Với tuổi 91, đình An Hòa (64 đường 3/2) đang là một trong 3 ngôi đình cổ nhất trong lịch sử 123 năm hình thành và phát triển thành phố hoa.
Không là “cổ” so với những ngôi đình có hàng nghìn năm tuổi trên dải đất Việt Nam được xây dựng trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc; nhưng với tuổi 91, đình An Hòa (64 đường 3/2) đang là một trong 3 ngôi đình cổ nhất trong lịch sử 123 năm hình thành và phát triển thành phố hoa. Giữa cái tấp nập ồn ã, náo nhiệt của đô thị, đình An Hòa vẫn nguyên vẹn sự trầm mặc và bình yên, mang vẻ đẹp tâm linh kết nối cộng đồng.
|
Mái đình kép được xây dựng mang kiến trúc truyền thống với dòng chữ “Nhân tâm vi bản” (Lòng người làm gốc) |
Ngay sau khi người Pháp tìm ra Đà Lạt, vào đầu thế kỷ 20, cùng với người Pháp, những cư dân người Việt (Kinh) đầu tiên cũng có mặt ở Đà Lạt, họ là những người phu cần mẫn làm đường, xây dựng nhà ở, biệt thự theo quy hoạch thiết kế của người Pháp để góp sức làm nên một thành phố nghỉ dưỡng. Những cư xá nhỏ dành cho những cư dân Việt đầu tiên cũng được dựng lên ven đồi, ngay tại trung tâm các tuyến đường để ngày đến công trình, đêm về tá túc. Mỗi người một quê, đa số là người miền Bắc, miền Trung. Lạnh lẽo và sương mù khiến người Việt càng xích lại gần nhau. Mang theo tín ngưỡng truyền thống “Đất có thổ công, sông có hà bá”, nơi nào mạch đất nguồn nước nuôi dưỡng ta, nơi đó là quê hương, là nghĩa là tình. Vì lẽ đó năm 1925, đình An Hòa được xây dựng ở dốc Duy Tân (nay là đường 3/2) để thờ phụng thổ công, chúa đất, thành hoàng làm điểm tựa tâm linh, mong muốn một cuộc sống an hòa.
Theo thời gian, những đồi dốc gập ghềnh, hoang sơ cây cỏ, dần hình thành nên những hàng phố sầm uất. Với tốc độ đô thị hóa, từng ngôi nhà 3 - 4 tầng, tầng tầng lớp lớp xếp cạnh nhau bên sườn đồi, dãy quay xuống đường Phan Đình Phùng, dãy quay về 3/2 (Duy Tân), Tăng Bạt Hổ, ở giữa dày đặc những con hẻm sâu hút... Rừng xưa nên phố, ngôi đình trở nên nhỏ bé, nhưng mái ngói cong vút mang kiến trúc truyền thống, vẫn nguyên vẹn nét uy nghiêm cổ kính, mái đình kép lợp ngói được trang trí bằng những hoa văn, phù điêu, rồng uốn lượn. Bốn góc là 2 cặp câu đối, mọi người có thể thấy khi dừng chân ngắm đình “Nhân tâm vi bản - Vạn thế vĩnh tồn” (Lòng người là gốc - Muôn đời trường tồn). Họa tiết Song long chầu Nhật (hai Rồng chầu mặt trời) in trên nền trời xanh khiến ai qua thấy lòng nhẹ tênh, lắng đọng...
Đã 91 năm trôi qua, năm nào bà con cũng tiến hành 2 lần tế lễ, lễ tế Thu và lễ tế Xuân. Lễ tế Thu năm nay diễn ra vào ngày 25 tháng 7 âm lịch - Bính Thân (tức ngày 27/8/2016) trong khí trời đẹp. Từ sáng sớm, cờ phướn đủ màu treo rợp cửa đình, nổi bật trên phố 3/2. Từ trước đó, Ban Trị sự đình đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bậc cao niên, lập ra các ban, các tổ như: tế lễ, lễ tân, ẩm thực… Bà Văn Mỹ Mỹ (phụ trách thực phẩm) cho biết: mọi lễ vật đã được các chị cùng chuẩn bị từ đêm trước, để sáng hôm sau, mọi việc đều chu toàn. Tiếng trống thúc giục lòng người như tiếng reo vui của hội làng. Thành khẩn và trang nghiêm, 7g30, lễ tế đầu tiên diễn ra. Chánh bái là cụ Đoàn Văn Ký cùng 2 cụ Nguyễn Tiến Hà (tả), Lâm Kim Cao ((hữu) cùng 5 cụ cao niên ở các vị trí: tả chinh, hữu cổ, hương đăng trong trang phục truyền thống khăn đóng áo dài trang nghiêm kính cẩn. Tiếng nhạc vang lên trong nghi ngút khói hương, đến 11 giờ trưa 4 lễ tế diễn ra: Lễ Túc Yết, Lễ Chánh Tế, Lễ cúng anh hùng liệt sĩ, Lễ hoàn tạ. Trong âm thanh của các nhạc cụ dân tộc: chiêng, trống, đàn cò (nhị), vẳng trong lời sớ đọc lên trầm bổng ngân nga (theo âm điệu tế truyền thống), chúng tôi nghe rõ những lời nguyện cầu: quốc thái, dân an, đất nước thái bình, quê hương Đà Lạt phồn thịnh, lòng người an hòa, dân phố no đủ, các thế hệ tiếp nối học hành phương trưởng, buôn may bán đắt… Sau khi chủ tế, hành lễ, từng đoàn con dân, già trẻ cùng vào thắp hương kính cẩn cầu mong những điều tốt đẹp cho mình, cho gia đình và cho bà con hàng phố.
|
Lễ tế các anh hùng liệt sĩ diễn ra trước sân đình trong không khí thành kính |
Tại lễ tế Thu, thế hệ người Việt đầu tiên đặt dấu chân lên phố lên phường từ những năm tháng đầu tiên đến hôm nay hầu hết đã về với tổ tiên, nhiều lớp người ra đời tiếp nối và thêm rất nhiều lớp người từ mọi miền đã về đây nhận phố là làng, nhận Đà Lạt làm quê hương cũng có mặt, thành kính dâng hương sau mỗi tuần tế lễ. Chúng tôi gặp những người trẻ, người già, mỗi người một quê, họ sinh sống tại các cửa hàng khang trang buôn bán sầm uất dọc đường 3/2, Nguyễn Chí Thanh, Phan Đình Phùng, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Văn Cừ… thuộc phường 1 - Đà Lạt, di cư đến Đà Lạt vào nhiều thời điểm khác nhau, ai cũng một lòng kính bái. Có những người con ở xa xứ, tận trời Tây cũng trở về, bởi cha mẹ họ là những cư dân đầu tiên. Chị Trương Thị Yến (61 tuổi) trở về sau hơn 30 năm định cư ở Mỹ kể rằng, chị được sinh ra và lớn lên ở con dốc này, gắn bó với ngôi đình, ông nội chị quê gốc Hưng Yên vào Đà Lạt làm phu từ những năm đầu thế kỷ XX, cha chị nếu còn sống nay cũng 97 tuổi - ông gắn cả cuộc đời với Đà Lạt, với sương mù và cái lạnh. Khi trẻ chị cũng từng theo chân cha đến đình, sau bao năm đình vẫn là nơi thiêng liêng, vẫn là mái nhà chung, là điểm tựa tinh thần lớn trong nghĩa đồng bào.
Cùng với sự hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt, người Việt đã đặt chân đến nơi đây và mang theo tín ngưỡng văn hóa trong hành trình di dân lập nghiệp. Ở đâu có đình, ở đó có làng có nước, có sức mạnh cộng đồng. Đã gần 100 năm đình An Hòa giữ một vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân, mang đầy đủ vẻ đẹp tâm linh và là biểu tượng linh thiêng của sự hội tụ sức mạnh và tinh thần đoàn kết dân tộc, gắn bó của người Việt. Nơi đây linh thiêng nhưng rất gần gũi với cư dân, là mái nhà chung, là sợi dây kết nối tâm thức, lòng người, góp phần làm nên một hình hài Đà Lạt vẹn tròn.
QUỲNH UYỂN