu tư cơ sở vật chất thì huyện cũng có thêm một trường đã đạt mức tiệm cận các tiêu chí là Trường THCS Đạ Kho.
“Có một điểm thuận lợi là hiện nay trong xây dựng nông thôn mới, huyện đang tập trung vốn đầu tư cho trường học trên địa bàn để các xã đạt chuẩn. Chúng tôi đang đề nghị huyện tập trung kinh phí đầu tư để Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi trong năm học đến này là trường THCS đầu tiên của huyện đạt chuẩn quốc gia” - ông Dương cho biết.
VIẾT TRỌNG