Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng đã quan tâm, lo lắng từng bữa ăn cho công nhân nhằm giúp họ đảm bảo sức khỏe, yên tâm làm việc, từ đó góp phần tạo ra hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng đã quan tâm, lo lắng từng bữa ăn cho công nhân nhằm giúp họ đảm bảo sức khỏe, yên tâm làm việc, từ đó góp phần tạo ra hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
|
Bữa trưa của công nhân Công ty TNHH Chế biến lâm sản Đà Lạt |
Chúng tôi đến thăm Công ty TNHH Chế biến lâm sản Đà Lạt (Khu công nghiệp Phú Hội) giữa lúc công nhân ở đây đang nghỉ ca ăn cơm trưa. Chỉ vào khẩu phần ăn trước mặt của mình, chị Nguyễn Thị Huệ (công nhân bộ phận rong phôi) cho biết: “Tôi vào làm ở đây cũng được hơn 2 năm rồi, từ đó tới giờ, bữa ăn lúc nào cũng vệ sinh, sạch sẽ và cũng đầy đủ các món. Với công nhân tụi mình, chỉ cần như vậy thôi”. Em Nguyễn Thị Mai ngồi sát bên cạnh cũng phấn khởi nói chen vào: “Trước, em đi làm thuê ở ngoài, ăn uống chẳng đâu vào đâu. Từ hồi vào làm công ty, bữa ăn lúc nào cũng đúng giờ, lại đủ các nhóm thực phẩm, em tăng liền 2 kg luôn!”. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Trung Lãnh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chế biến lâm sản Đà Lạt cho biết, hiện một ngày công ty có khoảng 60-90 công nhân trực tiếp sản xuất và tất cả những công nhân làm việc trong ngày đều được phục vụ bữa ăn buổi trưa, kể cả những công nhân hợp đồng bên ngoài. Mỗi sáng, anh Lãnh sẽ chịu trách nhiệm báo số lượng công nhân ăn trưa cho nhà bếp chuẩn bị. Riêng từng bữa ăn trong ngày do nhà bếp lên thực đơn, dưới sự giám sát của Công đoàn Công ty, với yêu cầu các món ăn phải đa dạng, phong phú, thay đổi hàng ngày và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như đảm bảo dinh dưỡng để giúp người lao động “tái tạo” lại năng lượng sau một buổi làm việc. “Bữa ăn do nhà bếp nấu không chỉ dành riêng cho công nhân mà từ lãnh đạo tới nhân viên hay công nhân đều ăn chung một khẩu phần. Ngày nào, tôi cũng xuống kiểm tra khi nhà bếp chuẩn bị thức ăn và thức ăn mỗi ngày đều được lấy ra làm mẫu để đảm bảo an toàn và nếu có đoàn kiểm tra VSATTP thì cũng có sẵn mẫu thức ăn trong ngày. Tiền ăn buổi trưa của mọi người đều được Công ty chi trả. Ngoài ra, những công nhân từ Đà Lạt xuống đây làm, Công ty còn chi tiền ăn sáng; những người đăng ký ở lại Công ty buổi tối còn được phục vụ bữa ăn chiều. Khi bữa ăn được chăm chút, chúng tôi đều mong người lao động sẽ yên tâm làm việc tốt hơn” - ông Lãnh nói thêm.
Tại Công ty TNHH Đà Lạt Tự nhiên, bữa ăn của công nhân ở đây cũng được Công ty quan tâm từ những ngày đầu mới thành lập vào năm 2010. Bữa ăn được công ty hỗ trợ hoàn toàn. Từ lúc Công ty chỉ có vài chục người, hay đến nay con số này là khoảng 120 người thì bữa ăn trưa hay tối (những lúc tăng ca) của công nhân đều do nhà bếp của Công ty phục vụ chứ không thuê bên ngoài nấu, để đảm bảo ATVSTP. Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan nhà bếp, chị Lương Thúy Luân, phụ trách nhân sự Công ty Đà Lạt Tự nhiên cho biết, trước bếp ăn do một người khác thầu nhưng sau một thời gian, theo phản ánh của công nhân là bữa ăn thường không đảm bảo, lại mất vệ sinh. Vậy là khoảng 3 tháng nay, Công ty thuê người khác phụ trách, bữa ăn của công nhân vì thế cũng “tươm tất” hơn hẳn, không còn cảnh ai ra trước thì lấy phần nhiều, ai ra sau thì lấy phần ít, nhiều khi còn bị đói, mà giờ, khẩu phần ăn của mỗi người đều để sẵn trong từng khay, riêng cơm, canh thì mọi người có thể lấy thêm tùy ý. “Nhà bếp ở đây cũng thay đổi món ăn liên tục để người ăn không bị ngán, mỗi bữa ăn như vậy thường có 2 món mặn, một món canh, món xào. Công ty cũng như công đoàn luôn lắng nghe ý kiến của công nhân để có sự điều chỉnh cho phù hợp” - chị Luân nói. Ngoài ra, chị Luân cũng cho biết thêm, ngoài dân địa phương, công nhân ở đây đa phần là ở các huyện trong tỉnh và cả ở Ninh Thuận lên. Vì vậy, để giúp công nhân ổn định chỗ ăn ở, nhân viên Công ty còn hỗ trợ công nhân tìm nhà gần công ty với giá cả hợp lý (tư vấn và cho họ số điện thoại của chủ nhà trọ) hoặc tìm giúp họ nhà trọ và đặt cọc tiền nhà cho họ luôn, đến kỳ lĩnh lương trong tháng, công nhân sẽ hoàn trả.
Theo ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đức Trọng, thực hiện Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh về bữa giữa ca cho công nhân, LĐLĐ huyện Đức Trọng đã cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với đặc điểm của địa phương. Nâng cao chất lượng bữa ăn cho CNLĐ là góp phần hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm; tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của CNLĐ. Khi sức khỏe ổn định, người lao động sẽ làm việc tốt hơn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm lợi cho công ty. Xác định được điều đó, khoảng 7 doanh nghiệp có công nhân sản xuất trên địa bàn đều tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động. Hầu hết bữa ăn của các công ty này đều do nhà bếp của công ty nấu nên đảm bảo chất lượng, VSATTP.
Thy Vũ