Ha Then (sinh năm 1947, thôn Ma Đanh, xã Tu Tra) là một lão nông đam mê âm nhạc. Sau một ngày làm việc nặng nhọc già thường nâng chiếc kèn bầu thổi từng điệu nhạc trầm bổng của người Chill trên đất Đơn Dương (Lâm Đồng).
Ha Then (sinh năm 1947, thôn Ma Đanh, xã Tu Tra) là một lão nông đam mê âm nhạc. Sau một ngày làm việc nặng nhọc già thường nâng chiếc kèn bầu thổi từng điệu nhạc trầm bổng của người Chill trên đất Đơn Dương (Lâm Đồng). Dị tật ở mắt nên tầm nhìn xa chưa đầy 3 mét nhưng “tầm nhìn” về việc lưu giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của ông được người dân ví von dài hơn con đèo Ngoạn Mục ở đây nhiều lắm.
|
Già Then lo lắng một mai sẽ không còn ai kế tục cái nghiệp làm kèn bầu của mình |
Vượt Ngoạn Mục tìm “tiếng kèn”
Khách lạ vào nhà, cô cháu gái rảo từng bước non nớt đẩy cánh cửa gỗ phai màu mưa nắng rồi ôm chầm lấy người đàn ông tuổi đời ngoại lục tuần, vẻ đầy lo lắng. Tiếng nói phát ra từ chiếc cổ gầy gò: “Đến sửa kèn bầu hay đặt làm mới, đợt này già bị gãy tay rồi không làm được nữa, chừng một tháng hẵng ghé lại nhé cô chú”. Bàn tay chai sạm ánh lên vẻ vất vả rót nước mời khách, già bảo: “Từ nhỏ trời đã không cho tôi đôi mắt như người thường, chỉ nhìn được trong tầm chiếc chiếu đang ngồi này thôi, đi rừng hay làm nông sử dụng trí nhớ là chính. May mắn thay tôi có một đôi tai thính và một sức khỏe dẻo dai khó ai so bì được”.
Trong căn nhà tạm bợ nhìn về những dãy núi xa xăm, già Ha Then sử dụng đôi tay khéo léo của mình vào một công việc không dễ gì người “tinh anh” có thể làm được. Chế tác và sửa chữa kèn bầu, không kim khí gò hàn, không máy móc hiện đại. Mưa xối xả lên triền đất này, già Then bảo: “Mưa thế này công việc không được trôi chảy cho lắm, không phơi phúng tre nứa gì được. Cái nghề này cần trời nắng lắm, một ngày nắng bằng năm bảy ngày mưa. Vật liệu để chế tác cần phải có nắng ráo mới khô khén được, mưa gió mà không chuẩn bị kịp thì chỉ còn nước ngồi nhìn trời nhìn đất”.
Già Then gắn bó với cái nghiệp kèn bầu đến nay đã trên năm mươi năm, khi còn là một đứa trẻ cởi trần tắm mát quanh những con suối chảy qua đất này. Anh trai của già đã về với trời đất chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời kèn bầu của già. Già nhờ chúng tôi lấy giúp những chiếc kèn bầu được cất giữ ở vị trí trang trọng nhất ngôi nhà đặt xuống manh chiếu. Nâng chiếc kèn bầu trong tay, già giới thiệu: “Đây chính là chiếc kèn bầu hoàn chỉnh của người Cill mà tôi đã chế tác xong xuôi, bao gồm một quả bầu khô, 6 thanh nứa kích thước khác nhau được xuyên lỗ và gắn lưỡi gà bằng đồng. Chất liệu kết dính với nhau chính là sáp ong và bùn đất được pha trộn một cách tỉ mỉ nhất. Kèn bầu thường được thổi trong những dịp lễ quan trọng như đám cưới, đám ma, các lễ hội truyền thống của người Cill”.
Nghèo đói, miếng ăn chạy bữa nhưng già Then vẫn quyết tâm lưu giữ truyền thống tổ tiên người Chill miệt Nam Tây Nguyên. Vốn liếng bằng không, đất canh tác nông nghiệp thuộc dạng “chó ăn đá gà ăn sỏi” không thể nào giúp già có một cuộc sống khá giả. Chính tre nứa và đôi tay tài hoa của già đã giúp cả đại gia đình vượt qua một thời kỳ khó khăn, để bây giờ con cái đã được dựng vợ gả chồng, cháu con vui vầy.
Khi tre nứa còn nhiều thì già Then chỉ cần mò vào vùng rừng rú ở Đơn Dương là có ngay vật liệu để chế tác. Mỗi thời mỗi thế, rừng xanh dần biến mất, tre nứa nhường chỗ cho hoa màu, rau quả, già Then phải đánh liều vượt đèo Ngoạn Mục về đất Ninh Thuận để tìm vật liệu.
Tháng trước, già lang thang trong rừng thì bị ngã gãy tay, những người bạn tốt bụng ở Phan Rang đã giúp già trong những ngày khó khăn nhất của cuộc đời. Già chỉ cánh tay đang bó bột của mình: “Dăm bữa nữa là khỏi thôi, có thể làm kèn bầu và đi rừng tìm vật liệu được rồi”.
Trầm, bổng kèn bầu
Già Then chìa bàn tay đầy rẫy vết sẹo to nhỏ do tre cật cứa vào tựa hồ như một tấm bản đồ để khẳng định cái nghiệp làm kèn bầu của mình đã ngấm vào máu xương, thân thể già cỗi này. Có lẽ trên mỗi chiếc kèn bầu đang phát ra từng âm trầm bổng kia đã ngấm một phần mồ hôi, nước mắt và đôi khi là những giọt máu hồng của già như một minh chứng rõ ràng nhất cho sự gắn bó với nghề nghiệp.
Cái quý nhất của thân phận già cỗi là dao quắm, cưa, búa, vài ba cái đục đủ kích cỡ đã lên nước bóng loáng vì hơn năm mươi năm cầm nắm. Già Then nhìn đống đồ nghề của mình cười móm mém: “Không cần chùi rửa mà bóng loáng đến vậy đó, mồ hôi rồi gió rừng lên nước, nhìn cũng đẹp đấy chứ”.
Căn nhà nhỏ này không chỉ là nơi chế tác, sửa chữa kèn bầu mà còn là nơi già Then trực tiếp truyền nghề cho lớp trẻ. Nhưng cuối cùng già thất vọng lắm, già buồn ra mặt: “Già có dạy cho năm bảy thanh niên ở đây về nghề chế tác kèn bầu, được vài hôm là không còn ai đến học nữa. Lớp trẻ bảo rằng đi làm việc khác kiếm được nhiều tiền hơn, làm cái kèn bầu này không thể sống được”.
Già chậc lưỡi: “Con trẻ nói cũng đúng, cuộc đời già gắn bó với nghiệp này già biết rồi, kiếm được đồng tiền từ nó không phải dễ dàng gì. Già cũng không trách gì cả”.
Không học chế tác thì già dạy cách chơi kèn bầu, ban đầu đến nhà cũng nhiều người lắm chứ, nhưng thưa dần rồi không còn ai nữa. Rồi già Then nhận ra một sự thực đến cay nghiệt, hóa ra tiếng nhạc sập sình, chát chúa phát ra từ những chiếc loa máy công suất cỡ lớn kia đã “hút” hết đám thanh niên của ngôi làng này.
Vất vả bươn chải để kiếm miếng cơm, manh áo là điều đương nhiên đối với con người. Nhưng phải có một nghị lực và sự quyết tâm lưu giữ, bảo tồn nhạc cụ truyền thống của người Chill thì già Ha Then mới có thể vuông tròn với cái nghề kèn bầu được. Xin được mượn lời phi lộ của nhạc sĩ Trần Tiến khi kể về bài hát “Giấc mơ Cha Pi” để nói về con người gần đất xa trời này: Tôi đến gần một ngôi nhà sàn thì nghe một tiếng đàn rất lạ, tôi mới hỏi người đàn ông Raglây rằng đây là cây đàn gì, người đàn ông bảo rằng đó là cây đàn Cha Pi. Anh có thể bán nó cho tôi được không, tôi là nhạc sĩ mà, tôi rất thích nó. Không, anh thích thì tôi tặng mà, tôi bán làm gì.
Chiều tối, mưa lất phất. Gió không ngừng thổi vào căn nhà vá víu bằng những tấm gỗ và vách tre từ những vật liệu dư ra khi làm kèn bầu. Gió đưa tiếng kèn bầu trên đôi môi khô ráp của già Then lọt ra núi rừng lúc trầm lúc bổng. Và cái ước muốn cuối cùng của cuộc đời chính là lưu giữ một chút ký ức của tổ tiên thông qua kèn bầu.
Đức Tú - Ngọc Ngà