Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hàng đầu, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Đơn Dương luôn tích cực, chủ động bằng nhiều biện pháp chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng bám sát địa bàn để giữ rừng. Nhờ vậy mà vốn rừng ngày càng tăng trở thành điểm sáng trong công tác này.
Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hàng đầu, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Đơn Dương luôn tích cực, chủ động bằng nhiều biện pháp chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng bám sát địa bàn để giữ rừng. Nhờ vậy mà vốn rừng ngày càng tăng trở thành điểm sáng trong công tác này.
|
Tuần tra quản lý, bảo vệ rừng |
Quy ước bảo vệ rừng
Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, huy động nguồn nhân lực cộng đồng dân cư để bảo vệ và phát triển rừng, huyện Đơn Dương cho xây dựng quy ước bảo vệ rừng tại thôn, buôn, đây là cách làm mới đem lại hiệu quả cao. Có mặt tại thôn Hamanhai 1, chúng tôi được chứng kiến buổi thảo luận quy ước bảo vệ rừng của thôn. Trưởng thôn triệu tập hội nghị toàn thể nhân dân, đại diện lãnh đạo thôn trình bày các nội dung cần thể hiện trong quy ước bảo vệ và phát triển rừng để nhân dân thảo luận, biểu quyết, xây dựng quy ước, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm lâm. Buổi họp dân diễn ra trong không khí hết sức nghiêm túc, sôi nổi, các vấn đề liên quan đến rừng được bà con bàn bạc, thảo luận kỹ để phù hợp với điều kiện cuộc sống của họ. Ông Ya Thú người dân trong thôn chia sẻ: “Chúng tôi cùng tham gia ý kiến trao đổi với cán bộ kiểm lâm để có thể thực hiện bảo vệ rừng một cách tốt nhất, một khi chúng tôi đã tham gia góp ý, có nghĩa là chúng tôi có trách nhiệm phải thực hiện theo bản quy ước”.
Ông Ha Ban - Trưởng thôn Hamanhai 1 cho biết, trước khi tổ chức xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng thôn, kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND xã, trao đổi và thống nhất với trưởng thôn, chúng tôi những nội dung cần đưa ra trước hội nghị thôn, buôn để bàn bạc, thảo luận, biểu quyết nhất trí và cam kết thực hiện. Từ đó, thôn cử ra tổ bảo vệ và phát triển rừng, ủy viên thanh tra nhân dân để tổ chức, giám sát việc thực hiện quy ước đó. Khi có những tranh chấp, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, nếu thuộc nội bộ của cộng đồng đã được quy định trong quy ước thôn sẽ được nhắc nhở, giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải trong cộng đồng. Với trường hợp hành vi và mức độ vi phạm đã được pháp luật quy định cần phải xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì trưởng thôn lập biên bản báo cáo UBND xã, đồng thời báo cho kiểm lâm địa bàn để xử lý. “Khi quy ước ra đời, ý thức của người dân cũng tăng lên. Người dân không còn tự ý phá rừng già, rừng đầu nguồn để lấy đất sản xuất, làm nhà ở hoặc dùng vào các việc khác. Người dân bắt đầu có trách nhiệm ngăn chặn và báo với tổ quản lý, bảo vệ rừng thôn, UBND xã, các cơ quan chức năng như kiểm lâm, công an về hành vi vi phạm đến rừng, đồng thời còn có trách nhiệm “canh gác” người ngoài thôn vào khu vực rừng của thôn. Người dân trong thôn luôn cùng nhau kiểm tra, theo dõi nếu phát hiện các hành vi vi phạm các điều khoản đã được quy định trong quy ước, ngăn chặn và báo kịp thời với tổ quản lý, bảo vệ rừng của thôn” - ông Ban nói.
Ông Võ Văn Lập - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương cho biết, trước đây, tình trạng phá rừng thường xuyên xảy ra, chính nhờ những bản quy ước này mà người dân có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay, toàn huyện đã có 56 thôn, buôn đã được xây dựng Quy ước bảo vệ rừng và người dân tham gia rất nhiệt tình, ngăn chặn được hàng chục vụ xâm hại rừng. Cái hay của việc làm này là nhằm thu hút người dân cùng bảo vệ, bởi người dân là lực lượng nòng cốt để những cánh rừng mãi xanh.
Điểm sáng
Huyện Đơn Dương có rừng và đất lâm nghiệp Đơn Dương, sau rà soát là 41.055 ha (rừng phòng hộ 5.474 ha; rừng sản xuất 23.737 ha); phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp là rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực hồ thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh. Rừng Đơn Dương đa phần thuộc loại rừng dễ cháy như rừng thông thuần loại, rừng cây họ dầu nửa rụng lá, rừng khộp và hơn 3.000 ha rừng thông trồng.
Ông Võ Văn Lập - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương cho biết, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đơn vị duy trì thực hiện thường xuyên, kết quả trong giai đoạn năm 2011 - 2015, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ rừng tại 847 cuộc họp dân với 43.945 lượt người tham dự; thực hiện 4.309 cam kết với những hộ canh tác nương rẫy, các nhà hàng, quán ăn và các cơ sở chế biến gỗ không vi phạm Luật BV&PTR; cấp phát 1.821 băng rôn, áp phích tuyên truyền BVR & PCCCR. Cũng 5 năm qua, các lực lượng đã phối hợp các ngành chức năng tuần tra truy quyét rừng trên địa bàn huyện Đơn Dương quản lý, với 2.171 đợt. Kết quả tuần tra truy quét đã phát hiện ngăn chặn kịp thời 483 vụ vi phạm, giảm 227 vụ so với 5 năm trước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn huyện Đơn Dương, đã mang lại những kết quả tích cực, hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó tăng cường phối hợp tuần tra truy quét các trọng điểm có nguy cơ rừng bị xâm hại, kịp thời phát hiện vi phạm và phối hợp cùng lực lượng chức năng ngăn chặn; xử lý vi phạm đã có tác dụng giáo dục, răn đe đối tượng, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân; xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng và PCCCR tại cơ sở…
Từ những kết quả đạt được, tập thể Hạt Kiểm lâm Đơn Dương đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (năm 2011, 2012, 2014) và trở thành điểm sáng được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khen thưởng là tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, giai đoạn 2011 - 2015.
HOÀNG YÊN