Lâm Đồng là "bức tranh" đa dân tộc, hội tụ 43 dân tộc anh em (chiếm trên 20% tổng dân cư toàn tỉnh) chung sức xây dựng quê hương. Do phong tục, tập quán và trình độ canh tác chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Lâm Đồng là “bức tranh” đa dân tộc, hội tụ 43 dân tộc anh em (chiếm trên 20% tổng dân cư toàn tỉnh) chung sức xây dựng quê hương. Do phong tục, tập quán và trình độ canh tác chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Từ năm 2010- 2015, Lâm Đồng đã đầu tư 693 tỷ đồng cho các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào DTTS. Từ đó, tạo chuyển biến rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần; thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng vào năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm nhanh, đến năm 2015 còn dưới 6%.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, trong Kế hoạch “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc” của tỉnh Lâm Đồng ban hành cuối tháng 5/2016 đã chú trọng việc phối hợp tổ chức thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS.
Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống MTTQ, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong tổ chức, cá nhân ở từng khu dân cư, từng dân tộc trên các lĩnh vực về trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, kinh tế vườn hộ, trang trại, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phát triển nghề truyền thống, giúp nhau vốn, ngày công lao động, giảm nghèo nhanh và bền vững; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức thành viên với các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện lồng ghép các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Theo đó, trọng tâm là các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào xây dựng nông thôn mới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS, khắc phục tình trạng chồng chéo, hình thức. Phát huy nội lực, các mô hình tự quản (tổ đồng bào tự quản, tổ già làng tự quản, hội đồng già làng tự quản…); động viên nâng cao ý thức chủ động vươn lên, tích cực đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; khắc phục tình trạng thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước. Quan tâm tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, hỗ trợ vốn, khuyến khích chuyển đổi tái canh cây trồng, vật nuôi phù hợp, có năng suất cao. Chú trọng vận động thực hiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, nhất là tiếng nói, chữ viết; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; nêu cao timh thần cảnh giác, phê phán, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng… Để làm tốt các việc trên, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ kịp thời biểu dương, tôn vinh người tốt, việc tốt trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS.
Thực hiện Kế hoạch đổi mới nội dung, phương thức trong công tác dân tộc phải dựa trên quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; quán triệt và thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau phát triển” trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đồng thời phải bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc, tôn trọng sự khác biệt trong đa dạng, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tiến bộ, tích cực của đồng bào DTTS, từ đó tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc. Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân hàng năm 2-3% (theo tiêu chí mới).
LAN HỒ